"Đào, phở và piano" cháy vé: Giấc mơ phim nhà nước doanh thu 100 tỷ?
(Dân trí) - Các nhà làm phim đã lên tiếng khi "Đào, phở và piano" trở thành hiện tượng điện ảnh, là phim Nhà nước duy nhất "sốt" vé ở thời điểm vừa đón Tết Giáp Thìn.
Đào, phở và piano là một trong 2 phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày gần đây, bộ phim bất ngờ gây sốt và được khán giả ủng hộ nhiệt tình.
Thậm chí, với lượng truy cập lớn, trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) đã bị sập, các suất chiếu cũng liên tục kín chỗ tới mức đơn vị phải mở thêm suất chiếu để đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết, Cục đã có đề xuất với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc phát hành bộ phim Đào, phở và piano trên toàn quốc.
Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, doanh thu Đào, phở và piano tính đến tối 19/2 là hơn 505 triệu đồng - một con số khá ấn tượng đối với một phim Nhà nước chiếu có bán vé tại một rạp duy nhất. Tính riêng trong dịp cuối tuần qua, bộ phim bán được 2.234 vé với doanh thu 3 ngày là 134 triệu đồng.
Vậy lý do gì mà Đào, phở, piano lại khiến khán giả ùn ùn đến rạp như vậy?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, Đào, phở và piano "cháy" vé là một tin vui. Phim được khán giả ủng hộ do chất lượng phim hay. Bà đánh giá rằng, Đào, phở và piano là một bộ phim duyên dáng, đầy mỹ cảm, tiết tấu nhanh nên phù hợp với giới trẻ.
"Đào, phở và piano vượt ra khỏi ấn tượng về một bộ phim chậm, an toàn mà các phim làm từ ngân sách thường thấy. Phim không có điểm "rơi" nào nên nâng cảm xúc liên tục của người xem, phim dù nhẹ nhàng nhưng có những tình tiết không thể đoán trước được nên khán giả bị cuốn theo. Theo tôi biết, Công ty cổ phần Phim truyện I là đơn vị sản xuất phim này, nhưng họ không lãi đồng nào khi làm phim".
Nữ biên kịch nói thêm, phim được Nhà nước đặt hàng với 11 tỷ đồng mà làm được như vậy là rất đáng mừng. Chỉ riêng bối cảnh phim đã mất nhiều công sức và thời gian của ê-kíp.
"Có lẽ lâu lắm rồi, phim đặt hàng của Nhà nước như Đào, phở và piano mới có doanh thu hơn 500 triệu đồng và những ngày tới còn hơn nữa. Có lẽ, các nhà làm phim từ ngân sách đã có ý thức để hướng tới thị trường, hướng tới thị hiếu khán giả.
Trước đây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim Nhà nước làm cùng tư nhân, ê-kíp phim đã đặt ra bài toán doanh thu nên họ làm truyền thông tốt, phim rất thành công. Riêng Đào, phở và piano thì không được truyền thông, không có những xôn xao của khán giả mà "hữu xạ tự nhiên hương", biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ thêm.
Cũng nói về việc truyền thông cho bộ phim, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho phóng viên Dân trí biết, phim nhà nước hay tư nhân không quan trọng, điều chủ yếu là phim hay hoặc dở.
Theo ông Hải, thời điểm này, Đào, phở, piano ra rạp sẽ làm phong phú, đa dạng sự lựa chọn của khán giả. Phim đã được tạo "cú hích" nhờ truyền thông, không chỉ trên báo chí mà cả mạng xã hội nữa.
"Những thông tin trên mạng xã hội cũng gây tò mò, khiến doanh thu của phim tăng cao. Tuy nhiên "có bột mới gột nên hồ", phim cũng phải hay thì mới thu hút được khán giả, chứ nếu phim dở mà truyền thông quá lên thì cũng không có tác dụng nhiều. Khán giả sẽ quay lưng lại ngay", nam đạo diễn nói.
Bà Trịnh Thanh Nhã cũng đề cập đến nghịch lý của việc truyền thông các bộ phim của Nhà nước đặt hàng: "Phim làm từ ngân sách không có tiền cho truyền thông, nhưng lại muốn có doanh thu, thì đó là nghịch lý làm đau đầu nhiều nhà làm phim. Tôi được biết, có những phim tư nhân bỏ ra số tiền làm truyền thông gần bằng số tiền làm cả một bộ phim Nhà nước đặt hàng, bảo sao lại có hiệu ứng tốt vậy.
Phim Đào, phở và piano do đạo diễn Phi Tiến Sơn viết kịch bản, làm đạo diễn, khi làm ông ấy đã nghĩ "đây là phim cuối cùng" nên làm hết sức, hết năng lượng. Phim nhìn vào chiến tranh theo một cách mới, khán giả không cảm thấy bị tuyên truyền khi xem phim".
Bà Nhã cũng cho rằng, việc đề xuất phát hành phim trên toàn quốc là câu chuyện của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quan điểm của bà là đừng nghĩ đến doanh thu vội, đừng nghĩ đến tỷ lệ % khi phát hành, vì là phim của Nhà nước đặt hàng, làm bằng tiền ngân sách nên mọi người dân phải được hưởng quyền lợi xem phim.
Bên cạnh đó bà cũng cho rằng, luật Điện ảnh quy định các rạp có tỉ lệ thời gian chiếu phim trong nước, để làm sao phim chiếu ở giờ tốt thì mới có khán giả. Nếu đẩy vào giờ chiếu không có người xem thì rất khó cho các nhà làm phim.
NSƯT Bùi Trung Hải cho biết thêm, anh cũng từng làm nhiều phim Nhà nước đặt hàng, vì thế ngoài nhiệm vụ đưa ra rạp, các phim này thường được tham dự các Liên hoan phim quốc tế uy tín.
"Có thể, Đào, phở và piano cũng "mang chuông đi đánh xứ người" trong các Liên hoan phim (LHP) quốc tế sắp tới. Ngày trước, tôi từng làm phim đặt hàng là Hà Nội 12 ngày đêm (2002) cùng NSND Bùi Đình Hạc và phim Khi nắng thu về do tôi đạo diễn kiêm biên kịch.
Các phim này được các giải thưởng lớn ở các LHP quốc tế. Chứng tỏ rằng, phim của Việt Nam mình cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao", NSƯT Bùi Trung Hải bộc bạch.
Nghệ sĩ Văn Lượng - người phụ trách casting (thử vai) của phim Đào, phở và piano - tiết lộ rằng, khi làm phim, anh và ê-kíp không để ý đến chuyện phim sẽ được nổi tiếng hay không. Cả ê-kíp đã cố gắng diễn tốt nhất, còn cảm nhận về phim ra sao là do mỗi khán giả.
"Phim được quan tâm có lẽ do kịch bản hay, các nghệ sĩ diễn xuất tốt. Hơn nữa, đề tài về Hà Nội những năm 1946-1947 vẫn rất thu hút khán giả nói chung, giới trẻ nói riêng. Khi chọn diễn viên, chúng tôi cũng chọn những nghệ sĩ phù hợp với vai nhất.
Tôi và đạo diễn Phi Tiến Sơn đã phải vào cả Sài Gòn để tìm diễn viên. Phim có sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, ai cũng tâm huyết khi làm phim này", nghệ sĩ Văn Lượng kể lại.
Nghệ sĩ Văn Lượng cho biết thêm, ê-kíp đã mất gần 1 năm để dựng nên phim trường. Thậm chí, họ cũng đào móng xây những ngôi nhà 3 tầng rất kiên cố. Ngoài ra, việc mời lượng lớn diễn viên người nước ngoài tham gia phim cùng 1 thời điểm cũng là sự cố gắng của đoàn phim.
"Có những đại cảnh, cần nhiều diễn viên người nước ngoài, tôi đã phải liên hệ với nhiều trường học để mời họ. Khó khăn nhất là người nước ngoài họ rất tiết kiệm thời gian, họ tính từng giờ để làm việc, không ai ngồi cả ngày để chờ đến phân cảnh của mình cả. Vì thế chúng tôi đã phải sắp xếp khoa học cho các đại cảnh của phim", anh kể lại.
Anh cũng cho biết, các diễn viên trong và nước ngoài biết đều biết Đào, phở và piano là phim Nhà nước đặt hàng nên cát-xê được chi trả hợp lý và cũng không có chuyện các diễn viên "hét" cát-xê.
Khi phóng viên hỏi: "Phim Đào, phở và piano đang rất "hot" ở Hà Nội, vậy theo anh, khi phim chiếu ở TPHCM và các địa phương khác, khán giả có quan tâm không?".
Nghệ sĩ Văn Lượng cho hay: "Mấy ngày nay, nhiều khán giả nhắn tin cho tôi hỏi bao giờ thì phim chiếu ở TPHCM? Tôi tin rằng, không chỉ địa phương này mà khi chiếu ở nhiều tỉnh thành khác, phim sẽ được khán giả quan tâm".
Nhà sản xuất Thành Long cho biết: "Từ những tín hiệu vui của Đào, phở và piano, chúng ta có thể tin tưởng rằng, cứ phim hay, kịch bản tốt thì sẽ có khán giả.
Giấc mơ về phim Nhà nước đạt doanh thu 100 tỷ đồng có xa hay không là phụ thuộc vào kịch bản, cách đón đầu thị hiếu người xem. Với cách làm phim mới "thì gái có công chồng chẳng phụ", chúng ta hãy tin tưởng ở một cú đột phá lớn của phim Việt thời gian tới".
Đào, phở và piano là phim điện ảnh của đạo diễn Phi Tiến Sơn do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty cổ phần Phim truyện I sản xuất. Phim tái hiện Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa.
Chuyện phim kể về câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh đóng). Họ đã vượt qua gian khó hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Phim còn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như: NSND Trung Hiếu, đạo diễn Trần Lực, diễn viên Anh Tuấn, ca sĩ Tuấn Hưng...