"Đào, phở và piano" làm từ ngân sách, khán giả vẫn mua 400.000 đồng/vé?

Lạc Thành

(Dân trí) - Cơn "sốt" của "Đào, phở và piano" chưa hạ nhiệt khi trên mạng xã hội, xuất hiện các "chợ" online trao đổi, mua bán vé. Khán giả thắc mắc, phim làm từ tiền thuế của người dân, sao không chiếu miễn phí?

Tuy đã chiếu ở 11 tỉnh thành trên cả nước nhưng khán giả chưa đã "cơn khát", Đào, phở và piano vẫn được nhiều khán giả săn lùng, sang nhượng vé khiến cho nhiều trang mạng hoạt động nhộn nhịp.

Đào, phở và piano làm từ ngân sách, khán giả vẫn mua 400.000 đồng/vé? - 1

Một khán giả chấp nhận mua 400 nghìn đồng/1 vé phim "Đào, phở và piano" trên mạng (Ảnh: Chụp màn hình).

Đặc biệt, ở một nhóm trao đổi vé xem phim, có khán giả "chịu chơi" chấp nhận mua 2 vé Đào, phở, piano với giá 800.000 đồng ở vị trí tốt, phía dưới có nhiều bình luận sẵn sàng giao vé khi được chuyển tiền.

Việc khán giả sôi động mua bán, trao đổi vé làm cho Đào, phở và piano càng "hot" hơn. Tuy nhiên, có nhiều thắc mắc cho rằng, vì sao phim làm từ ngân sách nhà nước, lại không chiếu tại rạp miễn phí cho người dân hay phát sóng trên truyền hình mà phải để khán giả "khổ sở" mua vé như vậy?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà sản xuất Quang Minh cho biết, sự thành công của Đào, phở và piano là tín hiệu vui với những phim Nhà nước đặt hàng, có thể sau hiện tượng phim này, các cơ quan quản lý sẽ "cởi trói" những quy định hành chính để phim làm từ ngân sách đến gần với khán giả hơn, nhanh hơn, chứ không phải phim làm xong... "đắp chiếu" như hiện nay.

"Việc phim điện ảnh chiếu trên truyền hình ở Việt Nam có nhiều, nhưng phim không được chiếu luôn mà có quy định từ 6 tháng đến 1 năm, sau khi phim ra rạp. Có lẽ các nhà quản lý cũng tôn trọng cảm xúc của người xem nên không chiếu trên các nền tảng khác ngay.

Việc chiếu miễn phí cũng có, nhưng nó thường rơi vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, khi đó chúng ta vẫn có các tuần lễ chiếu phim lịch sử miễn phí cho nhân dân tới xem", anh Quang Minh chia sẻ.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì đồng tình với nhà sản xuất Quang Minh khi cho rằng, nhiều phim điện ảnh do Nhà nước đầu tư vẫn chiếu trên truyền hình, có điều là phải đợi khi thời hạn phát hành ở rạp hết, hoặc phim không thể bán vé được.

"Thực tế thì phim điện ảnh phát trên truyền hình thì chất lượng hình ảnh, âm thanh... đều đi xuống thê thảm. Một phim điện ảnh không chỉ có nội dung, nó phải truyền tải mỹ cảm đến khán giả thông qua đặc trưng nghệ thuật điện ảnh, trong đó hình ảnh và âm thanh rất quan trọng.

Phim phải được chiếu trên màn hình lớn và bằng công nghệ tương thích với công nghệ sản xuất 4k, 5k (màn hình độ phân giải), âm thanh hiện đại nhưng truyền hình không tải được kỹ thuật này", bà Nhã lý giải.

Theo bà Trịnh Thanh Nhã, không phải phim Nhà nước đặt hàng nào cũng thu được vé như Đào, phở và piano. Đây là một mâu thuẫn trong tâm lý khán giả: Nếu ngay từ đầu phim chiếu miễn phí khán giả sẽ cho rằng tiền ngân sách bị đổ xuống sông, xuống bể. Bán vé thì lại cho là quyền của người đóng thuế là phải được hưởng thụ vô điều kiện.

"Vì thế, tôi mới nói đến các xuất chiếu miễn phí, nhưng đó là thông qua các đội chiếu phim lưu động và khi đã bán vé xong rồi thì hợp lý hơn", nữ biên kịch nói.

Đào, phở và piano làm từ ngân sách, khán giả vẫn mua 400.000 đồng/vé? - 2

Đạo diễn Phi Tiến Sơn (trái) và nữ diễn viên chính Cao Thùy Linh (phải) của phim "Đào, phở và piano" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một đạo diễn xin được giấu tên cho biết: "Khán giả chấp nhận mua, sang nhượng vé cao vì độ "hot" của phim Đào, phở và piano. Đây cũng là hiện tượng bình thường của quy luật cung - cầu. Phim làm xong bán được vé là mong mỏi, ước mơ của các nhà làm phim. Phim điện ảnh phải được phát hành ở rạp chiếu phim mới xứng tầm.

Tôi cho rằng, dù phim có làm từ ngân sách Nhà nước thì cũng phải có doanh thu, Nhà nước không thể bao cấp mãi được. Còn việc sau một thời gian phim có được chiếu miễn phí hay không là do quy định của các cơ quan chức năng về phim đó".

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết, hiện tại Nhà nước đang phát hành thí điểm xem các phim điện ảnh có doanh thu thế nào.

"Nếu doanh thu cao thì sẽ đỡ cho Nhà nước, nếu thu được phần nào đỡ phần đó. Thậm chí, doanh thu vượt qua số tiền đầu tư thì tốt quá, có doanh thu sẽ có kinh phí để làm phim mới. 

Hiện nay có 11 rạp chiếu phim phát hành phim Đào, phở và piano. Nếu khai thác xong thì mới chiếu miễn phí trên các hạ tầng số, truyền hình", ông Vi Kiến Thành nói.

Theo đó, bà Mạc Thủy - Trưởng phòng Chiếu phim, Trung tâm Chiếu phim quốc gia (NCC) tại Hà Nội - cho biết, tính đến sáng 26/2, tại rạp chiếu đã có 42.000 vé Đào, phở và piano được bán, thu về hơn 2 tỷ đồng.

NCC là điểm đầu tiên chiếu bộ phim này và liên tục tăng suất chiếu nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khán giả. 

Trung tâm này đã tăng suất chiếu từ 23 suất trong hai ngày 23/2 và 24/2 lên 32 suất trong ngày 25/2, trong đó có nhiều suất được xếp ở những phòng lớn có 402 chỗ ngồi và 29 suất trong những ngày tới. 

Theo bà Thủy, hiện tại, trang web đặt vé của NCC đã hoạt động trở lại, song, khán giả vẫn phải xếp hàng để mua vé trực tiếp do nguy cơ hệ thống gặp sự cố vì tình trạng quá tải khi khán giả mua vé online. 

Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.

Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Phim còn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...