Đầu tư gần 500 tỷ đồng bảo tồn, tôn tạo nơi phát tích của một vương triều

Trần Lê

(Dân trí) - Để hoàn thiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nổi bật của Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng Miếu Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng.

Ngày 15/5, ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2).

Đầu tư gần 500 tỷ đồng bảo tồn, tôn tạo nơi phát tích của một vương triều - 1

Quy hoạch tổng thể lăng miếu Triệu Tường.

Chủ đầu tư dự án là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Địa điểm xây dựng dự án tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Mục tiêu đầu tư dự án là hoàn thiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nổi bật của Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng Miếu Triệu Tường; kết nối với Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, di tích Phủ Trịnh, tạo thành tuyến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh hấp dẫn phục vụ phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Dự án gồm các khu vực: Khu Miếu Triệu Tường, khu vực phát huy giá trị di tích, khu Lăng Trường Nguyên, khu Đền Ông và đường giao thông.

Trong đó, khu Miếu Triệu Tường có tổng diện tích khoảng 14,54ha; Khu phát huy giá trị di tích có diện tích khoảng 3,626 ha phía Đông khu Miếu Triệu Tường; Khu lăng Trường Nguyên có diện tích khoảng 5,85ha; Khu đền Đức Ông có diện tích khoảng 0,59 ha.

Tổng mức đầu tư dự án là gần 454 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa, ngân sách huyện Hà Trung, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện không quá 5 năm (2019-2023).

Dựa theo sử liệu và sách ảnh còn lưu giữ về di tích, các nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định rằng, Khu lăng miếu Trường Nguyên được xây dựng hết sức cầu kỳ, công phu và được ví như hình mẫu thu nhỏ của kinh thành Huế.

Thôn Gia Miêu, xã Hà Long, nơi đây xưa kia chính là Gia Miêu ngoại trang, thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Đây là nơi phát tích của vương Triều Nguyễn và trở thành mảnh đất quý hương thờ tổ tiên. Vào cuối đời Hậu Lê, Nguyễn Kim (hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn) là một tướng giỏi có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu.

Đầu tư gần 500 tỷ đồng bảo tồn, tôn tạo nơi phát tích của một vương triều - 2
Đình Gia Miêu.

Năm 1527, sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi lập nên triều Mạc. Không từ bỏ ý chí, Nguyễn Kim chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu - vùng Thanh Hóa giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc.

Về sau, Nguyễn Kim tìm được Lê Duy Ninh (là con vua Lê Chiêu Tông ở Thanh Hóa). Sau đó mang sang Lào lập làm vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa (vua Lê Trang Tông 1533 - 1548), khởi đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Nguyễn Kim được vua Trang Tông phong làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công Trưởng nội ngoại sự để phò vua diệt Mạc, lấy lại giang sơn.

Năm Ất Tỵ 1545, Nguyễn Kim khi đó đã 78 tuổi, bị Dương Chấp Nhất là tướng của nhà Mạc đầu độc chết. Vua Lê thương tiếc, truy ban tước Chiêu Huân Tĩnh công. Thi hài ông được đưa về táng ở núi Triệu Tường.

Tương truyền sau khi cha mất, anh trai bị bức hại, Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) đã tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin mưu kế. Sau khi được Trạng Trình khuyên câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân", Nguyễn Hoàng đã xin triều đình đi trấn thủ xứ Thuận Hóa để mưu đồ, tạo dựng sự nghiệp riêng cho họ Nguyễn.

Năm 1558, rời Gia Miêu ngoại trang, Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn về phương nam khởi lập lên xứ Đàng trong với sự nghiệp mở mang bờ cõi lẫy lừng, trải 9 chúa, 13 vua.

Nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt giai đoạn 2 của dự án.