Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách "3 không", lan tỏa văn hóa đọc

Hà Hiền

(Dân trí) - Với mong muốn gia tăng vòng đời của sách và lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người, Hoàng Quý Bình đã mở thư viện sách "3 không": Không đặt cọc, không thu phí và không giới hạn thời gian mượn sách.

Gần 3 năm nay, những người yêu sách ở Thủ đô đã quá quen thuộc với thư viện sách miễn phí D Free Book do Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng lập.

Là một người yêu sách và không muốn để sách "chết", tháng 8/2018, Bình đã mở thư viện để góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều hơn: "Ngay từ thời sinh viên, mình có một tủ sách cá nhân tại phòng trọ với khoảng 200 cuốn. Bạn bè đến chơi rất thích thú với tủ sách của mình.

Nhận thấy nhu cầu đọc của mọi người rất cao, mình chia sẻ ý tưởng xây dựng thư viện sách lên trang mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, D Free Book ra đời từ đó".

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách 3 không, lan tỏa văn hóa đọc - 1
Thư viện D Free Book do Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng lập từ năm 2018.

D Free Book là thư viện sách hoàn toàn miễn phí, người đến mượn sách chỉ cần "đặt cọc" niềm tin: "Có nhiều người hỏi tại sao không thu phí độc giả để duy trì thư viện, nhưng mình nghĩ có rất nhiều thứ tốt đẹp quanh ta mà cũng miễn phí đó thôi. Đọc sách là miễn phí nhưng chúng ta nhận về nhiều giá trị tri thức, giá trị của niềm tin. Đó là điều mà D Free Book hướng tới", Bình nói.

Từ 200 cuốn sách của Bình, đến nay, số lượng sách đã lên đến hơn 6000 cuốn với 2 cơ sở tại Hà Nội. Cơ sở 1 tại Khu tập thể A5, ngõ 128C Đại La (Đống Đa) với hơn 4000 đầu sách. Cơ sở 2 tại số 2 ngõ Viện Máy (Cầu Giấy) với gần 2000 đầu sách.

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách 3 không, lan tỏa văn hóa đọc - 2

Để có lượng sách phong phú như vậy, Quý Bình đã cùng các bạn cộng tác viên triển khai nhiều hoạt động như: Đổi giấy lấy cây, kêu gọi bạn bè, cộng tác viên tặng lại sách cũ và từ các nhà hảo tâm…

"Thông qua sự kiện đổi giấy lấy cây và kêu gọi ủng hộ sách cũ, chúng mình chọn lọc giấy, sách mà các bạn đem tới để đưa vào thư viện, số còn lại sẽ được tích góp để sử dụng cho các hoạt động hướng đến cộng đồng như xây dựng thư viện sách mini cho trẻ em tại vùng cao", Nguyễn Thành Nam, sinh viên năm cuối trường Đại học Dược Hà Nội, quản lý thư viện sách cơ sở Đại La chia sẻ.

Nam cũng cho biết thêm, hiện D Free Book đã xây được tủ sách ở 3 tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình, mỗi tủ khoảng 2000 đầu sách.

Để giải quyết vấn đề về kinh tế giúp duy trì thư viện sách, nhóm lập kế hoạch đóng quỹ 50.000 đồng/thành viên. Cùng với đó, các bạn cộng tác viên sẽ làm những món đồ handmade để bán gây quỹ duy trì hoạt động thư viện và nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân.

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách 3 không, lan tỏa văn hóa đọc - 3
Cộng tác viên trực thư viện chủ yếu là các bạn sinh viên, mọi người tranh thủ đọc sách, làm bài tập trong ca trực của mình.

Không chỉ được mượn, đọc sách miễn phí, thư viện cũng chủ động mời các diễn giả đến để chia sẻ về những cuốn sách hay, văn hóa đọc đến mọi người. Dần dần, số lượng người biết đến D Free Book ngày càng tăng.

Sau 3 năm, số lượng thành viên tham gia hoạt động tại thư viện cũng tăng đáng kể với gần 100 người phân bổ tại 2 cơ sở. Hầu hết thành viên đều là sinh viên đến từ các trường đại học và những bạn trẻ yêu sách. Đây chính là môi trường để mọi người tự do tiếp cận nguồn tri thức từ sách.

Quý Bình cho biết thêm, trong thời gian tới, thư viện sẽ tổ chức các lớp học ngoại ngữ học đàn, học vẽ... để phục vụ nhu cầu bạn đọc.

"Vì không gian hạn chế nên mỗi lớp chỉ có tầm 15-20 bạn. Đứng lớp là những người có chuyên môn do D Free Book kết nối", Bình nói.

Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách 3 không, lan tỏa văn hóa đọc - 4
Những kệ sách ngăn nắp và đồ handmade do các bạn cộng tác viên làm để bán gây quỹ duy trì thư viện.
Cựu sinh viên ĐH Bách Khoa mở thư viện sách 3 không, lan tỏa văn hóa đọc - 5

Trung bình, mỗi ngày có 15 lượt bạn đọc ghé thư viện, mỗi người được mượn tối đa 2 cuốn sách trong 20 ngày, bạn đọc cũng có thể gọi điện cho thư viện để gia hạn thời gian mượn.

Sau gần 3 năm mở thư viện với rất nhiều kỷ niệm, Bình cho biết, anh ấn tượng nhất với hình ảnh những người vợ dù đi làm về rất muộn vẫn ghé qua thư viện mượn sách về cho chồng hay các bạn học sinh, sinh viên đến mượn sách để ôn thi.

"Mình hy vọng mô hình thư viện sách này sẽ lan tỏa đến các địa phương, trường học ở các vùng nông thôn, vùng núi cao trong thời gian tới", Bình nói.

Thư viện sách mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 8 giờ đến 20 giờ 30.