Cuộc đời bi kịch của “bác sĩ đầu tiên đề cao việc rửa tay”
(Dân trí) - Ở thế kỷ 19, có một bác sĩ người Hungary đã bị các đồng nghiệp chế nhạo khi yêu cầu các y bác sĩ khác phải rửa tay thường xuyên khi làm việc, để tránh lây mầm bệnh cho bệnh nhân.
Thực tế, không phải lúc nào việc rửa tay cũng được nhìn nhận đúng với tầm quan trọng của nó, người ta đã cần nhiều thời gian và nỗ lực để làm thay đổi quan niệm về vấn đề vệ sinh, về việc... rửa tay sạch sẽ trong nhận thức của các y bác sĩ.
Khi thế giới cùng đối diện với đại dịch Covid-19 và việc rửa tay sạch sẽ được đề cao như phương cách hàng đầu giúp ngăn chặn sự lây lan virus, câu chuyện về bác sĩ Ignaz Semmelweis - người đầu tiên nhìn nhận đúng đắn về tầm quan trọng của đôi bàn tay sạch sẽ trong điều trị y khoa - đã được nhắc nhớ trở lại.
Và giờ đây, công việc ý nghĩa của ông, cũng như cuộc đời buồn bã của ông, sẽ được kể lại trong một vở kịch sân khấu.
Nam diễn viên người Anh từng giành giải Oscar - Mark Rylance (60 tuổi) đã bị thu hút bởi cuốn sách “Semmelweis: A Fictional Biography” kể về cuộc đời của bác sĩ Ignaz Semmelweis.
“Trước đây, tôi chưa từng biết về bác sĩ Ignaz Semmelweis, về công việc của ông, cũng như bi kịch của ông khi bị các đồng nghiệp quay ra chế nhạo vì đã đề cao tầm quan trọng của việc rửa tay. Khi tôi được đọc cuốn sách đã xuất bản từ lâu này, tôi đã vô cùng xúc động”, nam diễn viên Mark Rylance chia sẻ.
Bác sĩ Semmelweis dần cảm thấy “tuyệt vọng” vì những người đồng nghiệp của mình, những người mà ông không thể nào thuyết phục họ thực sự tin tưởng vào tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đôi bàn tay khi tiếp xúc với bệnh nhân, cuối cùng, ông rơi vào bất ổn tâm lý và phải nhập bệnh viện tâm thần, rồi qua đời tại đây.
Giờ đây, những quan niệm về vấn đề vệ sinh của bác sĩ Semmelweis đã được nhìn nhận đúng đắn, ông được hậu thế trân trọng và đặc biệt được nhớ đến trong giai đoạn này. Nam diễn viên Mark Rylance hiện đang cùng các cộng sự lên kế hoạch công diễn vở kịch kể về cuộc đời bác sĩ Semmelweis, trong đó, ông sẽ là người đảm nhận vai chính.
Mark Rylance đã trình bày ý tưởng về vở kịch xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Semmelweis với giám đốc nghệ thuật Tom Morris của nhà hát The Bristol Old Vic (Anh), sau đó, họ đã cùng lên kế hoạch sản xuất một vở kịch chứa đựng nhiều tham vọng. Hiện tại, hoạt động luyện tập đã được triển khai để chuẩn bị cho việc ra mắt vở kịch vào năm sau.
Nam diễn viên Mark Rylance chia sẻ: “Làm việc trong môi trường y khoa ở Vienna (Áo), vị bác sĩ tài giỏi người Hungary luôn rất lo lắng khi phải phát biểu trước đám đông bởi cách phát âm của ông khiến người nghe khó hiểu. Ông nhận ra rằng vi khuẩn vô hình có thể gây thêm bệnh cho bệnh nhân.
“Khi ấy, ông chưa có điều kiện nghiên cứu qua kính hiển vi, nhưng trong quá trình điều trị, quan sát và suy luận, ông hiểu rằng mầm bệnh vô hình đã lây thêm bệnh cho người đang được điều trị, vì vậy, các y bác sĩ, nhân viên y tế cần phải vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh lây mầm bệnh cho những người đang có sức đề kháng, miễn dịch yếu.
“Vở kịch này không chỉ nói về Semmelweis như một thiên tài, người đã đưa ra được những kết luận chính xác về tầm quan trọng của việc vệ sinh đôi bàn tay trong điều trị y khoa, mà vở kịch còn dành để nói về những con người như Semmelweis.
“Họ cần được người khác giúp đỡ để có thể giao tiếp đạt hiệu quả. Semmelweis thường tức giận khi ông không được các đồng nghiệp tin tưởng mỗi khi ông trình bày một vấn đề nào đó, những sự thờ ơ mà cấp trên dành cho ông, hay sự chế nhạo của đồng nghiệp đối với ông là có thể hiểu được, bởi ông không phải một người biết cách diễn đạt thuyết phục và dễ hiểu.
“Một người mang những lý thuyết tiên phong như Semmelweis giống như một con dao sắc. Nó có thể rất hữu dụng nhưng cũng có thể khiến người ta bị thương đau. Semmelweis không biết cách thuyết phục để khiến các cộng sự hiểu tầm quan trọng của việc rửa tay, ông chuyển sang cảm thấy bất mãn.
“Hơn thế, ông còn bị ám ảnh bởi những bệnh nhân mà ông chứng kiến cái chết của họ trong quá trình điều trị tại bệnh viện, những điều đó đặt một áp lực khổng lồ lên tâm lý của người bác sĩ, một câu chuyện buồn đã xảy ra sau đó đối với Semmelweis”.
Hiện tại, việc luyện tập chuẩn bị cho việc ra mắt vở kịch “Doctor Semmelweis” đã bắt đầu, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây tác động toàn cầu, sự nghiệp và cuộc đời của bác sĩ Semmelweis cũng bất ngờ được quan tâm trở lại. Dự kiến vở kịch “Doctor Semmelweis” sẽ biểu diễn ra mắt trước tiên tại thành phố Bristol (Anh) vào năm tới.
Chính những xúc cảm luôn chất chứa trong nội tâm bác sĩ Semmelweis là chìa khóa để khai thác câu chuyện về cuộc đời ông, một người bác sĩ tài giỏi, hết lòng mong cứu chữa khỏi cho các bệnh nhân, nhưng rồi rơi vào tình thế bất đắc chí, bất mãn để rồi dần chìm vào bệnh tâm thần và chết ở trong bệnh viện tâm thần.
Mark Rylance - người đảm nhận vai bác sĩ Semmelweis đánh giá: “Semmelweis bị ám ảnh bởi công việc, những xúc cảm điều khiển ông cả trong công việc và cuộc sống. Chúng ta trân trọng tài năng, tri thức và y đức của ông, nhưng chính tính khí nóng nảy đã khiến một con người tài giỏi như ông dần bị mất tỉnh táo và đi vào đường cùng.
“Bài học đối với tôi khi thực hiện vở kịch về ông, đó là chúng ta cần đón nhận những người sống quá nặng về cảm xúc. Họ có thể khá lạ lùng và không phải là người được số đông ủng hộ, nhưng nếu bỏ mặc họ, như người ta đã bỏ mặc Semmelweis, chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ những điều hữu ích”.
Trong đại dịch Covid-19, bác sĩ Semmelweis được nhớ đến
Ngày 20/3 năm nay, công cụ tìm kiếm Google tôn vinh bác sĩ người Hungary - Ignaz Semmelweis (1818 - 1865), ông được xem là “cha đẻ của kiểm soát lây nhiễm”.
Bác sĩ Ignaz Semmelweis được giới y khoa nhìn nhận là người đầu tiên phát hiện ra những lợi ích y tế quan trọng của việc rửa tay.
Vào ngày 20/3/1847, ông Ignaz Semmelweis đã khẳng định tầm quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ khi ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu khoa sản của Bệnh viện Đa khoa Vienna, ông bắt đầu yêu cầu tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế trong khoa phải khử khuẩn hai bàn tay một cách thường xuyên bằng chất tẩy rửa y tế.
Trước khi ông được bổ nhiệm, các sản phụ có tỷ lệ tử vong cao vì họ thường bị nhiễm trùng sau sinh nở, nhưng người ta không nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân dẫn tới việc này. Sau khi tự tiến hành những hoạt động điều tra, ông Semmelweis đã nhận ra rằng nguyên nhân là bởi các bác sĩ đã mang những mầm bệnh trên bàn tay của họ khi tiếp xúc với các sản phụ.
Ngay sau khi bác sĩ Semmelweis yêu cầu các y bác sĩ trong khoa phải thường xuyên làm vệ sinh tay, tỷ lệ tử vong của các sản phụ đã giảm từ 18,27% xuống còn 1,27%, và trong khoảng thời gian từ tháng 3 tới tháng 8 năm 1848, không có sản phụ nào qua đời trong khi lưu lại khoa sản do bác sĩ Semmelweis đứng đầu.
Mặc dù có những thành tựu như vậy, nhưng nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Semmelweis trong giới y khoa vẫn phủ nhận ý tưởng của ông, không coi đó là nghiêm túc.
Bác sĩ Semmelweis dần cảm thấy “tuyệt vọng” vì những người đồng nghiệp của mình, những người mà ông không thể nào thuyết phục họ thực sự tin tưởng vào tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong lĩnh vực y tế, của đôi bàn tay sạch mầm bệnh của các y bác sĩ khi tiếp xúc với bệnh nhân, cuối cùng, ông rơi vào bất ổn tâm lý và phải nhập bệnh viện tâm thần, rồi qua đời tại đây.
Chỉ tới sau khi ông Semmelweis đã qua đời, những quan niệm của ông về vấn đề vệ sinh trong hoạt động y tế mới được khẳng định, lúc này, các y bác sĩ trên khắp thế giới đã bắt đầu tiếp cận và chấp nhận rộng rãi những lý thuyết về vi khuẩn, mầm bệnh...
Bích Ngọc
Theo The Guardian/The Independent