Việt Nam thân thương:

Con đường không tên

(Dân trí) - Con đường trở nên quen thuộc đến nỗi tôi thuộc từng hòn đá, từng chỗ lồi lõm. Bây giờ có nhắm mắt lại, tôi cũng có thể hình dung vị trí của những hòn đá nhỏ nằm chỏng chơ, những ổ gà, ổ voi chúng tôi thường lao xe đạp qua tìm cảm giác mạnh.

Con đường không tên


Nó cũng có một cái tên nhưng đấy không phải là cái tên của nó. Người dân quê tôi vẫn gọi nó là "Đường đi chợ", chỉ là để phân biệt nó với "Đường đồng", "Đường cái", "Đường đầu đình"... Nhưng "Đường đi chợ" cũng có những hai con đường: Một đi chợ Sàng và một đi chợ Quế.

Nó là con đường đi chợ Quế, nơi tôi vẫn thường đi học qua, bởi đó là con đường ngắn nhất để đến trường. Mỗi người gọi nó với những cái tên khác nhau để nhớ về kỷ niệm của mình. Tôi cũng thế, tôi gọi nó là Nhật Lộ, nghĩa là con đường hàng ngày tôi đi qua.

Con đường này nhỏ lắm. Nó nằm trơ trụi nơi cánh đồng, nối liền thôn tôi và thôn Quế Lâm, trông xa như một sợi chỉ màu vàng nhạt vắt trên một tấm thảm xanh nhưng nhức của lúa đang thì con gái. Mặt đường nhỏ nên hai xe đạp đi ngược chiều nhau, tránh nhau rất khó.

Điều đó đối với lũ trẻ con choai choai như chúng tôi thì lại là điều thích thú vì khi tránh nhau, chúng tôi vẫn có thể phóng nhanh, thậm chí còn biểu diễn những cú đánh võng ngoạn mục làm thót tim bao người đang làm đồng cạnh đó.

Ngày còn học cấp một, cấp hai, tôi chỉ đi qua con Nhật Lộ này ở mỗi chỗ đầu dốc. Nhưng cái đầu dốc ấy cũng đã nhen kín tuổi thơ tôi bằng những kỷ niệm khó quên. Năm mới vào học lớp Một, lớp Hai, tôi cùng lũ bạn đến trường phải đi chân trần, mặc quần đùi, lếch thếch xách theo cái túi xách may bằng vải xanh nhỏ xíu.

Con đường không tên


Trời mưa, mỗi đứa được bố mẹ trang bị thêm cho một chiếc gậy tre để chống cho khỏi ngã. Vậy mà qua cái đầu dốc này, chúng tôi chẳng ai đi nổi xuống dốc nếu không bò hoặc ngồi xổm lê la dần xuống. Rồi cũng rút được kinh nghiệm, mỗi đứa tự quấn quanh mình một chiếc áo mưa rồi cứ lao xuống dốc.

Ngã oành oạch nhưng không bẩn quần áo, chỉ cần lấy nước gột qua ngoài áo mưa là vẫn đến lớp được. Những ngày mưa, có khi mẹ tôi phải nhờ hai anh cùng xóm đang học lớp 7 dắt đi. Qua đầu dốc, tôi thường bám chặt tay hai anh ấy để đu người lên khiến cho hai anh ngã dúi dụi vào nhau, rồi cứ thế đứng cười như nắc nẻ.

Ngày mùa, con đường lại oằn lưng cõng những xe lúa thồ nặng trĩu và há những cái miệng dài dài, nứt nẻ đòi mưa giữa cơn khát cháy cổ trong cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè. Mẹ đội nắng tháng Năm lấp loáng trên vành nón, gánh lúa kẽo kẹt trên vai áo bạc phếch, cũ sờn, mồ hôi mẹ rơi xuống mặt đường làm cho con đường giật mình lau vội những giọt nước mắt tròn vo còn in dấu trên mặt đất.

Mẹ kể cho tôi nghe ngày đánh Mỹ, làng tôi vui lắm vì có rất đông người nơi khác về sơ tán. Phía đông nam không xa là thị xã Phủ Lý liên tục bị dội bom. Rất nhiều ụ pháo đã hiên ngang bắn trả quân thù. Dân quân làng tôi đã bắt được hai phi công Mỹ nhảy dù trên con Nhật Lộ này nhưng chưa vội giải ra huyện, mà dẫn về làng cho mọi người xem thằng giặc Mỹ mặt mũi, hình dáng như thế nào.

Con Nhật Lộ ngày ấy bé hơn bây giờ, còn hai thằng giặc Mỹ thì to lớn kềnh càng nên khi bị giải đi hàng ngang trên con đường này, chúng chạm cả vai vào nhau và phải nghiêng nghiêng người thì mới bước đi được. Điều đó làm cho tôi cười nghiêng ngả cả trong những giấc mơ.

Con đường không tên


Lớn lên, ra học cấp ba trường huyện, con đường trở nên quen thuộc và gắn bó đến nỗi tôi đã thuộc từng hòn đá, từng chỗ lồi chỗ lõm của mặt đường. Bây giờ có nhắm mắt lại, tôi cũng có thể hình dung rất rõ ràng vị trí của những hòn đá nhỏ nằm chỏng chơ, của những cái ổ gà, ổ voi mà chúng tôi thường lao xe đạp qua để tìm cảm giác mạnh.

Mặt đường chỉ thay đổi sau khoảng thời gian của nắng và mưa, còn hai bên vệ đường thì thay đổi theo ba tháng mùa hè. Sau mỗi dịp hè, đầu năm học mới đi qua con đường này, tôi thường có cảm giác lạ lẫm, bâng khuâng khó tả.

Những khóm muồng mọc xanh um, len kín vào nhau. Những bụi chuối cũng to hơn vì mọc thêm nhiều cây mới. Những thân cây phi lao, bạch đàn, xà cừ thì dường như trẻ lại với màu xanh mướt và những tiếng hát vi vu trong gió.

Tôi và Tĩnh thường dừng lại dưới những tán cây xà cừ râm mát để nghỉ ngơi, hóng gió và để thưởng thức những que kem mát lạnh giữa cơn đói cồn cào sau tiết học thứ 5.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất với con đường này vẫn là những ngày mưa, đường đất trơn lầy lội. Chúng tôi đi học sớm hơn thường lệ đến nửa giờ mà vẫn bị muộn học bởi sau khi đi qua con đường này, chúng tôi phải mất thời gian khá lâu cho việc gạt những cuộn đất bám chặt, đóng kín ở các bánh xe và rửa qua xe cho đỡ bẩn.

Con đường không tên


Phải gột cả quần nữa vì bùn đất dính bê bết. Những lúc ấy, chỉ cần lê được đôi dép khi đi bộ đã là một kỳ công chứ nói gì đến đi xe đạp và dắt xe. Chúng tôi bảo nhau: "Giá như có một người ngoại quốc, hay một người ở thành phố mà nhìn thấy cảnh này, chắc họ phải nể phục chúng tôi sát đất".

Ngày mới vào lớp Mười, phải dắt xe đạp, nhìn những anh học lớp mười hai phóng xe qua mắt chúng tôi như biểu diễn xiếc mà đứa nào cũng mắt chữ O, mồm chữ A. Nhiều lần chúng tôi cũng tập đi nhưng bị ngã xuống ruộng, bèo hoa dâu bám đầy quần như những bông hoa xanh lốm đốm.

Rồi cũng đến lúc chúng tôi đi được xe đạp trên con đường trơn trượt này. Đó cũng là lúc chúng tôi bước sang lớp 11 và dù nhiều chỗ vẫn phải chống chân nhưng chúng tôi dám tự hào nói rằng: ngay cả diễn viên xiếc đi xe đạp trên dây có về đây đi xe thi với chúng tôi cũng phải thua dài.

Con đường nhỏ nên cũng vắng người qua lại. Ngoài ngày mùa ra, chỉ có những người đi chợ và thi thoảng mới có người nơi khác đi qua. Có lẽ vì thế mà chúng tôi coi nó như một người bạn gần gũi và thân thiết nhất, bởi ngoài việc đi học qua đây thường xuyên, những ngày nghỉ, chúng tôi vẫn thả trâu, bò ở đây và lê la ngồi nhổ rau má ven đường.

Khi ra trường, thường xuyên vắng nhà vì phải đi học ở xa, thỉnh thoảng tôi lại nhớ con Nhật Lộ đến nôn nao cùng với sự nuối tiếc vu vơ. Con đường đã mang cả những ký ức tuổi thơ tôi với bao buồn vui của những ngày đến lớp ngược về miền quá khứ.

Con đường không tên


Bây giờ, con đường đã vắng dấu chân tôi qua lại. Nó cũng không còn ai gọi tên với sự trìu mến, yêu thương là Nhật Lộ nữa. Nó sẽ có những cái tên mới của những người bạn mới. Nhưng trong tôi, con đường vẫn là Nhật Lộ, một Nhật Lộ của riêng tôi, một Nhật Lộ của những kỷ niệm học trò đáng nhớ.

Nó không có tên đối với người dân quê bởi nó quá lặng thầm và thường mang một vẻ buồn đìu hiu, cô quạnh. Nhưng bây giờ, nó vừa được rải thêm một lớp đá răm, nó sẽ luôn cười vui lạo xạo dưới bước chân những người qua lại.

Nghe đâu, nó đang chuẩn bị được mở rộng, được nâng cấp và đổ nhựa để trở thành đường giao thông liên xã. Khi ấy, nó sẽ vui hơn, sẽ bận rộn hơn bởi sẽ có rất đông người qua lại. Nhưng hơn ai hết, tôi biết rằng nó sẽ rất nhớ tôi cũng như rất thích cái tên mà tôi đã từng đặt cho nó.

Hoàng Trọng Muôn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm