“Đất nước và tình yêu” neo cảm xúc trong mối duyên thơ - nhạc
(Dân trí) - Tối 6/1 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ – Hà Nội đã diễn ra đêm nhạc “Đất nước và tình yêu - Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cùng các nhạc sĩ”. 16 tiết mục nghệ thuật trong đêm nhạc đã để lại nhiều cảm xúc và sự lắng đọng trong lòng khán giả.
Chương trình nghệ thuật “Đất nước và tình yêu” là món quà chào xuân mới 2017 đầy ý nghĩa, đậm đà tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống và con người trên nhân thế.
Điểm nhấn thú vị của đêm nhạc là tất cả các tác phẩm đều là sự phối hợp đồng điệu giữa các nhạc sĩ và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Đó là những ca khúc phổ thơ hoặc do chính nhà thơ viết ca từ. Đông đảo các văn nghệ sĩ, khán giả và người yêu thơ nhạc đã có mặt đông đủ để được thưởng thức trọn vẹn các tác phẩm âm nhạc đặc biệt này.
Trong đêm diễn, tác giả đã không khỏi xúc động gọi “đây là sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời mà có lẽ sau này tôi sẽ không bao giờ quên được”. Nhờ có âm nhạc mà những vần thơ da diết, lãng mạn, say đắm… được “chắp cánh” bay lên. Và chính những vần thơ tinh túy ấy cũng làm cho các giai điệu âm nhạc thêm bội phần hào sảng, trữ tình, thiết tha, sâu lắng….
Đúng như Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh- người đã làm nên mối “lương duyên” giữa thơ và nhạc đã tâm sự rằng ông luôn cảm thấy yên tâm và được thăng hoa hơn khi lấy thơ Lê Cảnh Nhạc làm ca từ. Trong niềm xúc động và hạnh phúc, tác giả đã gửi những lời cảm ơn sâu sắc đến các nhạc sĩ, bạn bè thân hữu đã dành những tình cảm cho mình. Và lời đặc biệt nhất anh dành cho người bạn đời của mình, đồng thời cũng là “nàng thơ” trong rất nhiều sáng tác mà tác giả đã viết và xuất bản.
Chương trình mở màn đầy ấn tượng với bản hợp xướng “Tiếng gọi Rồng Tiên” một trong 18 ca khúc rất thành công trong mối lương duyên thơ- nhạc mà hai tác giả Đức Trịnh- Lê Cảnh Nhạc đã cho ra đời trong thời gian gần đây. Tác phẩm đã từng được Đoàn nghệ thuật Sơn La dàn dựng, biểu diễn và đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.
Bên cạnh đó, đêm nhạc còn có nhiều tiết mục ca múa nhạc ấn tượng như: Non nước đàn trời (Cẩm Tú và nhóm múa), Đôi bờ ví giặm (NSƯT Tố Nga), Non nước Thiên Cầm, Thắp niềm tin cuộc sống (Đăng Thuật), Về Hương Sơn, Hồn quê hội tụ (Vũ Thắng Lợi), Mênh mang Vũ Quang (Xuân Hạo), Da diết một miền quê (Bích Ngọc), Đêm Phiêng Lơi (Mai Trang), Lời ru một mình, Mơ về Hà Nội (Nhật Thủy), Bão giông tình biển (Ngọc Linh), Bão giông lòng mẹ (Thúy Nội), Áo trắng vùng cao (Lê Anh Dũng)...
Các tác phẩm trên đều là những tác phẩm thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ tên tuổi như: Đức Trịnh, Văn Dung, Quốc Nam, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Thụy Kha, Đặng An Nguyên, Xuân Phương, Tuấn Phương, Hồ Trọng Tuấn, Văn Tiến... Tác giả gọi đó là những bài thơ “lọt mắt xanh” của các nhạc sĩ ấy tạo nên mối duyên “nhạc chắp cánh cho thơ và thơ rót hồn cho nhạc”.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng không khỏi nuối tiếc vì thời lượng và thời gian không cho phép cho nên nhiều ca khúc từng đạt giải thưởng âm nhạc do các nhạc sĩ phối hợp sáng tác cùng nhà thơ đã không được giới thiệu trong như: Những đoàn quân như sóng, Lời thề lính biển, Chào công dân kỷ nguyên vàng với nhạc sĩ Đức Trịnh, hay tổ khúc ba bài về Dưới cờ quyết thắng với nhạc sĩ Xuân Phương, Tượng đài mẫu tử với nhạc sĩ Quốc Nam… Thay vào đó, tác giả đã đưa khán giả vào những vần thơ đầy da diết, như: Miền Trung- Trường thành tổ quốc, Sao em không về quê cùng anh, Con tàu và bến cảng, Hạt bụi... cùng tiết mục ngâm thơ Dậy nào ban mai do NSND Hồng Ngát và các nghệ nhân sáo, đàn tranh thể hiện.
Nói về đêm nhạc, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tâm sự: “Xưa nay, chuyện các nhà thơ có tác phẩm được giới nhạc sĩ phổ nhạc khá quen thuộc nhưng so với kho tàng âm nhạc lại không nhiều lắm. Những bài thơ phổ nhạc đòi hỏi phải có nhạc điệu, đề tài, ca từ gần gũi với công chúng, toát lên vẻ đẹp giản dị, trong sáng, đẹp đẽ... Trước những yêu cầu này, thơ Lê Cảnh Nhạc hoàn toàn đáp ứng được”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ thêm: “Thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đa dạng về đề tài từ đất nước, quê hương, biên cương, người lính đến những vấn đề thời sự nóng hổi đang được dư luận quan tâm. Các tác phẩm thơ của Lê Cảnh Nhạc khi được chắp cánh bằng âm nhạc có ưu điểm mạnh về ngôn ngữ, cảm xúc, gần gũi với cách tiếp cận của công chúng. Bởi thế, những sáng tác giàu nhạc tính của anh tạo nên sức hấp dẫn và ưu thế đặc biệt khiến các nhạc sĩ có cảm hứng phổ nhạc. Trong lĩnh vực sáng tạo, có thể nhìn nhận, không phải bài thơ hay nào cũng có thể phổ nhạc được nhưng với các tác phẩm thơ được chắp thêm đôi cánh âm nhạc là một lợi thế trong tiếp cận công chúng nhất là các đề tài sáng tác về đất nước, quê hương, tình yêu...”.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng cũng bày tỏ: "Người làm thơ thì nhiều, nhưng thơ được phổ nhạc thì không nhiều lắm, đơn giản vì không phải bài thơ nào cũng có thể phổ nhạc được, có nhiều nhạc sỹ cũng làm thơ, nhưng khi phổ nhạc họ lại chọn một bài thơ của một nhà thơ khác – Như nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng, những bài thơ được phổ nhạc hay thường là những bài giàu nhạc tính, hình ảnh và khá chuẩn về khúc thức. Thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là thế. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã có hàng trăm bài thơ được phổ nhạc, với số lượng này, có lẽ cũng là “vô địch” - tốp đầu trong những nhà thơ có thơ phổ nhạc nhiều nhất hiện nay”.
Hà Tùng Long