Đề toán của Ajahn Brahm và nguyên tắc cho phép bản thân "được" thất bại 30%

(Dân trí) - Nếu luôn nghĩ bản thân không được thất bại, cuộc sống sẽ vô cùng căng thẳng, đầy lo âu, thậm chí là muốn kiểm soát mọi thứ.

Ta còn bao nhiêu năng lượng tích cực và tình cảm để thực sự sống nữa đây? Vì vậy, hãy hạ thấp mức đòi hỏi xuống con số 70% và tận hưởng cuộc sống.

Ajahn Brahm - một trong những thiền sư nổi tiếng nhất phương Tây - trước khi đi tu từng có thời gian làm giáo viên tại một trường trung học ở Anh. Lần đầu tiên ra đề thi môn toán đã để lại cho thiền sư bài học đáng nhớ.

"Tôi đã phải nhờ đến một giáo viên lâu năm cho lời khuyên", Ajahn Brahm kể, "Ông bảo tôi đừng cho đề khó quá, vì nếu điểm số trung bình là 30 - 40% thì các em sẽ nản chí, nghĩ rằng môn toán không dễ và rồi bỏ cuộc. Ngược lại, nếu đề thi quá dễ và hầu hết các em đều đạt thang điểm 90 - 100% thì bài thi sẽ trở nên vô ích vì nó chẳng giúp đánh giá được sức học của các em", thiền sư Ajahn Brahm kể lại.

Đề toán của Ajahn Brahm và nguyên tắc cho phép bản thân được thất bại 30% - 1

Do vậy, người giáo viên khuyên thiền sư lúc ấy nên ra đề thi sao cho mức điểm trung bình mà các em đạt được là 70%. Bằng cách đó, các em học sinh sẽ cảm thấy được khích lệ và phát huy hết khả năng toán học của mình; đồng thời, người ra đề cũng có thể dựa vào phần 30% còn lại của bài thi mà các em đã phạm sai lầm để xác định được đâu là những điểm yếu của các em để khắc phục trong những bài học tới. Như vậy, 70% bài thi sẽ nhằm mục đích khuyến khích học tập và 30% còn lại là để các em rút tỉa kinh nghiệm.

"Sau này tôi nhận ra điều đó cũng đúng trong cuộc sống của chúng ta", thiền sư Ajahn Brahm diễn giải.

"Nếu thang điểm trung bình của những bài tập trong cuộc đời là 30 - 40%, bạn sẽ cảm thấy nản chí, thậm chí là tuyệt vọng và đầu hàng số phận. Ngược lại, nếu bạn luôn đạt được mức 90 - 100%, những gì bạn học được trong cuộc sống sẽ rất ít ỏi và chẳng có mấy thứ đọng lại. Nhưng nếu thang điểm trung bình trong cuộc sống của bạn là con số 70% kỳ diệu, bạn sẽ có đủ sức mạnh để duy trì động lực sống, đồng thời cũng trải nghiệm đủ thất bại để trưởng thành", thiền sư nói.

Nguyên tắc 70% là lý do chúng ta không bao giờ nên mong đợi cuộc sống luôn hoàn hảo 100%. Đôi khi chúng ta được phép thất bại trong cuộc sống. Nếu cho phép mình được thất bại 30%, cho phép mình được mắc sai lầm, có những hành xử không hoàn hảo, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn.

Là một thiền sư, nhưng bản thân Ajahn Brahm không mong mình phải hoàn hảo trong cuộc sống mà ngược lại, thích cho bản thân phạm phải các sai lầm, bởi "có khi, tôi nghiệm ra rằng sự ngu ngốc của mình có thể giúp cho thế gian này hạnh phúc hơn đôi chút", ông nói.

Một lần, thiền sư Ajahn Brahm được nhờ tiến hành tang lễ cho cha của một phật tử trong chùa. Với tư cách chủ trì tang sự này, ông mở lời trịnh trọng: "Thưa các ông bà, hôm nay chúng ta có mặt ở đây để bày tỏ lòng tôn kính đối với mẹ của bạn tôi, người vừa qua đời". Lập tức, một người phụ nữ đứng tuổi ngồi ngay hàng ghế đầu đứng dậy và cắt ngang lời phát biểu của tôi đầy phẫn nộ: "Tôi có chết đâu, chồng tôi ấy chứ!". Thế là mọi người cười rộ lên, và có lẽ là người chết nằm trong quan tài cũng phải sốc.

Đó là một nhầm lẫn tai hại. Bình thường người mắc sai lầm như vậy sẽ không ngừng tự trách mình, nhưng thiền sư lại nhận ra khía cạnh ngược lại: Nhờ sai lầm và tràng cười đó mà từ đó đến hết buổi lễ, mọi người luôn vui vẻ nhớ lại những kỷ niệm xa xưa với người quá cố, khiến buổi lễ trở nên thật ý nghĩa.

Một kỷ niệm khác được thiền sư kể lại: "Một lần, tôi vừa hoàn tất đợt giảng dạy tu thiền chín ngày tại Penang và được các nhà tổ chức tiễn ra sân bay. Họ mua cho tôi một ly cà phê rất ngon trước khi tôi lên máy bay. Nó vừa mạnh, vừa đậm đặc lại rất ngọt ngào vì có kem.

Tôi cầm lấy ống hút và định hút lấy cái hương vị thơm ngon, đầy quyến rũ đó nhưng chẳng được chút tẹo cà phê nào. Tôi bèn hút mạnh hơn, vẫn không được chút gì. Hẳn là cái ống hút đã bị nghẹt đâu đó, thế là tôi hút thật mạnh và chợt nhận ra một số nhà tổ chức đang khúc khích cười tôi, số khác thì lấy tay che miệng, cố giấu nụ cười. Thế là tôi bèn rút cái ống hút ra và nhận ra rằng đó chỉ là một cái muỗng nhựa (!) Tuy nhiên, vào lúc phát hiện ra sai lầm ngớ ngẩn ấy, tôi đã phá lên cười, khiến những người khác cũng có thể bật cười theo. Thế là tôi đã làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ".

Vậy đấy, chúng ta sẽ sống vui vẻ hơn nếu biết hạ xuống mong đợi của mình. Nếu bạn luôn nghĩ mình không được thất bại, không được tỏ ra ngu ngốc, ngớ ngẩn, cuộc sống sẽ vô cùng căng thẳng, đầy lo âu vì tâm thế muốn kiểm soát mọi thứ của mình. Bạn còn bao nhiêu năng lượng tích cực và tình cảm để mà thực sự sống nữa đây?

70% cũng là mức kỳ vọng ta nên áp dụng với người khác. Đừng đặt những mong đợi quá cao đối với cha mẹ, con cái hay người bạn đời của mình. "Chúng ta thường đặt những mong đợi vào bạn đời của mình ở mức quá cao, đến nỗi khó mà chấp nhận được nhau lâu dài. Vì thế, nếu chồng bạn đạt mức 70%, hãy giữ anh ta lại. Còn nếu người vợ của bạn đạt mức 98%, hãy nói cô ấy nghỉ ngơi và phạm một số sai lầm đi, nếu không bạn sẽ bỏ cô ta", thiền sư Ajahn Brahm bông đùa.

Hãy thả lỏng, cho phép bản thân và người khác được phép không hoàn hảo, hạ thấp mức đòi hỏi xuống con số 70% và tận hưởng cuộc sống!

Ajahn Brahm sinh năm 1951 tại Luân Đôn, nước Anh. Ông tự xem mình là một phật tử khi mới mười sáu tuổi, sau khi đọc những quyển sách nhà Phật lúc đang còn đi học. Ông tốt nghiệp ngành vật lý lý thuyết tại đại học Cambridge và đi dạy được 1 năm thì đến Thái Lan để tu học và trở thành thầy tu. Hiện ông là tu viện trưởng của tu viện Bodhinyana. Ông đến nhiều nơi trên thế giới để nói về các câu chuyện của nhà Phật, về hạnh phúc, bình an.

Trong các cuốn sách của mình, thiền sư kể lại những mẩu chuyện với những tình tiết vui tươi, lồng ghép những suy tư từ trải nghiệm của thầy từ khi chưa xuất đến khi mới bắt đầu quy y, cho đến tận lúc đã là trụ trì. Những câu chuyện này giúp bạn đọc khám phá những điều tươi đẹp trong thế giới nội tâm, hiểu hơn về sự buông xả, bình an, tình yêu vô điều kiện, đồng thời chiêm nghiệm những triết lý thâm sâu của đạo Phật.

Mẩu chuyện trên được lược trích từ cuốn sách "Buông bỏ buồn buông". Những cuốn sách khác trong bộ đã được xuất bản tại Việt Nam bao gồm: "Mở cửa trái tim", "Tâm từ", "Hạnh phúc đến từ sự biến mất".

Nguyên Thảo