1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa...

Bích Ngọc

(Dân trí) - Theo quan niệm dân gian, 15 ngày đầu năm mới âm lịch có ý nghĩa đặc biệt, chúng ta còn một ngày đặc biệt này, một ngày sau cùng, để khép lại một mùa Tết ý nghĩa…

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa... - 1

Ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, Tết Thượng Nguyên (Ảnh: iStock).

Đó chính là ngày Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, Tết Thượng Nguyên. Tết này tổ chức tại chùa và tại gia. Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình Việt sẽ tiếp tục làm cơm cúng thịnh soạn dâng lên ban thờ gia tiên với quan niệm "Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".

Trong văn hóa Á Đông, Tết Thượng Nguyên mang nhiều ý nghĩa tinh thần. Khi xưa, vào dịp này, những văn sĩ, học giả thường ra vườn, uống rượu, ngắm hoa, thưởng trăng và làm thơ đầu năm.

Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh, bởi thế mà dân gian còn có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng". Vào ngày này, người Việt sau khi hoàn tất việc cúng lễ tại gia, thường lên chùa dâng hương vào lúc trời tối, khi trăng tròn đầu năm đã lên cao.

Rằm tháng Giêng tại các quốc gia Á Đông

Tại Trung Quốc, dịp Rằm tháng Giêng có nhiều ý nghĩa đặc biệt và thường gắn liền với hình ảnh chiếc đèn lồng. Vào ngày này, khi trời đã tối, trẻ nhỏ sẽ rước đèn lồng, thi nhau giải những câu đố viết trên đèn lồng.

Hình ảnh của chiếc đèn lồng thắp sáng trong dịp lễ này hàm chứa ý nghĩa rằng người ta thực sự bỏ lại một năm cũ ở phía sau và hào hứng với một khởi đầu hoàn toàn mới mẻ trong năm mới.

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa... - 2

Tại Trung Quốc, dịp Rằm tháng Giêng có nhiều ý nghĩa đặc biệt và thường gắn liền với hình ảnh chiếc đèn lồng (Ảnh: iStock).

Dịp Tết Nguyên Tiêu khi xưa rất được thanh niên Trung Quốc chờ đợi, vào ngày này, khi phố lên đèn và trở nên rực rỡ hơn bởi sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng, các chàng trai, cô gái bắt đầu xuống phố với hy vọng có thể tìm được duyên lành trong những ngày đầu năm.

Trong đời sống văn hóa xưa ở Trung Quốc, dịp này được xem là thời điểm rất lý tưởng để thanh niên nam nữ được giới thiệu với nhau, làm quen và bắt đầu tìm hiểu.

Vào dịp Rằm tháng Giêng, người Trung Quốc hay ăn món bánh "thang viên" hay bánh "nguyên tiêu", về cơ bản, đây là một loại bánh làm bằng bột nếp, nặn tròn, có nhân ngọt gồm đậu đỏ, lạc, vừng... Bánh "thang viên" hay bánh "nguyên tiêu" được thực hiện khác nhau với những biến tấu linh hoạt ở từng vùng miền, bánh có thể luộc, rán, hấp...

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa... - 3

Người Trung Quốc còn quan niệm rằng chiếc bát tròn, hay chiếc đĩa tròn, đựng những viên bánh tròn tượng trưng cho sự gắn bó của tình thân trong gia đình (Ảnh: iStock).

Nhưng nhìn chung, bánh luôn có hình tròn với ý nghĩa là mọi sự sẽ "tròn trịa, viên mãn", bánh có vị ngọt với mong ước về những điều ngọt ngào sẽ tới trong năm mới. Đó là hai điểm chung của món bánh này tại Trung Quốc.

Người Trung Quốc còn quan niệm rằng chiếc bát tròn, hay chiếc đĩa tròn, đựng những viên bánh tròn tượng trưng cho sự gắn bó của tình thân trong gia đình. Cả nhà cùng ăn bánh "thang viên" hay bánh "nguyên tiêu" vào dịp Rằm tháng Giêng sẽ giúp gia đình cả năm hòa hợp, hạnh phúc và may mắn.

Tại Hàn Quốc, lễ Rằm tháng Giêng âm lịch được gọi là lễ "Daeboreum" với ý nghĩa nhấn mạnh rằng đây là dịp trăng tròn đầu tiên trong năm mới. Dịp lễ này vốn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tại Hàn Quốc từ xưa kia, gắn với nhiều phong tục truyền thống.

Vào dịp lễ này, người Hàn Quốc xưa thường hay rủ nhau leo núi, vượt qua cái lạnh của thời tiết đầu năm để được ngắm vầng trăng tròn trong năm mới. Vào ngày này, người Hàn Quốc xưa thường ăn các loại hạt có vỏ, họ dùng răng cắn vỡ vỏ, với niềm tin rằng hành động này là một điềm lành báo hiệu sức khỏe tốt trong năm mới.

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa... - 4

Vào dịp lễ "Daeboreum", người Hàn Quốc thường ăn cơm ngũ cốc hay cơm thuốc (Ảnh: iStock).

Vào dịp lễ "Daeboreum", người Hàn Quốc thường ăn cơm ngũ cốc hay cơm thuốc. Xưa kia, bữa tối ngày 14 âm lịch và bữa sáng ngày 15 âm lịch thường được người Hàn Quốc chuẩn bị sớm hơn thường lệ, người ta sẽ ăn thật no bụng, với niềm tin rằng làm vậy, cả năm sẽ sung túc, no đủ, làm mọi việc xong xuôi sớm sủa.  

Dịp này, người Hàn Quốc xưa cũng có tục lệ mời hàng xóm sang dùng cơm chiều với nhà mình, nhưng nội bộ gia đình sẽ ăn cơm sớm từ trước, rồi khi khách sang lại dùng thêm bữa nữa để đảm bảo gia đình trong năm mới có của ăn, của để, dư dả.

Vào buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng, trẻ nhỏ tại Hàn Quốc khi xưa còn thường đi xin gạo từ các gia đình hàng xóm, tục lệ này được thực hiện với niềm tin rằng đứa trẻ sẽ nhận được nhiều may mắn, sẽ khỏe mạnh trong suốt cả năm mới.

Ngoài ra, vào dịp lễ "Daeboreum", người Hàn Quốc còn ăn các loại rau trộn với hy vọng rằng họ sẽ có đủ sức lực để đương đầu với cái nóng của mùa hè năm đó.

Tại Nhật Bản, dịp Rằm tháng Giêng hay lễ "Koshōgatsu" được người Nhật coi là "cái Tết nhỏ" trước khi chính thức khép lại một mùa Tết. Vào dịp này, người Nhật xưa thường dành để khấn nguyện những điều may mắn, tốt lành trước khi chính thức bắt tay vào công việc trong năm mới.

Còn ngày hôm nay để khép lại một mùa Tết thực sự ý nghĩa... - 5

Người Nhật xưa hay ăn cháo đậu đỏ vào buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng (Ảnh: iStock).

Người Nhật xưa hay ăn cháo đậu đỏ vào buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng, họ thực hiện một số nghi thức cúng lễ theo phong tục truyền thống. Sau đó, những trang trí, sắp đặt dành cho việc chào đón năm mới sẽ được gỡ xuống, sắp xếp lại, mọi thứ sẽ thực sự trở về với nhịp sống đời thường, công việc làm ăn chính thức bắt đầu.

Theo Smithsonian Mag