Đại tá, nhà báo Trần Hồng: Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh

Hà Hiền

(Dân trí) - "Hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là được cầm máy ảnh. Cầm máy để đi tìm sự thật, ghi lấy sự thật trong khoảnh khắc", Đại tá, nhà báo Trần Hồng chia sẻ.

Hà Nội những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, tôi đến gặp nhà báo Trần Hồng tại gác 2, ngôi nhà số 3 trên phố Đường Thành (Hà Nội). Vừa gặp tôi, ông liền cười hiền và nói "chào đồng nghiệp", câu nói ấy làm xóa đi khoảng cách giữa một phóng viên trẻ với một nhà báo già lão luyện.

Căn phòng nhỏ chừng hơn 10m2 là nơi lưu giữ toàn bộ tư liệu quý trong suốt hơn 40 năm theo nghề báo của ông, nổi bật là những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mẹ Việt Nam anh hùng.

"Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh"

Sự nghiệp báo chí của nhà báo Trần Hồng bắt đầu ở giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Bằng nhiệt huyết của người lính, của tuổi trẻ, nhà báo Trần Hồng có rất nhiều bài và ảnh thời sự nóng hổi đăng tải thường kỳ trên nhiều tờ báo thời bấy giờ.

Đại tá, nhà báo Trần Hồng: Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh - 1
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng.

Niềm đam mê nhiếp ảnh của ông khó lý giải, chỉ biết rằng từ khi mới bước chân vào nghề, trở thành phóng viên ảnh của báo Quân đội Nhân dân (1973), ông đã có sẵn ý tưởng cho những đề tài mà mình theo đuổi.

Nhà báo Trần Hồng kể lại: "Báo Quân đội Nhân dân có trụ sở ở phố Phan Đình Phùng nên có những buổi chiều vạt nắng đổ dài xen qua những hàng sấu cổ thụ khiến trái tim ông có nhiều xúc cảm để chụp ảnh. Cũng có nhiều bức ảnh đẹp, nhưng nhìn kỹ lại ông vẫn chưa hài lòng vì chưa có thật nhiều nội dung hay đọng lại những rung cảm".

Rồi một ngày ông nhìn thấy hình ảnh người mẹ tại căn nhà số 8 phố Lý Nam Đế, cứ mỗi sáng khi bà đi chợ về, lại vội quẳng gánh để chạy ra đón cháu. Đứng trên tầng nhìn thấy những hình ảnh ấy khiến ông có thêm những trăn trở, muốn tìm hiểu về tâm hồn người mẹ, điều gì khiến những thứ tình cảm vô hình ấy trở nên gắn kết.

Rồi những lần về quê ở Hà Tĩnh, dù đã trưởng thành và lập gia đình, nhưng lần nào ông cũng được mẹ gội đầu bằng nước bồ kết cho như một đứa trẻ. Có một buổi chiều khi mẹ đang gội đầu cho ông, bỗng ánh mắt bà lóe lên niềm hạnh phúc, khoảnh khắc ấy ông chợt hiểu ra rằng hạnh phúc với những người mẹ chỉ đơn giản là những điều bình dị như thế.

Nhà báo Trần Hồng trải lòng: "Hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là được cầm máy ảnh. Cầm máy để đi tìm sự thật, ghi lấy sự thật trong khoảnh khắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói với tôi rằng: "Sự thật là chân lý, là sức thuyết phục mạnh nhất"!

Những dòng chữ đó cũng như lời nhắc nhở ông luôn vững vàng, sáng tạo những tác phẩm mới mang tính nghệ thuật cao, thể hiện được tính chân - thiện - mỹ.

Đại tá, nhà báo Trần Hồng: Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh - 2
"Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh", Đại tá, nhà báo Trần Hồng.

Trước kia khi chưa nghỉ hưu, ông từng nhiều lần từ chối vị trí quản lý để chuyên tâm theo đuổi công việc chụp ảnh, ông cũng thường tự tổ chức triển lãm với các chủ đề về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

"Tôi thành công nhờ Mẹ"

Được nhiều người biết đến là "người ghi lại cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp" bằng ảnh. Ông cho biết, ngoài những tư liệu đồ sộ về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông còn có niềm đam mê chụp ảnh chân dung về người mẹ Việt Nam anh hùng, đó là những "hình hài hy sinh" của đất nước.

Với hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp là hơn 40 năm theo đuổi không ngừng nghỉ đam mê chụp chân dung các bà mẹ, Đại tá Trần Hồng đã để lại gần 2.000 bức ảnh khắc họa đậm nét hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam, được ông gói gọn trong cuốn sách ảnh "Chân dung Mẹ" xuất bản năm 1997.

Những bức ảnh ông chụp không chỉ khắc họa chân dung về mẹ, mà còn là thể hiện những sợi dây kết nối vô hình giữa những thế hệ. Không chỉ để lại cho những thế hệ sau những bức ảnh đáng giá, mà nó còn để lại niềm tự hào, lòng biết ơn của thế hệ trẻ với những người đã hy sinh và cống hiến cả cuộc đời cho đất nước.

Mỗi bức ảnh chụp mẹ đều ẩn chứa một câu chuyện, trong đó, bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Khánh (Hòn Ðất, Kiên Giang) trong ngôi nhà gỗ do Sư đoàn 4 tặng mẹ đã để lại trong ông nhiều cảm xúc nhất.

Ông kể: "Mẹ Khánh có 7 người con hy sinh. Lần đầu tôi về thấy cái nhà to bao nhiêu thì mẹ ngồi một góc chông chênh bấy nhiêu. Lần ấy tôi mặc quân phục đi vào, bà chồm ra tưởng như con mình đã về. Lần đầu gặp bà, hai mẹ con ôm nhau khóc, tôi không thể nào chụp được. Đến lần thứ 4 tôi mới chụp được và đó là một trong những ảnh tôi thích nhất".

Đại tá, nhà báo Trần Hồng: Hạnh phúc nhất cuộc đời là được cầm máy ảnh - 3
Bức ảnh Đại tá Trần Hồng chụp mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khánh.

"Chụp về những người mẹ anh hùng làm sao mình không rung động cơ chứ. Tất cả các bà mẹ đều đau nỗi đau xé lòng vì mất con, nhưng chung một nét đẹp: Kiệm lời khi nói về mình.

Hình ảnh Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, người Mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc cả 9 người con là minh chứng rất đậm về điều này", Đại tá Trần Hồng nói.

Trong các chuyến công tác, ông thường dành 30% thời gian để đi chụp lại chân dung những người mẹ, để những người mẹ âm thầm hy sinh cho chiến tranh được biết tới như một tượng đài - những tượng đài lặng lẽ đóng góp một phần không nhỏ cho chiến tranh.

Suốt mấy chục năm làm việc không mệt mỏi, giờ đây ngoài những bức ảnh đã được giới thiệu tới công chúng, nhà báo Trần Hồng còn rất nhiều tư liệu quý mà theo ông là khai thác lâu mới hết được.

Người phóng viên chiến trường năm xưa nay đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục với niềm đam mê, luôn "bận rộn" với kho tư liệu quý của mình. Dù ở cùng gia đình trên phố Hoàng Hoa Thám, nhưng ngày nào ông cũng xuống căn phòng nhỏ trên phố Đường Thành để xem lại những tư liệu mình đã chụp, có nhiều bức hình đến nay khi xem lại, ông vẫn đặt câu hỏi "tại sao lúc ấy mình lại chụp được khoảnh khắc này?".