Đạo diễn Phan Đăng Di: 'Một xã hội chỉ nhìn vào cái túi, cái váy thì chết'
“Những nhà làm phim độc lập chúng tôi tự biết là phải dựa vào nhau. Điện ảnh hay ở chỗ, những người đã từng được giúp đỡ sau này đều nghĩ đến việc giúp lại người khác”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Phan Đăng Di luôn nhắc tới từ “bình tĩnh”, mà sau đó phóng viên hiểu, đó là một thái độ sống, thái độ làm phim rất quan trọng của anh.
Phan Đăng Di đã trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhân chuyến ra Hà Nội cuối năm khảo sát bối cảnh làm phim Tiệc trăng tròn.
Phim của anh rất buồn, dù anh làm về trạng thái tình yêu, thì người ta vẫn nhìn thấy trạng thái xã hội, với những nỗi niềm day dứt về con người Việt Nam hiện đại. Có phải sau những suy tư trăn trở trong phim, anh buộc phải có những hành động cụ thể để mình không chỉ là người “nói”, mà còn là người “làm”. Gặp gỡ mùa Thu là một hành động rất cụ thể như vậy, nhằm giúp đỡ những nhà làm phim trẻ?
Năm 2007 tôi qua Hàn Quốc chào dự án Bi, đừng sợ! đã rất ngạc nhiên, họ tổ chức điện ảnh rất quy mô, khoa học. Tôi cũng đã được gặp các nhà làm phim Đài Loan (Trung Quốc). Họ làm việc với nhau trên tinh thần chia sẻ, và rất bình tĩnh khi làm điện ảnh. Những nền điện ảnh này được hỗ trợ nhiều, nên hoạt động thuận lợi lắm.
Lúc đó mình lại nghĩ đến những nhà làm phim trong nước. Các em trẻ rất cần được học hành, mở rộng giao lưu, nếu không cho họ cơ hội, dần dần họ sẽ chán nản. Nếu chưa ra được nước ngoài thì mình mời thầy ngoại về dạy. Nhìn thấy các bạn trẻ xúm vào học, chuẩn bị cho một dự án phim, cái không khí đó hay lắm, đủ để những người tổ chức quên hết khó khăn tiếp tục công việc này.
Được biết, Gặp gỡ mùa Thu năm nay gặp khó khăn về kinh phí hỗ trợ, động lực nào để các anh chị vẫn tiếp tục duy trì?
Đối tác tài trợ chính của chúng tôi là Hội đồng điện ảnh quốc gia Hàn Quốc và Trường Điện ảnh quốc gia Hàn Quốc năm nay do tái cơ cấu nên thắt chặt kinh phí. Tổ chức xong, chúng tôi bị hụt khoảng 270 triệu đồng. Số tiền lớn chứ, nhưng không vì thế mà căng thẳng. Cứ nhìn vào tinh thần học hành của các học viên thì mình lại tích cực “cày” để bù lại.
Những giảng viên dày dạn kinh nghiệm như nhà làm phim Trần Anh Hùng đã truyền cảm hứng cho học viên. Sự bình tĩnh của anh ấy rất quan trọng, khiến các học viên cảm thấy bình tâm. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng một môi trường học tập công bằng, hướng tới tình yêu điện ảnh thuần khiết.
Đã khó khăn vì sao phải mở rộng đối tượng học viên là người nước ngoài?
Gặp gỡ mùa Thu tìm kiếm những học viên có khả năng. Suốt 3 mùa, việc tuyển tài năng lúc nào cũng khó khăn. Các học viên quốc tế thì rất năng động, hoạt bát. Mời họ đến, nhìn cách họ làm việc các học viên trong nước sẽ có cơ hội mở mang đầu óc, cảm thấy không thể chần chừ được nữa. Điều này rất kích thích! Năm nay tôi rất vui khi thấy các em đều sử dụng tiếng nước ngoài để trình bày dự án của mình.
Điều gì khiến một dự án có ích như thế này lại bị thờ ơ?
Năm đầu dự án hướng tới dòng phim độc lập, bản thân chúng tôi thấy hay nhưng những nhà sản xuất trong nước lại không hứng thú. Sau này mở thêm khu vực phim thương mại, đã thu hút nhiều nhà sản xuất tham gia, đó là tín hiệu vui.
Chúng tôi mỗi năm cần hơn 1 tỷ đồng để chạy dự án thôi nhưng kiếm tài trợ mướt mồ hôi. Phần lớn kinh phí đầu tư đến từ bên ngoài, trong khi điện ảnh nội địa lãng phí bao nhiêu tiền để làm những phim không có nhiều người xem.
Điện ảnh Việt Nam lâu nay một mình một chợ, không có tiếng nói, và cũng không đóng góp gì cho nhân loại. Đặt tình huống, nếu có vấn đề về lãnh thổ, thì đất nước sẽ cần tiếng nói khắp mọi nơi. Một nghệ sĩ nổi tiếng lên tiếng có thể khiến cả thế giới chú ý chứ. Tiếng nói đó không chỉ của nghệ sĩ mà là tiếng nói của một nền văn hóa. Nó cũng tương đương như vũ khí.
Tôi nghĩ ở Việt Nam đang có sự chuyển dịch khá tích cực, khi các cá nhân, các nhóm nhỏ bắt đầu tin rằng hành động nhỏ của họ cũng giúp ích cho xã hội.
Vâng, phải thế thôi, ở các nước, xã hội của họ vận hành tốt lắm. Mỗi người cố một tí, phải như thế mới chạy được, đừng ngồi than vãn. Mình đã ngồi ở dưới đáy rồi không nên than nữa.
Đôi khi chúng tôi cũng mệt, cũng đuối... nhưng tự nhủ phải cố lên một tí. Cứ nghĩ đến các bạn trẻ phải học ở những ngôi trường tù túng, kiến thức thì chắp vá, nếu có thể hãy tạo cơ hội học hành cho họ.
Đạo diễn Phan Đăng Di và nữ diễn viên Đỗ Thị Hải Yến, nam diễn viên Lê Công Hoàng tại LHP Berlin 2015
Một họa sĩ có nói rằng, các đô thị hiện đại bây giờ tràn ngập những cái xấu về mặt thẩm mỹ. Khi ngày nào mắt cũng nhìn thấy những cái xấu đó, lâu dần sẽ không còn cảm nhận thấy cái đẹp nữa.
Điều đó hoàn toàn đúng. Nếu hàng ngày anh cứ ở trong chỗ nhỏ, chật chội, chắp vá thì không thể nghĩ được cái gì sáng sủa. Có những cái là hình thức nhưng lại rất quan trọng vì nó tác động vào não người.
Khi chúng tôi tổ chức Gặp gỡ mùa Thu, dù ít tiền vẫn phải cố gắng tìm nơi đẹp đẽ, xứng với điện ảnh. Khi các em được làm việc trong môi trường như vậy, họ cảm thấy được tôn trọng, tự khắc họ sẽ cố gắng hơn.
Nhưng đôi khi những cái xộc xệch, xấu xí của đô thị lên phim của anh thì rất đẹp...
Đúng là cái đẹp trong điện ảnh rất khác. Có những cái xộc xệch, nhưng nó có cái đẹp của sự chân thật. Một nghệ sĩ sẽ phải nhìn thấy cái đẹp đó trong mọi trường hợp. Đừng tưởng mình ở vị thế có quá nhiều quyền lực, rồi coi thường, chi phối, hạn chế người ta.
Tôi nhìn thấy cái đẹp trong những con người bình thường ở Việt Nam. Họ có sức chịu đựng ghê gớm, họ nhẫn nhịn, chấp nhận mọi khó khăn, không kêu ca. Đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam, họ nhẫn nại vô cùng. Nước mình được xây nên bằng những con người như thế.
Phim của Phan Đăng Di thì toàn đàn ông, phụ nữ chỉ đứng bên lề...
Đàn ông trong phim của tôi mạnh về cơ bắp, nhưng không mạnh về tinh thần. Phụ nữ thì ngược lại, dù đứng bên lề họ vẫn mạnh hơn.
Tôi thấy ở đô thị lớn bây giờ sự nhẫn nại không nhiều, con người gần như không còn đủ bình tĩnh, lúc nào cũng bấn loạn...
Nên cứ phải nhắc nhau chuyện đó, khi mình có trí tuệ thì mình sẽ bình tĩnh, làm gì sẽ không sợ bị chê cười. Tôi có những người bạn nước ngoài, họ không giàu có, có người phải sống bằng trợ cấp, cuộc sống chỉ hướng tới nghệ thuật, nhưng họ luôn sống bình thản, vững chãi. Những cô dựng phim, anh làm âm thanh nước ngoài mà tôi biết, khi làm việc họ tập trung tuyệt đối, lúc đó họ tuyệt đẹp.
Tôi vẫn nói với tụi nhỏ, hãy nhìn vào vẻ đẹp đó, đừng nhìn những cái lăng nhăng. Một xã hội chỉ nhìn vào cái túi, cái váy thì chết.
Anh đã nhắc nhiều đến sự bình tĩnh. Điều gì có thể khiến Phan Đăng Di mất bình tĩnh?
Tôi là người ít khi mất bình tĩnh, căng thẳng quá thì không. Về mặt sinh học cũng có lúc mình căng thẳng. Nhưng suy cho cùng khi thành công, hay thất bại, so với dòng chảy cuộc đời này có là gì, ai đằng nào cũng chết ngóm cả, đừng nghĩ mình to quá. Nếu nghĩ thế rồi thì chẳng sợ nữa.
Phim "Cha, con và..."
Những bộ phim của anh sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi gì anh thắc mắc trong cuộc sống?
Vẫn là từng đó câu hỏi, đâu là cái đẹp cuộc sống, đâu là cái giúp cuộc sống vẫn trường tồn, đâu là văn hóa của dân tộc Việt Nam? Dục vọng sẽ dẫn dắt ta tới đâu? Khi một xã hội bị dẫn dắt bởi dục vọng, không chỉ là dục vọng xác thịt, mà còn là những ham muốn vật chất rất cụ thể, thiếu vắng những ham muốn về tinh thần, thì cần mổ xẻ và nhìn việc đó với con mắt rất tỉnh.
Nhà làm phim Síu Phạm nói những bộ phim của chị ấy luôn đi tìm chất thơ, cái chất thơ đã mai một dần ở Việt Nam. Còn Phan Đăng Di?
Tôi cũng vậy thôi. Nhìn kỹ sẽ thấy không có nơi nào xấu hoàn toàn, ngay cả nơi xấu nhất thì đó cũng là cuộc sống. Nếu người nghệ sĩ bất lực không nhìn thấy cái gì hay, thì đó là vấn đề của họ, chứ không phải vấn đề cuộc sống. Mình phải thấy cuộc sống thiêng liêng, mình có đủ yêu con người để nhìn ra cái đó không.
Kế hoạch “cày bừa” bù tiền của anh tiếp theo là gì?
Tôi làm phim cho hệ thống bên Pháp, nhuận bút cũng được. Ngoài ra đi dạy tại các trường đại học. Thỉnh thoảng có nhuận bút theo luật bản quyền ở nước ngoài, nhưng cũng không nhiều đâu. Khoản nợ này thì ra Tết phải nghĩ cách cày trả nợ. Mình không sợ, vì sợ thì sẽ không bao giờ làm được gì.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
“Trung Quốc đã có một quá trình vật lộn chuyển đổi, cũng từ đó ra đời bao nhiêu phim hay. Bây giờ điện ảnh Trung Quốc đã trở thành một khu vực quan trọng. Đất nước mình đang chuyển mình mạnh mẽ, cũng có biết bao nhiêu chuyện hay. Người làm phim như tôi cảm thấy điều này rất ý nghĩa” - đạo diễn Phan Đăng Di.
Năm 2015 của Phan Đăng Di
2015 là năm trở lại đầy ấn tượng của Phan Đăng Di, khi bộ phim truyện dài thứ hai trong sự nghiệp của anh Cha, con và… đã được chọn vào tranh giải chính thức tại LHP Berlin 2015 (kéo dài từ 5 - 14/2/2015). Đây có thể coi là một dấu mốc với điện ảnh Việt khi lần đầu tiên phim Việt Nam được chọn tranh giải tại LHP uy tín như thế này.
Phan Đăng Di cho biết mỗi lần làm phim xong đều tự biết hay dở đến đâu, anh biết lần này Cha, con và… đã tiến bộ hơn Bi, đừng sợ!.
Theo Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần