Đám cưới ở sông nước miền Tây

(Dân trí)- Nhiều gia đình thức từ rất sớm để chuẩn bị mâm lễ rồi đi rước dâu bằng những chiếc võ lãi khi trời còn tối mịt. Đám cưới ở miền sông nước vì thế có những hình ảnh hết sức vui nhộn nhưng cũng không kém bi hài.

Được dịp về miền Tây dự đám cưới, hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận và cảm thấy thích thú là cảnh đi rước dâu bằng võ lãi. Võ lãi là một loại xuồng ghe nhỏ, có gắn máy để chạy ở phía sau. Đây là phương tiện được dùng đi lại trên sông của người dân ở vùng miền Tây Nam Bộ.

Mới đây, chúng tôi đến dự đám cưới và may mắn được “tháp tùng” cùng gia đình ông Bảy Chánh (ngụ ấp 3, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) đi rước dâu. Vì gia đình ông Chánh đã coi ngày giờ trước nên việc đi rước dâu cũng phải đúng giờ giấc, thủ tục.

Khi gà còn chưa gáy sáng nhưng những người được chọn đi rước dâu đã phải lọ mọ thức dậy để chuẩn bị. Đi rước dâu được xem là một việc trọng đại của đám cưới nên ai cũng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, nếu không nói là sao cho đẹp nhất để “lấy le” với nhà gái- anh Khanh (chú rễ) nói với chúng tôi như thế.

Sau khi trang phục chỉnh tề, cả đoàn hơn chục người lại tất bật sắp xếp các mâm lễ với đủ thứ như trái cây, nhan đèn, trà rượu…Sau đó, chủ nhà phân công từng người một, trai bưng mâm gì, gái bưng mâm gì một cách hợp lý nhất. Đúng 4h sáng, cả đoàn người bắt đầu xuống võ lãi đã đậu sẵn ở phía dưới sông trước nhà.

Khổ nổi, đoàn người thì đông mà võ lãi thì nhỏ nên sau khi sắp xếp cho những người lớn tuổi ngồi trước, vì chật chỗ nên bọn trẻ lại chen chúc ngồi tạm, có người ngồi cả trên đầu mũi võ lãi, dù không thoải mái nhưng ai cũng vui vì “niềm hạnh phúc” của chú rễ.

Đi rước dâu bằng võ lãi ở Bạc Liêu.
Đi rước dâu bằng võ lãi ở Bạc Liêu.

Gia đình ông Bảy Chánh rước dâu ở tận Cà Mau nên có thể nói tuyến đường đi không phải là ngắn. Trên đường đi, người thì mõi vì ngồi chật, người bị nước tạt vào làm ướt cả áo quần nhưng ai cũng vui tươi. Chúng tôi còn được nghe những ông bà lớn tuổi kể mấy chuyện rước dâu thuở ngày xưa còn “cực khổ” hơn bây giờ. Ông Sáu San (người được chủ nhà mời làm đại diện họ nhà trai) cho biết, hồi đó làm gì có xuống máy như bây giờ nên những người cỡ tuổi ông cưới vợ ở xa, cả đoàn người đi rước dâu bằng xuồng chèo đã phải mất 2, 3 ngày mới tới nhà gái. Đoàn rước dâu đem theo cả cơm để ăn, nước để uống cứ như đi làm đồng. Nghe ông kể, bọn trẻ chúng tôi cười mà méo cả miệng vì không thể tưởng tượng nỗi cái cảnh rước dâu như thế.

Rồi trời cũng dần sáng, đoàn rước dâu đã phải mất hơn 2 giờ mới đến nhà gái. Võ lãi cập bờ trước nhà gái, đoàn người lại tất bật sửa soạn lại quần áo, mâm lễ cho đúng như lúc đi. Đúng giờ “G”, cả đoàn người từ từ đi vào trong sự chào đón nồng nhiệt của họ nhà gái. Sau đó, lễ đón dâu được hai họ làm theo đúng thủ tục truyền thống.

Ở miền Tây, tình nghĩa rất được trân trọng nên trong khi cô dâu, chú rễ làm lễ bên trong nhà thì ở bên ngoài, những người đi rước dâu được họ nhà gái tiếp đãi hết mình. Già tiếp già, trẻ tiếp trẻ, quen có, lạ có khiến không khí diễn ra hết sức sôi nổi. Việc tiếp đãi không thể thiếu những ly rượu mừng nên giữa hai bên liên tục được mời nhau bằng ly rượu dù bụng đói meo. Chính vì thế, người ta thường nói vui, đi rước dâu ở miền Tây thì phải chọn ai có “máu mặt” về tửu lượng mới cho đi. Và cái tình, cái nghĩa hết mình đến nỗi khi đoàn rước dâu ra về, đàn gái còn tặng cho luôn một chai rượu kèm mồi để đoàn rước dâu “tự xử” trên đường về. Chính vì thế, bọn trẻ ở miền Tây mà đi rước dâu về đến nhà trai thì không say cũng xỉn.

Rước dâu bằng võ lãi có những chuyện cũng lắm bi hài. Miền sông nước nhiều xuồng ghe qua lại nên chuyện tạt nước vào nhau là khó tránh khỏi. Có những đám rước dâu, cô dâu ướt cả người vì bị nước tạt vào hay có những chú rễ chịu trận mưa nước để bảo vệ vợ. Còn có những chú rễ “sung” vì có được vợ mừng quá nên cùng uống rượu với bọn trẻ nhưng vì tửu lượng không cao nên chuyện ngủ luôn trên đường rước dâu về không phải là hiếm. Không chỉ thế, đi võ lãi rước dâu bị chìm vì quá khẳm (quá tải) cũng xảy ra không ít. Miền sông nước là vậy nhưng dù thế nào thì đám cưới mà đi rước dâu bằng võ lãi luôn có những hình ảnh khó quên và người miền Tây ai cũng vui hết mình, chơi tới bến.

Sau khi võ lại cặp bến nhà trai, chú rễ phải cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu lên bờ. Bởi võ lãi thường rất trơn kèm thêm sóng nước lúc lắc liên tục nên chuyện bị trợt té không phải là chuyện hiếm. Sau đó, bên nhà trai làm lễ đón dâu cũng với những thủ tục cần thiết nhất. Và tại đây, tốp trẻ nhà trai lại tiếp tốp trẻ nhà gái bằng sự hết mình, tới bến. Người nhà gái phải ngủ lại nhà trai do không về nổi vì quá chén cũng thường xảy ra. Sau buổi lễ nhận dâu, hành trình rước dâu của một đám cưới ở vùng sông nước miền Tây kết thúc và sau đó là hai họ vui chơi, chúc mừng nhau trong cái tình, cái nghĩa rất đậm đà.  

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở miền Tây sông nước ngày nay do đường nông thôn đã về khắp nẻo ấp, xóm làng nên điều kiện đi lại cũng thuận lợi hơn. Có nơi đường lộ lớn xe bốn bánh lưu thông được, có nơi lộ nhỏ hơn nhưng xe máy cũng chạy băng băng. Từ đó, việc rước dâu, đưa dâu cũng “xe hóa” nên việc đi rước dâu bằng võ lãi cũng ít dần. Người dân cho biết, do đi bằng xuồng ghe chậm hơn đi xe nên nhiều gia đình chọn đưa, rước dâu bằng xe vì nhanh và thuận tiện hơn, chỉ trừ khi nơi nào đó xe chưa tới được.

Đành rằng việc đi lại bằng xe sẽ dễ dàng hơn nhưng chúng tôi thấy rằng, việc đưa rước dâu bằng xuồng ghe có gì đó rất hay, vẫn là một nét văn hóa đặc sắc ở vùng sông nước miền Tây.

Đi rước dâu bằng võ lãi ở Bạc Liêu.
Trong quá trình đi rước dâu bằng võ lãi, chuyện máy đang chạy bị tắt giữa chừng vẫn thường hay xảy ra và khiến đoàn rước dâu một phen sốt vó vì sợ trễ giờ "G".

Võ lãi cặp bến nhà gái với lỉnh kỉnh đồ lễ được mang lên.
Võ lãi cặp bến nhà gái với lỉnh kỉnh đồ lễ được mang lên.

Chú rễ (trái) với gương mặt đầy tâm trạng khi chuẩn bị rước vợ về dinh.
Chú rễ (trái) với gương mặt đầy tâm trạng khi chuẩn bị rước vợ về dinh.

Đoàn rước dâu tất bật sắp xếp lại mâm lễ...
Đoàn rước dâu tất bật sắp xếp lại mâm lễ...

...và đứng chờ đến giờ G để được vào nhà rước dâu.
...và đứng chờ đến giờ "G" để được vào nhà rước dâu.

...và đứng chờ đến giờ G để được vào nhà rước dâu.
...và đứng chờ đến giờ G để được vào nhà rước dâu.
Trong khi bên trong nhà những người có tuổi của hai họ và cô dâu chú rễ làm những thủ tục truyền thống...

...thì bên ngoài bọn trẻ hai họ cũng giao lưu hết mình.
...thì bên ngoài bọn trẻ hai họ cũng giao lưu hết mình.

Chú rễ cẩn thận từng bước đưa cô dâu xuống võ lãi rước về nhà.
Chú rễ cẩn thận từng bước đưa cô dâu xuống võ lãi rước về nhà.

...và sẵn sàng che chắn cho vợ không bị tạt nước.
...và sẵn sàng che chắn cho vợ không bị tạt nước.

...và sẵn sàng che chắn cho vợ không bị tạt nước.
Tốp trẻ chơi hết mình ngay trên võ lãi khi được nhà gái tặng cho chai rượu và mồi để "tự xử" trên đường rước dâu về.

Đi rước dâu bằng võ lãi ở vùng sông nước miền Tây là một kỷ niệm khó quên của nhiều người.
Đi rước dâu bằng võ lãi ở vùng sông nước miền Tây là một kỷ niệm khó quên của nhiều người.

Võ lãi cặp bến nhà trai, chú rễ cũng cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu an toàn lên bờ.
Võ lãi cặp bến nhà trai, chú rễ cũng cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu an toàn lên bờ.

Võ lãi cặp bến nhà trai, chú rễ cũng cẩn thận từng bước một để đưa cô dâu an toàn lên bờ.
Làm lễ đón dâu tại nhà trai. Kết thúc một hành trình rước dâu của một đám cưới vùng sông nước miền Tây. (Ảnh: Huỳnh Hải)

                                                                                                            Huỳnh Hải 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm