Công trình “Vườn vệ sinh” đoạt Huy chương Vàng Kiến trúc Châu Á 2016

(Dân trí) - Tại sự kiện kiến trúc ARCASIA 2016 vừa diễn ra tại Hong Kong (từ 27 đến 30/9), công trình “Toigetation - Vườn vệ sinh” do H&P Architects (HPA) thực hiện dành tặng cho các em học sinh nghèo ở Xã Sơn Lập, Cao Bằng đã đoạt Huy chương Vàng tại hạng mục Trách nhiệm xã hội.

Giải thưởng AAA (ARCASIA Awards for Architecture) là giải thưởng uy tín nhất của Hội Kiến trúc sư Châu Á (Architects Regional Council Asia - ARCASIA) được diễn ra hàng năm nhằm tôn vinh các công trình kiến trúc sáng tạo tiêu biểu ở nhiều hạng mục công trình khác nhau từ 19 quốc gia thành viên tham gia tranh tài.

Sự kiện kiến trúc ARCASIA 2016 vừa diễn ra tại Hong Kong (từ 27 đến 30/9). Công trình “Toigetation - Vườn vệ sinh” do H&P Architects (HPA) thực hiện dành tặng cho các em học sinh nghèo ở Xã Sơn Lập, Cao Bằng đã đoạt Huy chương Vàng tại hạng mục Trách nhiệm xã hội (giải Nhất) – hạng mục này năm 2015 cũng đưa về cho họ tấm Huy chương Vàng với công trình BES pavilion ở Hà Tĩnh.

Công trình “Vườn vệ sinh” đoạt Huy chương Vàng Kiến trúc Châu Á 2016 - 1

Ngoài ra, công trình “Forestaurant - Nhà hàng Cheering” cũng đoạt giải Nhì (không có nhất) ở hạng mục Công trình thương mại.

Trước đó hai công trình này cũng đồng chiến thắng tại giải thưởng Kiến trúc Thế giới IAA 2016; giải Oscar Kiến trúc A+ 2016 và giải thưởng Thiết kế Xanh Green Good Design 2016.

Vườn vệ sinh (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) của nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Nguyễn Trí Thành, Lục Văn Tú, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Văn Mạnh, Patricia Erimescu, Võ Quỳnh Thư, Nguyễn Thị Xuyến, Chu Văn Đông, Nguyễn Hải Huệ, Hoàng Hữu Nam.


Vườn vệ sinh

Vườn vệ sinh

Vườn vệ sinh là một Không gian bao gồm Nhà vệ sinh + Tắm giặt rửa + Thảm thực vật, mô hình này mong muốn góp phần giải quyết thực trạng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng với Trường Sơn Lập nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung.

Công trình được tạo nên bởi Nhân lực & Vật liệu sẵn có tại địa phương cùng với cách thức Xây dựng đơn giản giúp kiến trúc được neo, giằng liền khối đủ sức khoẻ sống chung với lốc xoáy và khí hậu nơi đây. Công trình xử lý hiệu quả thông gió và chiếu sáng tự nhiên, dùng pin mặt trời chuyển hoá thành điện chiếu sáng, tận dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải & nước sinh hoạt.

Người sử dụng được tiếp cận / giáo dục từ chính những ứng dụng về cách ứng xử của công trình với thiên nhiên, với cộng đồng địa phương. Điều này sẽ ảnh hưởng tới định hướng hành động trong tương lai của người sử dụng, đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển cân bằng sinh thái cũng như sự ổn định về kinh tế.

Còn đối với kiến trúc Nhà hàng Cheering (Hà Nội) của nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Lưu Việt Thắng, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Hải Huệ, Hồ Mạnh Cường, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Gia Phong, Nguyễn Văn Thịnh.


Nhà hàng Cheering

Nhà hàng Cheering

Nhà hàng Cheering được cải tạo từ một dự án đã đóng cửa nhiều năm với hệ khung kết cấu thép còn lại và một số vật liệu bao che có thể tái sử dụng, dựa trên hơi thở Cuộc sống trên vỉa hè Hà Nội - nơi diễn ra rất nhiều các hoạt động của người dân thủ đô từ ngày đến đêm (đặc biệt là ẩm thực) là nguồn cảm hứng cho người thiết kế kiến tạo một Không gian gợi nhắc đến những hàng cây cổ thụ - hình ảnh quen thuộc trên vỉa hè và hai bên đường ở thành phố ngàn năm tuổi này.

Công trình là một giải pháp về cách ứng xử của kiến trúc đương đại với bối cảnh có nhiều giá trị lịch sử và văn hoá, đồng thời góp phần định hình lại diện mạo kiến trúc đô thị khu vực trung tâm – nơi mà mỗi m2 đất có giá hàng tỷ đồng.

Hồng Hạnh