Cuốn gia phả bị thất lạc
(Dân trí) - Cuốn gia phả của một dòng họ lớn ở làng Tiềm bị thất lạc trong binh biến, mãi đến năm 1975 mới được tìm thấy.
Cuốn gia phả bị thất lạc của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành toàn quốc vào quý 3/2023.
Tiểu thuyết kể về làng Tiềm - ngôi làng khoa bảng giàu truyền thống cách mạng ở miền Trung. Cuốn gia phả của một dòng họ lớn ở làng bị thất lạc trong binh biến, mãi đến năm 1975 mới được tìm thấy.
Thông qua hành trình tìm gia phả, cuốn sách kể lại lịch sử của làng trong khoảng 90 năm (1885-1975).
Một phần lịch sử của Đảng, của đất nước được phản ánh ở cấp độ thu nhỏ trong lịch sử của ngôi làng đặc biệt đó: khởi nghĩa Cần vương, nghĩa quân Đề Thám bị đưa về làng xử chém; phong trào đấu tranh chống Pháp theo Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đầu những năm 1920.
Sự bế tắc của các văn thân khi triều đình bỏ thi cử, các cuộc nổi dậy chống chính quyền bảo hộ đều bị Pháp đàn áp nặng nề. Sự kiện thành lập chi bộ Đảng, sự tổn thất của Đảng những năm 1930-1931 tại làng.
Lớp thanh niên kế tiếp tham gia cách mạng, kháng chiến. Nhiều người qua tù đày, một số thành yếu nhân của Đảng. Những hoàn cảnh tréo ngoe và bi thương khi cải cách ruộng đất thực thi tại làng.
"Hình như dòng suy tư của ông đang chìm dần vào cõi mông lung, nửa hư nửa thực. Ông tự nhủ: Phải về làng!
Vừa đến đầu ngõ, ông thấy căn nhà của mình đang cháy. Ông lao vào, với tay định lấy cái tráp nhỏ đựng cuốn gia phả, nhưng một cái xà nhà đang cháy đã rơi xuống, đè lên và đốt cháy luôn cái tráp. Thế là cuốn gia phả cháy thật rồi.
Nhưng con trai đâu? Ông lao ra khỏi nhà, vừa chạy, vừa la: Tân ơi, con đâu rồ…ồi…! Ông chạy, chạy mãi...
Ông thấy mình đến đền làng. Đền đang bị khói rơm trùm kín, không thể vào đó tìm con được. Ông chạy sang miếu Hiền từ, nơi làng thờ những người đỗ đạt, đức cao vọng trọng. Con tôi có vào đây với các vị không? Chẳng có ai trả lời, chỉ thấy đồ tế khí ngổn ngang, gãy đổ.
Ông lại chạy sang nhà Thánh, nơi làng thờ đức Khổng Tử: Con tôi thường đọc sách của ngài, thưa ngài, nó có qua đây không? Khổng Tử không thể trả lời được nữa. Bức tượng của ngài đã bị quân Tả đạo đập vỡ.
Ông lại chạy đi tìm con.
Khắp làng lửa rừng rực cháy. Một đám quân Tả đạo bắt đầu đuổi theo ông. Chúng la hét: Giết hắn, giết hắn! Có tiếng chíu chíu bên tai, rõ ràng chúng đang bắn đuổi theo.
Ông chui qua lũy tre đầu xóm Giếng. Chúng vẫn đuổi phía sau. Ông chạy qua đường cái quan, nhằm phía tây mà chạy. Tiếng chân quân tả đạo mỗi lúc một gần.
Ông bỗng vấp vào mép một cái chuông treo lơ lửng giữa đường, ngã vật xuống. Khi ngước lên, ông nhìn thấy một khuôn mặt gớm ghiếc, và một ngọn giáo đang nhằm trúng giữa ngực ông, đâm xuống…", trích tác phẩm.
Cuốn gia phả bị thất lạc cũng viết về những ấu trĩ sau Cách mạng tháng Tám - trước 1975 ở làng: Phá đình chùa, triệt tiêu kinh tế tư nhân làm cho các nghề đã có hàng trăm năm như dệt lụa, làm bún bánh… bị mai một, chợ làng vốn sầm uất bậc nhất trong vùng vì thế mà trở nên đìu hiu.
Trong suốt gần 100 năm đầy biến động đó, người làng Tiềm lớp này thay lớp khác luôn thể hiện lòng yêu nước, yêu quê mãnh liệt và theo cách mạng. Họ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng như rất nhiều ngôi làng giàu truyền thống khác trên cả nước.
Tác giả, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, 77 tuổi, nguyên là Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng.
Trong chiến tranh chống Mỹ, ông là kỹ sư thiết kế thi công tuyến ống xăng dầu xuyên Trường Sơn, được ghi nhận có đóng góp quan trọng cho ngành xăng dầu trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Tiểu thuyết Dòng sông mang lửa (2012) của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu được giải B của Bộ Quốc phòng về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, "là bản hùng ca về những người lính xăng dầu Trường Sơn".
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu là con trai của ông Hồ Viết Thắng - nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Thực phẩm.
Ông Hậu được sống cùng cha trên chiến khu Việt Bắc và được gần gũi nhiều với Bác Hồ thời ở chiến khu.