“Đến khi mất, mẹ vẫn muốn đi tìm hài cốt của con”

(Dân trí) - Nhớ mong con, mẹ Dương Thị Tạo khóc đến mờ mắt. Đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn không nguôi hi vọng tìm được con. “Mẹ nói: “Tôi nhớ thằng Thiềng lắm. Đến giờ vẫn không biết nó ở đâu, để tôi đi tìm nó””, chị gái liệt sỹ Phan Văn Thiềng kể lại.

Tấn Minh thể hiện ca khúc "Người mẹ của tôi"

Những người mẹ mắt mờ, đổ bệnh vì ngóng tìm hài cốt của con trai

Ở một vùng cát trắng ven biển thuộc xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), có mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, bao nhiêu năm nay đi khắp biển tìm gọi tên con cho đến khi đổ bệnh. Con mẹ là anh Hoàng Văn Túy cũng đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14/3/1988.

Thương con thân xác nằm dưới biển khơi giá lạnh, mẹ Tròn với chồng là cụ ông Hoàng Nhỏ (85 tuổi) đã lập cây dâu làm hài cốt cho anh Túy, đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sỹ xã. Ngày giỗ anh, mẹ lại lụi cụi tới nghĩa trang thắp hương, đốt lửa mong cho thân xác con được ấm áp...

Rương quần áo, những di vật gửi về khắc thêm nỗi mong nhớ cho cả gia đình. “Rương quần áo anh gửi về thì để cho em mặc, chứ không bao giờ đốt. Thương anh quá, thì để quần áo cho em mặc, chứ đốt bỏ đau lòng quá. Mặc rồi, cứ nhớ mãi, đó là áo của anh mình”, anh Hoàng Văn Phong em trai liệt sỹ Hoàng Văn Túy chia sẻ trong chương trình “Dáng đứng Việt Nam”.

Hình ảnh người mẹ lặng lẽ đi bên bờ biển tìm gọi tên con cho đến khi đổ bệnh...
Hình ảnh người mẹ lặng lẽ đi bên bờ biển tìm gọi tên con cho đến khi đổ bệnh...

Người thân chia sẻ, không biết bao ngày mẹ Tròn đi lang thang vô định trên các động cát trắng ngóng chờ con. “Những ngày đó anh em bầy tui phải chia nhau đi theo mạ kẻo sợ mạ nghĩ quẩn rồi xuống biển bị sóng cuốn…”, anh Phong kể. Khi mẹ Tròn khuất núi, nỗi mong nhớ ấy tiếp tục đeo đẳng trong tim những người ở lại, với khát khao đưa anh về với mẹ.

“Một đứa con hi sinh trên đất liền thì còn xác, còn đó. Chứ còn ngoài khơi thì biết đi đâu mà tìm…”, cha liệt sỹ Hoàng Văn Túy đau đớn nói.

Cũng ở Bố Trạch, Quảng Bình, có một người mẹ khác mòn mỏi nỗi đớn đau không khác gì mẹ Tròn là mẹ Dương Thị Tạo. Con mẹ, liệt sỹ Phan Văn Thiềng ra đi khi mới 22 tuổi trong trận chiến tại đảo Gạc Ma năm 1988.

“Khi mẹ nghe tin Thiềng hi sinh, là mẹ ngất ngay trên giường và khóc. Mở mắt ra, trên tủ có ảnh của Thiềng là mẹ lại lấy xuống xem và khóc: Thiềng ơi, đi về với mẹ. Con sống ở ngoài nước, ngoài nôi với ai”, cô Phan Thị Thảo, chị gái liệt sỹ Phan Văn Thiềng kể lại. Cô Phạn Thị Thuyên, chị gái liệt sỹ Thiềng cũng chia sẻ: “Ra ngoài đường, cứ thấy ai mặc quần áo bộ đội là mẹ nói quàng: Con là Thiềng, con là Thiềng đúng không? Mẹ cứ nói như là Thiềng vẫn còn sống bên mẹ”.

Nhớ mong con, mẹ Tạo khóc đến mờ mắt, về sau mắt cũng không nhìn rõ nữa. Đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ vẫn khôn nguôi hi vọng tìm được con. “Đến khi mẹ mất, mẹ nói “Tôi nhớ thằng Thiềng lắm. Đến giờ vẫn không biết nó ở đâu, để tôi đi tìm nó””, cô Thảo nói.

Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ liệt sỹ Phan Văn Thiềng vẫn đau đáu nỗi nhớ con, muốn tìm con...
Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ liệt sỹ Phan Văn Thiềng vẫn đau đáu nỗi nhớ con, muốn tìm con...

Sau 20 năm dưới đá Gạc Ma, tàu HQ 01 mới được tìm thấy, 13 hài cốt được đưa lên. 13 hài cốt và 56 mẫu sinh phẩm của các liệt sỹ mất tới 74 ngày đêm để làm các xét nghiệm, đối chứng. Sau cùng, danh tính 8 người được xác định, có 2 liệt sỹ ở Quảng Bình nhưng hai mẹ đợi mãi mà không có tên con mình trong danh sách này.

Viện Pháp y quân đội đã trân trọng lưu giữ 8 giọt mẫu ADN ấy trong khối pha lê để đưa các anh về với gia đình, người thân, coi như là một sự an ủi đôi chút với những người mất thân nhân.

Thư về với mẹ khi con đã hi sinh

Câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh cũng khiến hàng triệu khán giả cảm động. Lá thư cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh gửi về cho gia đình được chia sẻ. Lá thư được viết vào đầu xuân 1985, tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong chiến tranh biên giới.

Có mặt tại chương trình “Dáng đứng Việt Nam”, người mẹ liệt sỹ chia sẻ, con trai từng kể chỉ còn mấy quả cà chua để ăn, vì pháo địch đánh vào dữ lắm. Liệt sỹ Thịnh cũng dặn mẹ: "Mẹ đừng phần bánh chưng, con không về được đâu!" Nhớ về con trai là một người rất tình cảm, mẹ liệt sỹ xót xa khi lên Hà Giang đón con trở về…

Câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hi sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1970, chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn thi đậu vào Học viện thuỷ lợi, khoa Thuỷ công. Trước đó năm 1969: Kỳ Sơn thi Đại học và đủ điểm đi học tại nước ngoài nhưng không đi.

Tháng 9/1971, khi đang là sinh viên năm thứ hai, anh viết thư tình nguyện đi bộ đội. Trong cuốn nhật kí bằng thơ của mình, Nguyễn Kỳ Sơn tự hào: "Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/ Vui gì hơn anh lính tân binh/ Mũ sáng soi miệng cười chúm chím/ Ánh hào quang tỏa sáng niềm tin".

Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, đơn vị củaNguyễn Kỳ Sơn chốt giữ trong thành cổ đổ nát, khét lẹt mùi bom đạn, chết chóc. 81 ngày đêm giữ thành, tranh thủ giây phút ngớt tiếng bom đạn giữa hai trận đánh, Kỳ Sơn kê cuốn nhật kí lên gối ghi vội những dòng chữ thấm đẫm tình yêu thương, những nghĩ suy về tình yêu, giá trị cuộc sống. Ngày 15/8/1972, anh viết: "Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng quý cuộc sống biết bao nhiêu... Cho ta sống mãi trong phút giây hạnh phúc này".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, mẹ liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn rơi nước mắt khi nhắc đến con trai.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, mẹ liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn rơi nước mắt khi nhắc đến con trai.

Ngày 19/8/1972, sáu ngày trước lúc hy sinh, Nguyễn Kỳ Sơn viết: "Ngày mai tôi giáp trận. Rất có thể rằng tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu, có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.”

Anh hy sinh ngày 25/8/1972: 1 năm sau gia đình mới nhận được tin để rồi bắt đầy chuối hành trình 38 năm bố mẹ anh lặn lội tìm mộ con…

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm