Cuộc đời bi kịch của người đàn ông khỏa thân trên sân khấu Oscar
(Dân trí) - Robert Opel được nhớ mãi trong lịch sử những khoảnh khắc... "khó đỡ" của giải Oscar. Người đàn ông này đã khỏa thân chạy lên sân khấu giữa lúc chương trình đang được truyền hình trực tiếp.
Tại lễ trao giải Oscar năm 1974, một người đàn ông có tên Robert Opel (1939 - 1979) đã đi vào lịch sử của giải khi trở thành người duy nhất từng xuất hiện khỏa thân trên sân khấu.
Opel hoàn toàn không liên quan gì tới sự kiện, chỉ là một người đàn ông thích… khỏa thân, bằng cách nào đó Opel đã lọt được vào hậu trường rồi chạy lên sân khấu, hình ảnh của Opel "trần như nhộng" đã phát đi trên sóng truyền hình.
Robert Opel là một nghệ sĩ ý niệm, một nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động xã hội thúc đẩy quyền bình đẳng cho người đồng tính. Bằng cách xuất hiện khỏa thân và gây sốc, Robert Opel từng hy vọng rằng những điều mà mình theo đuổi sẽ được nhiều người quan tâm và biết đến. Robert Opel đã có một cuộc đời lạ lùng và kết thúc trong bi kịch thảm thương.
Tại lễ trao giải năm 1974, nhà làm phim Michael Phillips đang nín thở chờ đợi, bởi bộ phim mà ông tham gia sản xuất - "The Sting" - được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất. Ông Phillips đang chờ nữ minh tinh Elizabeth Taylor xuất hiện trên sân khấu xướng tên bộ phim thắng giải.
Bỗng nhiên một người đàn ông khỏa thân chạy băng qua sân khấu từ phía cánh gà và còn làm dấu tay "V" gửi tới khán giả có mặt tại khán phòng. Tất cả những người có mặt tại sự kiện đều sửng sốt và xôn xao.
Chính nhờ người dẫn chương trình David Niven, một nam diễn viên người Anh có tính cách hài hước, mà tình huống gây thảng thốt này đã trở thành một chi tiết hài hước đáng nhớ.
Khi người đàn ông khỏa thân chạy lên sân khấu, nam diễn viên Niven đã bông đùa một cách tự nhiên và bình tĩnh trước sự việc bất ngờ này rằng: "Thật thú vị khi nghĩ rằng đây có lẽ là tràng cười giòn giã nhất mà người đàn ông này nhận được trong đời, anh ta đạt được nó bằng cách khỏa thân và cho tất cả mọi người thấy rõ yếu điểm của mình".
Một tràng cười giòn giã vang lên và sự thảng thốt liền được xoa dịu sau tràng cười ấy. Sau đó, lễ trao giải tiếp tục, bộ phim "The Sting" được tuyên bố là phim giành chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất - hạng mục Phim hay nhất.
Dù vậy, nữ diễn viên Elizabeth Taylor vẫn chưa hoàn hồn sau sự việc. Khi bước lên sân khấu nhận giải, nhà làm phim Michael Phillips nhận thấy minh tinh Elizabeth Taylor vẫn còn đang trong trạng thái "hết hồn", người đẹp lo lắng không biết mình có bị nói nhầm hay nói nhịu gì không. Nhà làm phim Michael Phillips đã trấn an nữ minh tinh và rồi mọi người cùng cười.
Khoảnh khắc Robert Opel xuất hiện khỏa thân trên sân khấu lễ trao giải Oscar đã gây xôn xao Hollywood ở thời điểm bấy giờ, cho tới hôm nay, khoảnh khắc ấy vẫn được nhắc nhớ lại như một trong những chi tiết đáng nhớ và "khó đỡ" nhất trong lịch sử giải Oscar.
Cuộc đời ngắn ngủi kết thúc trong bi kịch của Robert Opel
Về phần người đàn ông khỏa thân có tên Robert Opel, trong cuộc đời mình, Opel đã nhiều lần xuất hiện "thiên nhiên" tại những sự kiện khác nhau.
Nhưng chính sự xuất hiện tại giải Oscar đã khiến Opel được quan tâm nhiều hơn hẳn, cả trong lĩnh vực nghệ thuật và trong cuộc sống riêng. Ngay sau sự việc, Opel được mời xuất hiện trong một số chương trình và sự kiện ở Hollywood.
Đến năm 1978, Opel mở một studio nghệ thuật có tên Fey-Way Studios ở thành phố San Francisco (Mỹ). Nơi đây trưng bày những tác phẩm nghệ thuật có tính thể nghiệm với đề tài khá gây tranh cãi ở thời điểm bấy giờ, đó là khắc họa cuộc sống của những người đồng tính.
Một năm sau, khi Opel đang ở tuổi 40, anh bị sát hại khi hai người đàn ông ập vào studio và yêu cầu những người có mặt trong studio phải đưa hết tiền cho họ. Opel và hai người bạn bị khống chế bằng súng. Trong sự việc này, Opel đã bị bắn chết.
Về sau này, người cháu trai có tên Robert Oppel của anh trở thành một nhà làm phim. Người cháu trai đã lên tiếng chia sẻ rằng bác trai của mình đã bỏ một chữ "p" trong tên họ của gia đình, với hy vọng cuộc sống riêng gây tranh cãi của mình sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới gia đình.
Người cháu trai - Robert Oppel từng dự định làm một bộ phim tài liệu có tên "Uncle Bob" hồi năm 2011, để kể về cuộc đời của người bác, nhưng kế hoạch này đã bị đổ bể.
Robert Oppel mong muốn tiếp cận được với hai kẻ sát nhân vẫn đang ở trong tù, hai người này đồng ý xuất hiện trong bộ phim tài liệu của Oppel, nhưng phía nhà tù không đồng ý để anh vào trại giam tiếp xúc và ghi hình phạm nhân.
Vậy là, đằng sau khoảnh khắc gây sốc và được nhắc nhớ nhiều nhất trong cuộc đời Robert Opel là một số phận ngắn ngủi và kết thúc trong bi kịch khủng khiếp.