Công bố 400 tư liệu, tài liệu quý về lịch sử "đất võ, xứ văn chương"
(Dân trí) - Lần đầu tiên, tỉnh Bình Định giới thiệu đến công chúng khoảng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc về nguồn cội miền "đất võ, xứ văn chương".
Ngày 28/8, UBND tỉnh Bình Định và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp tổ chức triển lãm 3D với chủ đề "Bình Định theo dòng lịch sử".
Triển lãm giới thiệu đến công chúng khoảng 400 tài liệu, tư liệu đặc sắc được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bảo tàng thuộc tỉnh Bình Định, các Viện Nghiên cứu tuyển chọn. Ngoài ra, còn có nguồn tư liệu quý do các cá nhân chia sẻ.
Lấy ý tưởng từ những địa danh nổi tiếng của Bình Định để tạo nên không gian 3D độc đáo, triển lãm mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, trong hành trình theo dòng lịch sử "đất võ, xứ văn chương" từ cội nguồn đến ngày nay.
Triển lãm gồm 3 phần, trong đó, phần 1 với chủ đề "Từ cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chăm Pa", giới thiệu nhiều khu mộ chum và các di tích liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện ở Bình Định, cách đây hàng nghìn năm.
Bình Định là vùng đất cổ gắn liền với lịch sử của vương quốc Chăm Pa dưới thời Vijaya (999-1471). Đây từng là kinh kỳ, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Chăm Pa ở miền Trung Việt Nam.
Hệ thống di sản văn hóa Chăm Pa ở Bình Định phong phú, đa dạng và độc đáo, gồm thành lũy, đền tháp, điêu khắc, cảng thị và các khu sản xuất gốm. Dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong đến nay vẫn còn đó trước thử thách của thời gian.
Phần 2 có chủ đề "Từ phủ Hoài Nhơn đến trọng địa phía nam Kinh thành", trong đó, điểm nhấn là tái hiện những hình ảnh về hào khí Tây Sơn. Hầu hết tài liệu thời Tây Sơn không còn, chỉ có những ghi chép rải rác trong sử sách.
Điều đáng chú ý, dù bị sử gia triều Nguyễn coi là "ngụy" nhưng Hoàng đế Quang Trung lại được mô tả và thuật lại như một con người phi thường.
Những năm gần đây, bên cạnh kêu gọi nhìn nhận về triều Tây Sơn một cách đa chiều, các sử gia trong và ngoài nước vẫn gặp nhau ở quan điểm thống nhất ghi nhận đóng góp lớn lao của triều đại này.
Vai trò của Anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ, đặc biệt coi "hào khí Tây Sơn", là di sản quý giá cần được tiếp tục kế thừa, phát huy.
Với khối tài liệu lưu trữ đồ sộ hiện bảo quản tại các cục lưu trữ quốc gia, đặc biệt là châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, diện mạo của vùng đất Bình Định được góp phần soi tỏ.
Từ khi Vua Lê Thánh Tông sáp nhập vùng đất Chiêm Thành vào cương thổ Đại Việt (1471) đến khi trở thành trọng địa phía nam Kinh thành dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), trải qua gần 500 năm, vùng đất Bình Định đã trải qua nhiều biến thiên, đồng thời, tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc.
Phần 3 có chủ đề "Từ mảnh đất "thành đồng" duyên hải Nam Trung bộ đến điểm sáng hội nhập, phát triển", giới thiệu các tài liệu, tư liệu về vùng đất Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Bình Định trong giai đoạn hiện nay.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Định là mảnh đất thành đồng duyên hải Nam Trung bộ, là nơi sớm nổ ra phong trào đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, quân và dân Bình Định đã góp phần quan trọng cùng cả nước đưa dân tộc đến ngày toàn thắng.
Những năm gần đây, Bình Định đã có sự bứt phá toàn diện. Phát huy "hào khí Tây Sơn", Bình Định đang hướng tới trở thành một trong những tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, trung tâm du lịch lớn của cả nước.