Cuộc đời buồn thảm của nam diễn viên phim “Bác sĩ Zhivago”

(Dân trí) - Nam diễn viên nổi tiếng người Ai Cập - Omar Sharif - người từng vào vai bác sĩ Zhivago trong bộ phim cùng tên cũng có một cuộc đời buồn bã với những éo le tình ái giống như chính nhân vật mà ông đã hóa thân.

Nam diễn viên nổi tiếng người Ai Cập - Omar Sharif - đã qua đời trong tuần qua ở tuổi 83 tại thành phố Cairo, sau khi bị một cơn đau tim. Hồi tháng 5, con trai ông đã tiết lộ với báo giới rằng Omar Sharif trong những năm tháng cuối đời đã bị chứng mệnh mất trí nhớ.

Đó là một chuyện buồn cuối cùng trong cuộc đời nam diễn viên cô độc. Trong những năm tháng sau thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp diễn xuất, Omar Sharif đã sống vài thập kỷ trong những khách sạn ở London, Paris…, cuối cùng, ông quyết định quay trở về Ai Cập (về đây, ông cũng lại thuê một phòng khách sạn) để được qua đời trên mảnh đất quê hương.

Sharif và bạn diễn Julie Christie trong phim “Bác sĩ
Zhivago” (1965).

Sharif và bạn diễn Julie Christie trong phim “Bác sĩ Zhivago” (1965).

Trong lịch sử điện ảnh Hollywood, Omar Sharif có lẽ là ngôi sao đầu tiên thú nhận rằng mình đã lãng phí cuộc đời và sự nghiệp, để theo đuổi những thú vui dễ dãi như tiệc tùng, cờ bạc.

Omar Sharif luôn được nhắc đến như một diễn viên thuộc vào hàng vĩ đại nhất của Hollywood. Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, ông được biết tới nhiều nhất với các vai diễn trong phim Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập - 1962), Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago - 1965) và Funny Girl (Cô nàng vui vẻ - 1968).

Ham mê đánh bạc và luôn bị cuốn vào những cuộc tình chóng vánh, Omar Sharif dần trở thành một tay bạc “có hạng”, một gã đàn ông đào hoa “khét tiếng” ở Hollywood.

Sharif luôn có mặt tại các casino trên khắp Châu Âu, “nướng sạch” tài sản vào những canh bạc, để rồi sau đó phải kiếm sống bằng cách nhận những vai diễn không đem lại thêm bất cứ vinh quang nào cho sự nghiệp diễn xuất từng một thời hứa hẹn.

Omar Sharif thời trẻ

Omar Sharif thời trẻ

Sau hàng loạt những vai diễn không để lại dấu ấn trong những bộ phim nhanh chóng chìm vào quên lãng, Sharif cuối cùng rời bỏ diễn xuất để trở thành một tay bạc chuyên nghiệp, dành trọn thời gian để đánh bạc với lý giải rằng: “Tôi thà chơi bạc còn hơn đóng một phim tồi”.

Tuy vậy, các nhà phê bình điện ảnh vẫn luôn cảm thấy nuối tiếc cho Omar Sharif bởi nếu ông quyết định từ bỏ hẳn những canh bạc để dồn sức cho sự nghiệp diễn xuất, thì một tài năng như ông, một nam diễn viên có thể nói 6 thứ tiếng như ông, chắc chắn rồi sẽ có được những vai diễn hay, những bộ phim để đời giống như “Lawrence xứ Ả Rập”, như “Bác sĩ Zhivago”…

Thay vào đó, Sharif lựa chọn cuộc sống dễ dàng hơn ở những casino. Sharif từng mất tới 750.000 bảng (hơn 25 tỉ đồng) chỉ trong một đêm thua bạc. Dù đã có những lúc muốn từ bỏ cơn nghiện cờ bạc nhưng Sharif không thể nào dứt khỏi thú vui đã trở thành ám ảnh trong cuộc đời ông.

Trên phim trường “Lawrence xứ Ả Rập” (1962) cùng nam diễn
viên Peter O’Toole (trái).

Trên phim trường “Lawrence xứ Ả Rập” (1962) cùng nam diễn viên Peter O’Toole (trái).

Omar Sharif vốn sinh ra trong một gia đình giàu có ở Cairo, cha ông là một thương gia tháo vát, mẹ ông là một phụ nữ xinh đẹp và giỏi giao tiếp. Gia đình họ thường xuyên tiếp đón những vị khách thượng lưu và tại đây, họ cùng nhau đánh bài thâu đêm suốt sáng.

Khi ở tuổi thanh niên, Omar Sharif đã bắt đầu thể hiện sự đào hoa, đa tình của mình. Những cuộc hẹn hò với các bạn gái luôn khiến cậu thanh niên Omar Sharif bị “cháy túi”, không xin được tiền từ cha mẹ, Sharif sẵn sàng bán đồ dùng cá nhân để có tiền hẹn hò.

Omar Sharif đã tốt nghiệp đại học Cairo với bằng toán và vật lý, đã dành ra 5 năm để làm việc trong doanh nghiệp của gia đình, nhưng cuối cùng ông đã từ bỏ tất cả để đi theo diễn xuất. Ngay từ những bộ phim đầu tiên tham gia, Omar Sharif đã có những mối tình nảy sinh với các bạn diễn nữ, về sau, những chuyện phim giả tình thật là điều thường thấy ở nam diễn viên này.

Tuy vậy, có một bạn diễn đã thực sự khiến ông rung động, đó là Faten Hamama, Omar Sharif đã đi đến hôn nhân với Faten và có một người con trai từ cuộc hôn nhân duy nhất này.

Omar Sharif và nữ diễn viên Catherine Deneuve trong phim “Mayerling” (1969).

Omar Sharif và nữ diễn viên Catherine Deneuve trong phim “Mayerling” (1969).

Sharif
từng nổi tiếng đào hoa, đa tình, luôn qua lại, hẹn hò với các bạn diễn nữ.

Sharif từng nổi tiếng đào hoa, đa tình, luôn qua lại, hẹn hò với các bạn diễn nữ.

Trên phim trường “Lawrence xứ Ả Rập” - bộ phim mang tầm quốc tế đầu tiên của nam diễn viên người Ai Cập, Omar Sharif đã cùng nam chính Peter O’Toole “quậy tưng” những sòng bạc ở Beirut, Lebanon (một quốc gia Tây Á) và từng tiêu hết số tiền kiếm được trong cả năm chỉ trong một đêm thua bạc.

Việc hai nam diễn viên tiệc tùng, cờ bạc “say sưa” suýt nữa đã làm hỏng đêm công chiếu bộ phim kinh điển “Lawrence xứ Ả Rập” khi họ bị bắt ngay trước đêm chiếu phim mở màn vì một người bạn trong nhóm “ăn chơi” đã sử dụng ma túy. Nhà sản xuất phim đã phải tới tận đồn cảnh sát để bảo lãnh cho hai nam diễn viên.

Sau khi trở nên nổi tiếng với phim “Lawrence xứ Ả Rập”, phụ nữ tìm đến Sharif nhiều không kể xiết, lúc này, ông được coi là một biểu tượng quyến rũ của nam giới trên màn ảnh quốc tế, Sharif vốn luôn sống buông tuồng, dễ dãi, đã không ngần ngại ngoại tình.

Chính nam diễn viên từng thú nhận rằng ông không có đủ sức mạnh ý chí để chung thủy với vợ, vì vậy, Omar Sharif đã nói với vợ rằng ông muốn ly hôn khi cô vẫn còn đủ trẻ để tái hôn, vậy là họ bắt đầu ly thân sau 11 năm chung sống.

Trong cuộc đời mình, Omar Sharif luôn buồn bã nói về người vợ đầu tiên và duy nhất, rằng bà chính là tình yêu lớn nhất cuộc đời ông dù sau này còn có rất nhiều người phụ nữ khác bước vào cuộc đời Sharif.

Omar Sharif với bạn diễn Julie Andrews trong phim “The
Tamarind Seed” (1974).

Omar Sharif với bạn diễn Julie Andrews trong phim “The Tamarind Seed” (1974).

Mỗi khi Sharif đóng một phim nào đó, ông lại hẹn hò với một bạn diễn nữ, trên phim trường “Bác sĩ Zhivago”, ông từng hẹn hò với bạn diễn đóng cặp - Julie Christie (vai Lara Antipov), sau này, ông cũng hẹn hò với Barbra Streisand khi họ cùng đóng chung “Cô nàng vui vẻ”…

Tình cảm mà Sharif dành cho bạn diễn thường chỉ kéo dài trong đúng khoảng thời gian họ cùng tham gia diễn xuất trên phim trường, nam diễn viên từng chia sẻ: “Sau đó, tôi không thể nào yêu họ thêm được nữa”. Sharif luôn hẹn hò với các bạn diễn bởi đối với ông đó là những cuộc tình đặc biệt, “không gây tổn thương sau khi kết thúc”.

Dù ban đầu Omar Sharif đến với nghiệp diễn một cách đầy say mê, với nhiều tiềm năng hứa hẹn, nhưng dần dần, ông hết nhiệt huyết dành cho diễn xuất, và cuối cùng, dành trọn đam mê cho… đánh bạc, trở thành một trong những tay bạc nổi tiếng nhất thế giới, từng viết vài cuốn sách về việc chơi bạc.

Thảng hoặc, Sharif trở lại với diễn xuất một cách chớp nhoáng vì… cần tiền. Những vai diễn được chấp nhận nhanh chóng mỗi khi nam diễn viên “cháy túi”, bất chấp việc bộ phim đó có chất lượng như thế nào, dần dần, tên tuổi Omar Sharif xuống dốc không phanh.

Sharif từng nói: “Tôi không thể sống mà không có những quân bài trong tay”. Sau khi thua canh bạc lớn nhất, bị mất 750.000 bảng chỉ sau một đêm, Sharif phải bán nhà và từ đó sống trong các khách sạn, bắt đầu trải nghiệm sự cô đơn và túng thiếu. Đã có những lúc, Sharif cho biết ông không có gì ngoài vài bộ quần áo.

Omar Sharif thời trẻ

Omar Sharif thời trẻ

Trong cuộc sống, Omar Sharif vốn là người nóng nảy đến mức khó tin, ông từng gây gổ nhiều bận chỉ bởi người ta làm những việc nhỏ nhặt nào đó khiến ông phật ý.

Sau cả cuộc đời ăn chơi của mình, Sharif cho rằng ông không có lấy một người bạn thực sự và rằng ông chẳng thể nào nhớ ra nổi một cái tên để có thể coi là bạn.

Nói về cuộc đời mình với tư cách một ngôi sao điện ảnh, Sharif cho rằng: “Diễn xuất đưa lại cho tôi vinh quang, nhưng nó cũng đưa lại cho tôi sự cô độc. Tôi rất nhớ quê nhà, người dân, đất nước tôi, nhưng nếu quay ngược thời gian trở lại, tôi vẫn sẽ làm mọi việc y như vậy. May mắn là không phải tất cả mọi thứ tôi làm đều là rác rưởi, ít nhất tôi đã có vài khoảnh khắc đẹp”.



Bích Ngọc
Tổng hợp

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Văn hóa, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email vanhoa@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm