TP Huế:
Đào hố khảo cổ tìm dấu vết lăng mộ Hoàng đế Quang Trung
(Dân trí) - Sáng 6/10, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học cho biết vào chiều cùng ngày sẽ làm lễ động thổ việc thăm dò ở gò Dương Xuân tìm dấu vết kiến trúc liên quan đến nhà Nguyễn và Tây Sơn.
Cuộc thăm dò sẽ do Viện Khảo cổ học chủ trì, cùng với sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành ở gò Dương Xuân thuộc địa phận của 2 chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước (phường Trường An, TP Huế). Đây là địa điểm mà nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân cho là nơi xưa từng là cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung, sau khi qua đời thì thi hài của vua được chôn tại đây.
PGS.TS. Bùi Văn Liêm cho biết, theo giấy phép của Bộ VH,TT&DL cho phép đào 5 hố thám sát với diện tích 22 m2, thời gian trong vòng 15 ngày.
“Việc đào các hố thám sát nhằm tìm ra, bổ sung các tư liệu của triều Nguyễn và triều Tây Sơn theo tinh thần của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cố, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Sở VH,TT&DL tỉnh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Còn việc tìm ra dấu vết của ngài Quang Trung thì chúng tôi chưa dám nói nhưng sẽ là thành công nếu có dấu vết hoặc cả việc không có dấu vết. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, TS. Liêm nói.
Vào 14h chiều nay (6/10) đoàn sẽ tiến hành lễ động thổ. Công việc chính thức sẽ tiến hành bắt đầu từ ngày mai (7/10) với việc đào lớp mặt ở hố thám sát khảo cổ đầu tiên.
Trong gần 30 năm qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dày công đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tư liệu lịch sử về vết tích cung điện Đan Dương và nơi chôn cất thi hài vua Quang Trung. Khu vực chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước là nơi nhà nghiên cứu cho rằng có lăng mộ vua Quang Trung và cung điện Đan Dương của nhà vua. Sau khi vua mất, cung điện được đổi tên thành lăng Đan Dương. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng những dẫn chứng của ông Xuân là không có cơ sở. Nhiều cuộc tranh luận giữa 2 phía đã diễn ra nhiều năm nay chưa có hồi ngã ngũ.
Đại Dương