Đam mê, trăn trở tìm lối viết riêng của một nhà báo công an
“Cạm bẫy ngọt ngào” gồm 15 truyện ngắn, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cuốn hút độc giả từ trang đầu tới trang cuối. Xuyên xuốt cả tập truyện là những trăn trở về hạnh phúc, về cái thiện, cái ác…
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, Nguyễn Tuấn vừa xuất bản tập truyện ngắn “Cạm bẫy ngọt ngào”. Đây là tập truyện ngắn mà anh rất tâm huyết và là món quà anh muốn tặng đồng nghiệp, bạn bè, độc giả, những người biết, hiểu và yêu Nguyến Tuấn từ khi anh còn là phóng viên trẻ tuổi với những ký sự pháp đình nổi tiếng.
Bìa tập truyện ngắn “Cạm bẫy ngọt ngào” của Nguyễn Tuấn.
“Cạm bẫy ngọt ngào” gồm 15 truyện ngắn, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cuốn hút độc giả từ trang đầu tới trang cuối. Xuyên xuốt cả tập truyện là những trăn trở về hạnh phúc, về cái thiện, cái ác nhẹ nhàng mà thấm thía lắm, có thể đó cũng chính là những trải nghiệm mà Nguyễn Tuấn đã từng trải qua.
Điều dễ nhận thấy trong mỗi truyện ngắn của Nguyễn Tuấn là một ước mơ cháy bỏng về một tình yêu chân chính, một hạnh phúc vợ chồng thuỷ chung sắt son. Trong truyện ngắn “Cạm bẫy ngọt ngào”, Lịch một thanh niên khiếm thị làm nghề tẩm quất, vì khó khăn nên chấp nhận cuộc sống xa vợ con để kiếm tiền nuôi gia đình. Xa gia đình, cộng với sự nhạy cảm nghề nghiệp khiến Lịch rơi vào “cạm bẫy ngọt ngào” của một vị khách hàng nữ nhưng trong sâu thẳm trái tim người đàn ông ấy vẫn trọn vẹn hình ảnh người vợ tần tảo và cậu con trai ngây thơ, đáng yêu nơi quê nhà.
Truyện ngắn của Nguyễn Tuấn thường có một cốt truyện vững vàng và trên cái cốt truyện đó anh triển khai những ý đồ thủ pháp của mình. Anh viết truyện theo lối cổ điển, đó là tạo ra những mâu thuẫn, xung đột để đẩy lên cao trào rồi nhẹ nhàng mở nút một cách hợp lý nhất. Trong tập truyện ngắn “Cạm bẫy ngọt ngào”, anh đã chắt lọc những chi tiết rất đời, rất người từ chính những vụ án mà suốt 25 năm làm báo anh đã tiếp xúc và cảm nhận.
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Tuấn.
Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) và Đại học Luật Hà Nội nhưng Đại tá Nguyễn Tuấn lại chọn con đường gắn bó với văn chương, báo chí bởi anh quan niệm làm báo cũng là một mặt trận mà ở đó người chiến sĩ Công an có thể phát huy tốt nhất mọi kỹ năng của mình. 25 năm trong nghề báo, anh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả bằng những tập truyện ngắn, ký sự độc đáo, những tác phẩm báo chí đặc sắc mang hơi thở thời đại.
Trước những cái chết của tử tù, Nguyễn Tuấn coi đó là định mệnh, là luật nhân quả. Kẻ ác phải trả giá cho tội ác của mình, nhưng những người thân của tử tù mới là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Trong ký sự “Pháp trường giá lạnh”, anh đã đi sâu khai thác bi kịch và số phận người thân của mỗi tử tù khi phải chứng kiến tội ác và cái chết của chồng, vợ, con, cháu… mình. Anh muốn an ủi, sẻ chia với nỗi đau mà họ phải chịu đựng, bởi suốt cả cuộc đời này, họ sẽ phải sống trong đau khổ, tuyệt vọng và phải nỗ lực rất nhiều vì bị xã hội kỳ thị, xa lánh khi “trót” mang “danh” là người thân của kẻ tử tù.
Tập trung nhiều bút lực cho mảng án và ký sự pháp đình, nhưng Nguyễn Tuấn cũng rất mát tay trong các phóng sự xã hội, những bài bình luận văn hoá sâu sắc. Đề tài của anh luôn phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó anh rất tâm đắc với những bài viết phản biện, tìm ra những điểm lỗi thời, cần sửa đổi, bổ sung để được hoàn chỉnh hơn về pháp luật Việt Nam.
Các giải thưởng của Đại tá, Nhà báo Nguyễn Tuấn: Năm 1997 - Tặng thưởng ký của tạp chí Tác phẩm mới (nay là tạp chí Nhà văn, Hội nhà văn Việt Nam); Năm1998 - Giải Nhì, giải “Cây bút vàng” lần thứ nhất (1996-1998) do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Năm 2002 - Giải Nhất phóng sự viết về gia đình của Hà Nội; Năm 2012 - Giải A - Giải Báo chí Quốc gia. |
Tuấn Trình