Cuốn sách phân tích khả năng phạm tội của con người qua... gương mặt
(Dân trí) - Mới đây, nhà tội phạm học người Anh - Adrian Raine cho ra một cuốn sách bàn về mối liên hệ giữa tâm sinh lý và khả năng phạm tội của con người. Theo đó, ngay từ khi sinh ra, đã có những cá nhân mang nguy cơ phạm tội cao hơn người khác.
Nếu gương mặt một người hội tụ 3 yếu tố: gò má cao, môi dày và mắt to, theo nhà tội phạm học người Ý ở thế kỷ 19 - Cesare Lombroso (1835-1909), đó là những dấu hiệu đầu tiên về nhân tướng học cho thấy người này có phần “thụt lùi” trong quá trình tiến hóa, dự đoán sẽ mang những nét tính cách hoang dã.
Nhà tội phạm học Cesare Lombroso
Từng là một bác sĩ trong quân đội Ý, Cesare Lombroso đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu nhân tướng học của các tội phạm chiến tranh. Ông đã tổng kết và đưa ra một số đặc điểm nhận dạng thường thấy ở tội phạm như râu rậm, trán hói, mũi to...
Câu hỏi đặt ra, nếu một người “trót” mang nhiều đặc điểm kể trên, phải chăng cuộc đời của một kẻ tội phạm đã được định sẵn cho anh ta? Chính cách lập luận này đã khiến việc nghiên cứu của nhiều nhà tội phạm học bị bẻ cong, xuyên tạc, thậm chí bị tẩy chay trong một số thời kỳ bởi người ta cho rằng việc sử dụng nhân tướng học để nhận dạng tội phạm chẳng khác nào một hành vi quy chụp độc ác, vô đạo đức đối với những con người “trót” mang những nét giống với tội phạm.
Vì những lập luận trái chiều này mà việc nghiên cứu về tội phạm chưa bao giờ diễn ra suôn sẻ, ở lĩnh vực này không thiếu những trận tranh cãi nảy lửa. Cesare Lombroso - ông tổ của ngành nghiên cứu tội phạm tại Ý là một trong những con người dám đi tiên phong trong ngành “khoa học” này.
Những kết quả nghiên cứu của Cesare Lombroso dưới ánh sáng khoa học hôm nay hẳn sẽ bị phủ nhận ít nhiều bởi tất cả chúng ta ngày nay đều tin rằng bản chất con người là do môi trường và giáo dục quyết định.
Theo đó, con người không phải sinh ra đã mang sẵn định mệnh trở thành tội phạm. Họ chỉ trở thành tội phạm dưới những tác động xấu của môi trường như nghèo đói, bất công, bạo lực, thiếu thốn tình cảm hay bị rủ rê, lôi kéo… Chính những yếu tố bất lợi này đã kích thích tính ác trong con người.
Ngày nay, ngành tội phạm học không chỉ dừng lại ở nghiên cứu nhân tướng học bên ngoài mà còn nghiên cứu tâm sinh lý bên trong như cấu trúc gen, điều tiết hoóc-môn, đường truyền phát thần kinh, nhịp tim hay sự hoạt động của não bộ.
Nhà tội phạm học người Anh - Adrian Raine, hiện là giáo sư trường Đại học bang Pennsylvania, Mỹ đã dành suốt 3 thập kỷ qua để nghiên cứu về đề tài này, những học thuyết mà Raine đưa ra được những nhà nghiên cứu tội phạm trên khắp thế giới biết đến.
Giáo sư Adrian Raine
Mới đây, tròn 20 năm sau khi cho ra mắt cuốn sách đầu tay - “Tâm lý học tội phạm” (The Psychopathology of Crime - 1993), Raine cho ra mắt cuốn sách thứ hai mang tên “Phân tích nguồn cơn bạo lực” (The Anatomy of Violence - 2013).
Việc nghiên cứu tội phạm học cũng làm nảy sinh một đòi hỏi rất gây tranh cãi. Đó là khi chúng ta có thể đoán trước một cá nhân nào đó có nhiều khả năng phạm tội, ta có nên hành động sớm để ngăn chặn mọi khả năng người đó thực hiện hành vi tội ác?
Việc này rất dễ dẫn đến nguy cơ chụp mũ, áp đặt định kiến đối với cá nhân, làm thui chột khả năng phát triển bình thường của một nhân cách bởi thực tế không phải mọi cá nhân mang đặc điểm giống với tội phạm đều sẽ phạm tội.
Giáo sư Adrian Raine cho biết: “Có tới 50% những hành vi tội phạm chống đối xã hội đã được ngầm mặc định do sự sắp xếp của bộ gen. Vì vậy, một nửa vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt nằm ở bộ gen sinh học, tuy vậy có rất ít nhà tội phạm học muốn chạm tới vấn đề này, nó rất gây tranh cãi dù đó là một sự thực hiển nhiên mà bất cứ ai làm trong nghề đều không thể phủ nhận.”
Bộ phim “Minority Report” (Báo cáo mật - 2002) với diễn xuất chính của tài tử Tom Cruise làm về đề tài tiên đoán trước hành vi phạm tội.
Giáo sư Adrian Raine cho rằng hiện nay chúng ta đang giữ một thái độ khá bảo thủ, “không muốn nhìn thẳng vào thực tế của việc nghiên cứu tâm sinh lý tội phạm”.
Đề tài này có thể nói là một trong những vấn đề nghiệt ngã nhất của khoa học bởi nó chống lại niềm tin tốt đẹp rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Kỳ thực yếu tố tâm sinh lý của một con người ngay từ đầu đã có ảnh hưởng rất lớn tới những hành động chống đối xã hội của người đó.
Chẳng hạn như mối liên hệ giữa nhịp tim chậm với việc phạm tội. Thường những người có nhịp tim chậm ít sợ hãi hơn, giữ bình tĩnh giỏi hơn và vì thế những người có gan phạm tội thường có nhịp tim chậm hơn người bình thường.
Vậy nếu một đứa trẻ sinh ra và có nhịp tim chậm, liệu có phải đứa bé đó đã mang sẵn định mệnh sẽ trở thành thành phần bất hảo trong xã hội? Thực tế, mặt sinh học không thể quyết định hoàn toàn việc bạn sẽ trở thành con người như thế nào. Chính môi trường sống, cách giáo dục và chế độ dinh dưỡng mới quyết định số phận một con người.