1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Việt Nam thân thương:

Cơm cháo phở

(Dân trí) - Cơm phở cháo, ba dạng hóa thân của hạt gạo, ba thức nấu, ba kiểu ăn. Cơm ăn hàng ngày, phở ăn từng bữa, cháo ăn đôi khi. Phân ra là ba, nhập lại là một. Ba cách chế biến, ba thói thưởng thức. Nhưng người ăn lại là một. Là mình, là ta.

(Ảnh: gaosach.com)


(Ảnh: gaosach.com)

Ta ăn cơm hàng ngày. Hẳn rồi. Nhưng trong nhân loại không phải tộc người nào cũng ăn cơm. Hình như chỉ các cư dân trồng lúa (lúa khô hoặc lúa nước) thì mới lấy cơm làm thứ lương thực chính của mình hàng ngày, và hàng đời. Hạt cơm là khâu cuối cùng, là điểm kết của hành trình từ hạt thóc ra cây mạ thành cây lúa lại về hạt thóc ra thành hạt gạo để rồi là thành hạt cơm.

Bao nhiêu là vất vả khó nhọc của người nông dân. Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Chu kỳ mùa màng làm nên nhịp sống của một xã hội nông nghiệp, làm nên những phong tục tập quán xoay quanh hạt thóc hạt gạo hạt cơm. Bát cơm quả cà là mức sống của một thời nghèo khó, đạm bạc. Chỉ một chuyện “ăn” thôi mà đã bao kinh nghiệm đúc rút truyền đời. Ăn cơm mới nói chuyện cũ là “ôn cố nhi tri tân”. Ăn chưa nên đọi nói không nên lời là chỉ sự non dại. Ăn trông nồi ngồi trông hướng là dạy cách phép tắc lễ nghi, cách sống. Ăn kỹ no lâu cày sâu tốt lúa là kỹ thuật ăn uống. Ăn vóc học hay là có ăn thì có lớn, có học thì có khôn. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng là chỉ người mải việc chung quên việc riêng. Dân Việt ta khi lọt lòng là được bú sữa mẹ, lớn lên chút nữa thì được mẹ mớm cơm cho ăn. Bú mớm vì thế là chỉ công lao sinh thành nuôi dưỡng của mẹ cho ta từ khi lọt lòng. Mớm là mẹ nhai cơm trong miệng cho nát ra nhão ra rồi từ miệng mẹ truyền sang miệng con. Con tập ăn miếng cơm đầu đời là từ miệng mẹ mớm cho như thế. Nhưng khi mẹ về già đau yếu có khi ta không có mặt bên giường mẹ dâng cho mẹ bát cháo đỡ sức cầm hơi. Những cao lương mỹ vị ở các nhà hàng tửu điếm sang trọng nhiều khi đã khiến ta quên công bú mớm của mẹ cho ta. Cơm rơi cơm vãi cho những kiếp người cần lao khổ nhọc. Cho tận đến khi nhắm mắt xuôi tay theo ta xuống huyệt mộ vẫn là bát cơm quả trứng. Và người sống tưởng nhớ người chết vẫn ba ngày đặt cơm cúng lên bàn thờ. Cơm ta ăn hàng ngày. Cơm nuôi sống ta thành người. Và cơm cho ta cuộc đời.

Nấu cơm tưởng dễ mà khó. Dễ vì như ai cũng nấu được. Khó, vì như muôn việc ở đời, nấu được nồi cơm ngon lại phải có con mắt khéo và bàn tay khéo. Con mắt biết chọn gạo. Bàn tay biết vo gạo, đổ nước và để lửa. Nếu không, tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần lửa rơm. Nếu không, trên sống dưới khê tứ bề nhão nát. Nồi cơm chín tới bưng ra hơi bốc ngào ngạt réo gọi vô cùng. Chín tới, cơm chín tới, quả chín tới, người chín tới, đó là sự viên mãn sắp sửa, tròn đầy sắp sửa. Cơm trắng cá kho, một bữa ăn giản dị nhưng là một mơ ước ngàn đời, hơn thế, một khát khao. Có cá đổ vạ cho cơm. Bên nồi cơm quây quần cha mẹ con cái vợ chồng anh em bạn hữu. Ăn đi con, nào mau cho mẹ xới. Ăn đi mình, đưa bát đây em xới, gạo mới, cơm mới, mình cố ăn thêm bát nữa cho ngon. Mình đừng trách em nữa, em biết rồi mà, cơm sôi bớt lửa...

Cơm sôi bớt lửa, bình dị và thâm thuý biết bao cái kinh nghiệm sống đời sống vợ chồng của người dân Việt bao đời nay. Sống với nhau bên nhau trọn đời nhưng cuộc sống thường ngày sao tránh khỏi những lúc xô xát, bất hòa. Bát đũa để chạn lâu ngày còn xô nhau nữa là. Khi đó, khi mà dễ là cả giận mất khôn, nói năng với nhau dễ mất mặn mất nhạt, khi mà tức khí lên dễ tính chuyện lành làm gáo vỡ làm môi, khi đó cả hai bên đều phải tìm cách dịu lại để làm lành và hòa hợp lại nhau. Người Tây trong trường hợp này sẽ nói: không nên đổ dầu vào lửa. Người Việt mình thì ví cái sự căng thẳng vợ chồng đó như là nồi cơm sôi, mà ai nấu cơm cũng biết là cơm sôi phải bớt lửa để khỏi trào hết nước làm cơm sống. Cơm sôi bớt lửa, nào mình dịu lại đi, mình nguôi đi nào, em nguôi em dịu rồi đây, chuyện có gì đâu, chẳng qua là mình chưa hiểu, mà cũng tại em chưa làm cho mình hiểu. Cách nói của người Tây như là đứng từ phía khách quan, bên ngoài. Cách nói của người Việt là từ bên trong, chủ quan. Lửa dịu rồi, cơm chín rồi, thức ăn dầu chẳng có gì, râu tôm nấu với ruột bầu, nhưng hòa khí đã trở lại trong nhà, mình nhìn ta ta nhìn mình, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Cái sự vợ chồng ngày nay rắc rối phức tạp hơn lên liên quan đến một chuyện cũ xưa muôn đời nhưng bây giờ được gọi bằng một hình ảnh bình dân thân thuộc: chuyện cơm phở, tức chuyện ngoại tình. Câu truyền ngôn: sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, tối cơm về nhà cơm phở về nhà phở, ăn cơm mà nhớ phở, là của thời hiện đại, thời mở cửa, thời kinh tế thị trường. Ở đây cơm là vợ, phở là bồ, là tình nhân. Nói về mặt hình ảnh ví von thì ai nghĩ ra đầu tiên cơm phở thế này thật hay thật đúng và thật là Việt Nam. Cơm ăn hàng ngày, ăn cả đời, là thứ lương thực để nuôi sống. Không ai thương bằng cơm thương. Phở là thức hàng quà, thứ ăn chơi, ăn đổi món, ăn lạ miệng. Đời sống vợ chồng thời nay tưởng phong phú, sinh động nhưng ngẫm ra lại cũng dễ đơn điệu, nhàm chán, khi mà nhịp sống đô thị hiện đại vừa đa dạng nhưng cũng lại vừa khuôn sáo. Không biết thích nghi và tự điều chỉnh, như bữa cơm hàng ngày vẫn phải bảo đảm lượng chất dinh dưỡng nhưng cũng phải đẹp và ngon, quan hệ vợ chồng có cơ sứt mẻ, chồng ăn chả bà ăn nem. Đổi món trong bữa ăn thì để ăn được ngon miệng hơn. Trong tình yêu và hạnh phúc gia đình thì nên chăng đổi vị, vẫn món đó thôi nên biết cách làm cho nó mới hơn lên, ngon hơn lên. Em đẹp dần lên trong mắt anh. Vì em đã làm anh mất ăn mất ngủ quyết tâm theo đuổi để được kết duyên chồng vợ. Thuở yêu nhau, cơm ăn mỗi bữa một lưng, nước uống cầm chừng để dạ thương em. Tình yêu như hạt thóc, hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm vậy thôi.

Đến Thị Nở còn được nấu và nấu được cho Chí Phéo bát cháo hành. Cái bát cháo hành của tình thương, của tình yêu, của hai con người khốn khổ và bất hạnh nhất làng Vũ Đại. Hạt gạo đã nhuyễn nhừ thành cháo. Nấu cơm đã khó. Nấu cháo còn khó hơn, vất vả hơn. Vì cháo là để cho người ốm người đau. Vì cháo là bày tỏ một tình thương, một sự chăm sóc. Vì cháo là của một tấm lòng đem đến một tấm lòng. Nấu cơm thành cháo là hỏng. Nhưng biết nấu cháo cho người ăn khỏe lại để lại được ăn cơm và ăn được cơm là cả một thành công và tình cảm. Hơi cháo hành của Thị Nở đã làm Chí Phèo thấy ra mình vốn là một con người và muốn được làm người trở lại. Ăn xong bát cháo của thị, y phục hồi được trí nhớ, và ký ức trỗi dậy trong đầu y đã cho y khát vọng làm người lương thiện. Bát cháo của Thị Nở ở đây thật đã nên cơm nên cháo, thức tỉnh và cứu vớt được một con người. Bát cơm Xiếu mẫu khi xưa cho Hàn Tín thuở cơ hàn thường được hay nhắc nhở. Bát cháo Thị Nở trong văn chương Việt cũng là một điển tích để đời, một tấm lòng nhân văn của nhà văn, một tình cảm xót thương con người. Ai những khi ốm đau trong đời không mong được một bát cháo ấy? Và ai biết nấu được bát cháo ấy trong cảnh ngộ khốn cùng, tuyệt vọng?

Cơm phở cháo, ba dạng hóa thân của hạt gạo, ba thức nấu, ba kiểu ăn. Cơm ăn hàng ngày, phở ăn từng bữa, cháo ăn đôi khi. Phân ra là ba, nhập lại là một. Ba cách chế biến, ba thói thưởng thức. Nhưng người ăn lại là một. Là mình, là ta. Là ta mình. Là mình ta. Cơm ở nhà hay cơm văn phòng. Phở hàng quà hay phở hàng ăn. Cháo trắng hay cháo thịt. Một hạt gạo đó thôi mà bao mùi vị nỗi niềm. Một hạt gạo vậy thôi mà nhiều cay đắng ngọt bùi.

Tôi ăn cơm.

Anh ăn cơm.

Họ ăn cơm.

Chúng ta ăn cơm.

Cơm Việt, nhiều lắm nhé, cơm Việt, nào mời ta mời nhau bát cơm mới, cơm chín tới, cơm ngày xuân mới tết mới cảnh vật mới tâm tình mới. Ô hay, cơm thôi mà sao đã say, hạt gạo đã hóa men say tận lòng.

 
Phạm Xuân Nguyên