Đạo diễn Mai Long tiết lộ cát-xê không ngờ của Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền
(Dân trí) - Đạo diễn Mai Long cho biết, để mời Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền đóng chương trình hài Tết, nhà sản xuất bỏ ra số tiền cát-xê lên đến vài trăm triệu đồng một người.
Mai Long (SN 26/1/1983), tên đầy đủ là Nguyễn Mai Long. Anh là diễn viên, đạo diễn nổi tiếng với nhiều bộ phim hài như: Văn Lang làng cười, Tết lo phết 1,2,3, Tết tỏ tình, Gala học trò cười 2011, 2012.... Và bộ phim hài Tết vui phết - Mr Lù ra mắt vào dịp Tết 2018 với sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng như NSND Quốc Anh, NSND Trung Hiếu, Kim Xuyến,... Anh cũng chính là cha đẻ của hài Tết: Làng ế vợ 1, Chạm vào hạnh phúc.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong nhiều năm làm phim hài Tết, Mai Long lần đầu chia sẻ với PV Dân trí về thị trường hài Tết năm nay, những tiết lộ về cát-xê và cả những câu chuyện vui buồn nghệ sĩ "bán nụ cười"...
"Tôi không làm hài Tết chỉ chăm chăm vì tiền"
Anh đánh giá thế nào về "thị trường hài Tết" năm nay, có nhộn nhịp, khởi sắc trở lại sau 2 năm đại dịch hay vẫn ảm đạm?
- Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hài Tết là món ăn tinh thần không thể thiếu. Khán giả chờ đợi, nhà sản xuất tất bật chuẩn bị, các nghệ sĩ chạy show, doanh nghiệp cũng tranh thủ dịp này để giới thiệu, quảng cáo hình ảnh.
Tuy nhiên, tôi nghĩ thị trường hài Tết năm nay sẽ không khởi sắc nhiều và vẫn còn ảm đạm.
Phim hài Tết sản xuất được chủ yếu dựa vào kinh phí đầu tư của doanh nghiệp chứ không được trợ cấp từ nhà nước. Nhưng hai năm đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, mất mát, những doanh nghiệp duy trì được thì mới phục hồi, nên việc họ phát triển, đầu tư vào lĩnh vực giải trí chắc chắn sẽ ít hơn.
Vì vậy, các nhà sản xuất hài Tết dù rất muốn làm, nhưng "không có bột không gột được nên hồ". Các nghệ sĩ thay vì diễn hài, đóng phim, sẽ chạy show nhiều ở đám cưới, hội chợ, hội làng, diễn sự kiện, mừng thọ…
Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều nhà sản xuất phim hài Tết. Còn với anh thì sao?
- Tôi nghĩ, thông thường những nhà sản xuất nhỏ sẽ gặp khó khăn còn những đơn vị lớn vẫn bình thường vì họ đã có nền tảng sẵn rồi.
Với tôi, từ trước tới nay, tôi luôn chú ý và đầu tư nội dung, làm những tác phẩm hài sâu sắc. Càng về sau, những doanh nghiệp và khán giả thích cái đó hơn hài giải trí thông thường. Vì vậy, tôi may mắn được các nhà tài trợ đồng hành, thậm chí ngày càng nhiều hơn nên tôi không phải bỏ tiền túi ra. Tôi càng làm nhiều phim và quy mô chất lượng càng tốt hơn.
Sau Chạm vào hạnh phúc 2, tôi đang viết kịch bản và đạo diễn phim do Cường Cá, Trung Ruồi đóng, và vừa rồi tôi cũng tham gia viết kịch bản cho Xuân phát tài của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền, Quang Thắng đóng.
Tôi cũng đang chuẩn bị làm Chạm vào hạnh phúc 3 với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần trước đó và phim dự kiến sẽ được quay ở nước ngoài như Ba Lan…
Có ý kiến cho rằng, nhiều nhà sản xuất chỉ lo quảng cáo, tài trợ mà không chú ý đến kịch bản, chất lượng của hài Tết. Theo anh thì sao?
- Cũng có những người mới làm hoặc những người kinh doanh nghệ thuật một cách đơn thuần sẽ như thế.
Nhưng tôi là con người của nghệ thuật, tôi được đào tạo căn bản nên ngoài việc kinh doanh, tôi luôn muốn xây dựng những hình tượng nghệ thuật. Tôi đau đáu về nghề nên những phim chỉ vì tiền, không có chất lượng, không có tính nghệ thuật, tôi sẽ không làm vì như thế sẽ không được lâu dài.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, những người làm nghệ thuật, làm phim hài Tết chỉ chăm chăm vào kiếm tiền không nhiều đâu. Ai đã đầu tư vào nghệ thuật cũng muốn đứa con tinh thần của mình được tốt nhất.
Nhiều bộ phim, tiểu phẩm hài Tết cho đến giờ vẫn cố gắng gây cười với yếu tố làm "răng vổ, méo miệng hay chân thọt"... Anh có nghĩ đó là cái còn thiếu của phim hài Tết, nó cho thấy sự thiếu sáng tạo và gây nhàm cho khán giả?
- Thật ra, hài thường phải có sự khác biệt. Nếu đẹp trai, xinh gái hay mến yêu quá sẽ không gây được tiếng cười. Nhưng nếu làm không khéo, khai thác nhiều không những nhàm mà còn trở thành sự miệt thị với những người khuyết tật. Và khi người ta lạm dụng quá nhiều rồi thì "Rượu ngon uống lắm cũng say - Người khôn nói lắm dù hay cũng nhàm".
Nếu một tác phẩm hài, bản thân nội dung hay và hài thật sự, ai diễn cũng hài, không nhất thiết tạo ra sự dị biệt như thế.
Với tôi, tôi làm hài Tết từ nội dung, kịch bản phải hay, tạo hình nhân vật của tôi không có người răng vổ, chân thọt, hoặc cố gồng mình lên để chọc cười khán giả.
Những diễn viên tôi mời, bản chất họ đã diễn rất duyên cộng thêm sự sáng tạo, diễn xuất hài sẽ hay chứ tôi không mang những khiếm khuyết cơ thể ra để làm hài. Nếu cố tạo ra để cười, tôi thấy rất vô duyên.
Cát-xê Xuân Hinh vài trăm triệu khi đóng "Xuân phát tài"?
Cát-xê của nghệ sĩ hài trong những dịp cuối năm, dịp Tết luôn được khán giả quan tâm, anh có thể chia sẻ?
- Cát-xê nghệ sĩ hài bao giờ cũng nhiều hơn nghệ sĩ chính kịch, nghệ sĩ bi kịch thông thường. Nhưng cũng tùy việc mình làm việc với ai, khi họ thích kịch bản, thích ê-kíp và có mối quan hệ thân thiết với ê-kíp, với đạo diễn thì cát-xê có thể rẻ hơn.
Với những nghệ sĩ nổi tiếng, NSND dao động từ vài chục đến trăm triệu cho một vở hài Tết cuối năm. Với NSƯT, con số đó là 20, 30 hoặc 50 triệu, còn nghệ sĩ mới vào, cát-xê chỉ vài triệu thậm chí là... vài trăm nghìn.
Cụ thể như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền thì sao?
- Tôi không trực tiếp làm việc với Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền nhưng tôi được biết, để mời Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền tham gia vào chương trình hài Tết Xuân phát tài, nhà sản xuất bỏ ra chi phí cát-xê không hề nhỏ, lên đến vài trăm triệu đồng một người.
Người ta vẫn ví nghệ sĩ hài là những người làm nghề "bán nụ cười". Nhưng đằng sau những nụ cười đó, chắc hẳn còn có cả những giọt nước mắt, nỗi vất vả của người nghệ sĩ không phải ai cũng biết?
- Đúng thế... Có những nghệ sĩ tôi từng biết, bố mất, mẹ mất vẫn phải ra diễn hài không về được, diễn xong mới được về. Thậm chí, có trường hợp diễn rất xa nên về đến nhà, đã đưa bố, mẹ đi rồi...
Ngay cả bản thân tôi cũng thế, có lần tôi bị ốm rất nặng, nhưng vì đang quay dở bộ phim, là đạo diễn nên tôi vẫn phải đi. Tôi đi làm mà đưa cả bác sĩ theo để châm cứu. Một mặt thì chỉ đạo hiện trường, nhưng sau lưng vẫn phải châm kim.
Tôi và anh Quang Tèo từng đóng chung trong một cảnh phim. Ngày đó quay vào thời điểm trời rét, 3h sáng vẫn phải lội xuống ao xong lên lại còn bị đổ thêm nước lạnh vào người. Hay Quách Thu Phương, 4h sáng vẫn phải quay cảnh ở thuyền, bị ông sư... đẩy xuống nước.
Vất vả đấy! Nhưng vì khán giả, vì yêu nghề, vì chuyên môn và cả mưu sinh... nên người nghệ sĩ vẫn cố gắng.
Và có cả những chuyện dở khóc dở cười?
- Có nhiều câu chuyện buồn cười lắm, chẳng hạn có diễn viên đang lên sân khấu đến đoạn xúc động chuẩn bị khóc thì có một khán giả chạy lên "Ơ... thằng này hay đóng phim này", tất cả phá lên cười cũng làm nghệ sĩ phân tâm.
Hay như NSƯT Đới Anh Quân đang diễn một cảnh bị lâm tặc chuẩn bị bắn. Lực lượng kiểm lâm lúc đó ngồi xem cũng chạy lên sân khấu đứng cạnh nói: "Em yên tâm có các anh đây rồi".
Ấn tượng của anh khi làm việc cùng với nghệ sĩ Quang Tèo, Quốc Anh?
- Họ rất chuyên nghiệp và gần gũi. Anh Quang đi đâu, người dân yêu quý lắm, có gì cũng cho, từ củ sắn củ khoai. Anh Quang đi làm nuôi cả gia đình, anh chăm chỉ lắm, có ngày chạy 3 - 4 show diễn.
Còn NSND Quốc Anh, dù có cuộc sống không được trọn vẹn, không có con nhưng lúc nào anh cũng nhẹ nhàng. Tuổi già, không con cái nên làm được bao nhiêu thì anh lại làm từ thiện, chia sẻ với cộng đồng, cho các cháu trong nhà.
Cảm ơn đạo diễn Mai Long vì những chia sẻ!