Di sản Hội An trước nguy cơ bão lũ

(Dân trí) – Hội An là Di sản văn hóa thế giới với hơn 1.000 di tích, Hội An cũng là rốn lũ của Quảng Nam mỗi năm “đón” vài ba cơn lũ lớn.

Hội An hình thành từ những năm đầu thế kỷ XVII, là một thương cảng, trung tâm buôn bán giao lưu hàng hóa lớn trong và ngoài nước thời bấy giờ. Được bảo tồn gần như nguyên vẹn nhưng đến nay, trải qua hàng trăm năm, rất nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng; do đó vấn đề đặt ra là công tác bảo tồn các di tích này như thế nào, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
 
Dòng sông Hoài đục ngầu nước mỗi khi có lũ từ thượng nguồn đổ về
Dòng sông Hoài đục ngầu nước mỗi khi có lũ từ thượng nguồn đổ về
 
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, hiện trong phố cổ Hội An có 1.107 ngôi nhà và di tích. Hàng năm đến tháng 5-6, Trung tâm tiến hành khảo sát nắm tình hình và lên kế hoạch cụ thể để chủ động phòng chống trong mùa bão lụt.
 
Theo đó, các di tích trong khu phố cổ Hội An cần được bảo vệ gồm di tích nhà ở; các nhà thờ tộc; các Hội quán; Đình; Chùa; Miếu; và các điểm bảo tàng do Trung tâm quản lý gồm: Chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Lịch sử văn hóa, di tích Chùa Ông, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng văn hóa dân gian…
 
Du khách thích thú với việc thuê ghe đi chơi lũ ở Hội An
Du khách thích thú với việc thuê ghe đi chơi lũ ở Hội An

Ông Trung cho biết, công tác chuẩn bị lực lượng để bảo vệ ngoài lực lượng tại chỗ, huy động lực lượng xung kích nằm trong các đội tham gia phòng chống lụt bão (PCLB), phòng cháy chữa cháy đã được phân công, lực lượng xung kích này phải có mặt ngay khi Ban chỉ huy PCLB, PCCC điều động.

Vật tư chuẩn bị gồm dây, ròng rọc, sọt, xô, xe bò... để di chuyển hiện vật đến nơi an toàn; cây chống, dây mềm, phao cứu sinh, áo phao, thuốc men sơ cứu, xăng để chạy máy phát điện khi cần thiết, gỗ chống đỡ di tích và các vận dụng cần thiết khác...
 
Mỗi khi có lũ, gần như toàn bộ khu phố cổ bị ngập
Mỗi khi có lũ, gần như toàn bộ khu phố cổ bị ngập
 
Ông Trần Văn An, Phó Trưởng ban PCLB (thuộc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) cho biết, đối với các di tích trong khu phố cổ thì khảo sát, xác định các di tích có nguy cơ sụp đổ, đề xuất biện pháp, thông báo cho địa phương và chủ di tích chủ động phòng tránh. Lập kế hoạch, dự trù kinh phí mua trang thiết bị chống đỡ di tích, chuẩn bị cây chống cho các chủ di tích và địa phương khi có nhu cầu mượn gỗ chống đỡ.
 
Lực lượng cứu hộ túc trực ngay cầu An Hội để hướng dẫn du khách trong lùa lũ
Lực lượng cứu hộ túc trực ngay cầu An Hội để hướng dẫn du khách trong lùa lũ

Ngoài ra, đối với các bảo tàng, di tích do Trung tâm trực tiếp quản lý thì chuẩn bị các công cụ, dụng cụ phòng chống lụt bão hiện có để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống lụt bão bất ngờ xảy ra. Mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ cho lực lượng trực như mùng mền, chiếu gối, đèn dầu, đèn cầy, bếp dầu…

Theo kế hoạch, khi có thông báo về lụt bão, nhân viên tại các bảo tàng, di tích phải có trách nhiệm di chuyển kịp thời các hiện vật từ tầng I lên tầng II (nếu có) hoặc đến nơi an toàn. Nếu xảy ra lụt lớn thì Ban PCLB của cơ quan đề nghị Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP Hội An chi viện khẩn cấp tàu thuyền để di chuyển hiện vật về kho cổ vật tại Trung tâm.
 
Công việc vất vả của lực lượng PCLB ở Hội An trong mùa mưa bão
Công việc vất vả của lực lượng PCLB ở Hội An trong mùa mưa bão

Đối với di tích Chùa Cầu, khi có thông báo khẩn cấp, cần di chuyển đồ thờ, vật dụng sang tầng II nhà 149 Trần Phú, đồng thời tìm cách khơi thông dòng chảy, chặn bao cát, hạn chế áp lực nước chảy trực tiếp vào móng tường. Báo cáo kịp thời Ban PCLB-TKCN Thành phố điều động lực lượng, ứng cứu các di tích. Trang bị các phương tiện: mũ cối, áo phao, đèn pin,... cho người trực bảo vệ và phòng chống.

Ông Nguyễn Chí Trung cho biết, khó khăn nhất trong công tác phòng chống lụt bão hiện nay tại Hội An là tình trạng ngập lụt lâu gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Ngoài ra đây là khu phố cổ có dân cư sinh sống và diễn ra các hoạt động kinh doanh dịch vụ nên cơ quan chức năng phải có phương án cho từng tình huống cụ thể, tùy theo cấp độ ngập lụt mà có phương án trước để di dời dân cư.

“Đặc biệt, ghe máy nổ không thể đi trong phố cổ để cứu hộ, cứu nạn, di tản người dân trong lúc lũ xảy ra vì sóng nước do ghe chạy sẽ tạt vào nhà mà chỉ nên dùng ghe chèo”, ông Trung cho biết. Bên cạnh đó, theo ông Trung số nhà xuống cấp nhiều, bão lũ thì không thể lường trước được nguy cơ xảy ra lúc nào nên đó cũng là một khó khăn trong công tác PCLB.

Ông Trung cũng cho rằng, Hội An nằm cuối cùng của dòng sông Thu Bồn trước khi đổ ra biển Đông nên khi trên thượng nguồn xả lũ thì người dân chạy không kịp; đặc biệt là tình huống vỡ đập. "Cái này thì rất khó lường trong công tác PCLB ở Hội An", ông Trung lo lắng.

 

Công Bính