Đấu giá mặt nạ của Napoleon lúc qua đời

(Dân trí) - Trong lịch sử văn hóa phương Tây khi xưa, những nhân vật có địa vị cao hoặc những con người lỗi lạc, nổi tiếng, khi qua đời thường được tạc mặt nạ để ghi lại hình ảnh khuôn mặt người đó lúc qua đời.

Một trong hai chiếc mặt nạ bằng thạch cao lưu giữ lại chân dung của Napoleon Bonaparte vốn thuộc quyền sở hữu tư nhân vừa tuần trước đã được đem rao bán đấu giá tại London và được trả giá 260.000 đô la (tương đương 5,4 tỉ VND).

Đấu giá mặt nạ của Napoleon lúc qua đời


Chiếc mặt nạ này từng được bác sĩ phẫu thuật Francis Burton đến từ Trung đoàn Bộ binh 66 của quân đội Anh thực hiện vào ngày 7/5/1821, chỉ hai ngày sau khi Napoleon qua đời ở trên đảo St. Helena nằm trên Đại Tây Dương.

Góa phụ Bertrand, phu nhân của tướng Bertrand – một vị nguyên soái từng rất được Napoleon trọng dụng, đã được giao nhiệm vụ chăm sóc cho cựu hoàng Napoleon trong quá trình ông bị lưu đày ngoài đảo St. Helena.

Chính phu nhân Bertrand là người đã khăng khăng yêu cầu cựu hoàng Napoleon phải được làm mặt nạ sau khi ngài qua đời dù để đưa được thạch cao tới đảo St. Helena mất rất nhiều thời gian. Hậu quả là trước khi người ta kịp thu thập đủ số thạch cao từ một hòn đảo gần đó thì cơ thể Napoleon đã bắt đầu mục ruỗng.

Chiếc hòm gỗ đựng chiếc mặt nạ

Chiếc hòm gỗ đựng chiếc mặt nạ

Ban đầu, phu nhân Bertrand không cho phép một người Anh được quyền làm mặt nạ cho cựu hoàng bởi trong lịch sử Napoleon đã thua trận Waterloo trước liên quân Anh – Phổ. Tuy vậy, tình huống lúc này trở nên bất khả kháng vì thời gian đã quá gấp gáp, phu nhân Bertrand đành chấp nhận để bác sĩ quân y người Anh Francis Burton làm mặt nạ.

Chiếc khuôn mà Burton thực hiện gồm hai phần: phần mặt trước (từ lông mày trở xuống cằm) và phần sau đầu (từ trán ra sau đầu). Ngày hôm sau, khi bác sĩ Burton lấy chiếc mặt nạ thạch cao ra từ bộ khuôn, không may, chiếc mặt nạ bị dính vào khuôn, vì vậy, chỉ còn cách tách chiếc mặt nạ ra khỏi khuôn bằng cách đập vỡ nó. Vậy là chỉ còn lại bộ khuôn.

Đúng lúc này bác sĩ Burton phải rời đi. Phu nhân Bernard đã giữ lại bộ khuôn và hứa với bác sĩ Burton sẽ gửi cho ông một chiếc mặt nạ, nhưng sau đó ông không nhận được như đã hứa. Ông chỉ được nhận lại một phần bộ khuôn ở phía sau đầu. Trong cơn tức giận, người ta nói rằng, ông đã đập vỡ khuôn vì bị lừa dối.

Phu nhân Bertrand vẫn ở lại đảo Helena và tìm cách mua được một lượng thạch cao và tự làm ra chiếc mặt nạ của Napoleon. Vì phần khuôn sau đầu đã trả lại cho Burton nên bà nhờ tới một vị họa sĩ có tên Joseph William Rubidge khắc họa lại những chi tiết còn thiếu như cổ, tai, trán… để khớp với phần mặt trước và tạo ra được một chiếc khuôn hoàn chỉnh.

Trước khi rời khỏi đảo St. Helena, phu nhân Bertrand đã làm ra 2 chiếc mặt nạ và dành tặng cho đức cha Richard Boys, một giáo sĩ ở trên đảo Helena. Sau này, ông đã tặng cho con gái và con trai mỗi người một chiếc mặt nạ.

Giáo sĩ Richard Boys

Giáo sĩ Richard Boys

Chiếc mặt nạ dành tặng cho cô con gái hiện giờ đang nằm tại trung tâm nghiên cứu Pháp học - Maison Française d’Oxford ở Anh. Chiếc mặt nạ dành tặng cho người con trai được lưu truyền trong nội bộ gia đình suốt 5 thế hệ, cho tới hôm nay mới được đem ra rao bán.

Người sở hữu chiếc mặt nạ, anh Andrew Boys chia sẻ: “Sau khi lễ tang của cha tôi cử hành xong, tôi rất ngạc nhiên khi biết trong những món đồ thừa kế của mình có chiếc mặt nạ này. Tôi nhận ra rằng nó có một ý nghĩa quan trọng nhưng bản thân tôi không biết nên làm gì với nó, cũng không chắc có thể bảo đảm sự an toàn cho chiếc mặt nạ thạch cao này. Cho tới khi tôi được nhận chiếc mặt nạ này thì nó vẫn nằm yên trên tầng gác mái nhà tôi và tôi không muốn nó phải tiếp tục nằm ở đó đến đời con tôi, cháu tôi. Điều tốt nhất có thể làm cho chiếc mặt nạ là đem bán nó với hy vọng những người có khả năng sẽ biết cách nhìn ngắm, thưởng thức và bảo vệ nó”.

Vào ngày 27/5/1821, khi phu nhân Bertrand rời khỏi đảo St. Helena, chiếc khuôn đã được vị bác sĩ riêng của Napoleon - Francesco Antommarchi mang đi khỏi đảo. Nó đã được sử dụng để làm ra bao chiếc mặt nạ bằng thạch cao khác bán trên khắp Châu Âu về sau.

Sau này, họa sĩ theo trường phái siêu thực người Bỉ - Rene Magritte đã vẽ bầu trời xanh và những đám mây trắng lên khoảng 5 chiếc mặt nạ Napoleon và làm nên chùm tác phẩm “Tương lai của những bức tượng”. Dưới đây là một chiếc đang được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật Tate của Anh.

Pi Uy


Pi Uy
Theo The History Blog