Có nên bỏ chữ “Xin”?

(Dân trí) - Chữ “Xin” có tự bao giờ?

Ngàn năm trước đã thấy từ “Ăn xin”

Thế rồi giấy trắng mực đen

Muốn cho được việc từ “Xin” vung hoài

Buồn thay nhân cách con người.

Thói quen ức hiếp bắt người ta xin.

Người xin cũng chẳng thấy phiền,

Sao mình dễ dãi mất quyền công dân,

Thôi thì dân đỏ, dân đen,

Nhún mình một tí đỡ phiền các quan.

Nào ngờ dung túng quan tham,

Để rồi hệ lụy muôn vàn nỗi đau…

Thơ thẩn năm ba câu cho nhẹ lòng, đỡ bực mình thôi, chứ thực ra đây là một sự chấp nhận của những kẻ hèn trong đó có tôi, không biết bao nhiêu thứ đơn, từ khi biết chữ quốc ngữ đến bây giờ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ví như: Đơn xin cấp giấy Khai sinh, giấy Giá thú, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, giấy chứng tử, cho đến các giấy cấp phép thành lập công ty, giấy vay tiền ngân hàng có thế chấp…Đều trong nguyên tắc quy định chứ có phải bổng lộc cá nhân ai tự cho mà cứ phải dung chữ “Xin”.

Một tập tục xa xưa cứ nghĩ đơn giản chữ “Xin” chỉ là ứng xử lịch thiệp tối thiểu, để việc mình cần được giải quyết nhanh chóng.

Nào ngờ!Vô hình chung tạo thành thói hư quan cách cửa quyền cho mấy công chức không to, lại cứ nghĩ mình to, nhiều khi chỉ là thực thi công vụ hành chính, chứ có cho ai được cái mà cũng tinh vi? Ngoài việc phải có chữ “Xin” đôi khi còn kèm theo tí vật chất lót tay mới xong.

Năm ngoái con tôi đến ủy ban nhân dân phường để lấy dấu chữ ký vào giấy khai sinh cho cháu bé, cháu nó có bố, có mẹ đàng hoàng, chào đời bằng ba tiếng khóc hẳn hoi, chứng minh nó hiện hữu là một công dân nhỏ bé của đất nước này. Mà kể cả nếu có là con rơi, con vãi (nói theo lối dân dã) cháu nó có tội gì mà các cô, các chú đại diện chính quyền không xác nhận ngày cháu ra đời, chưa biết chừng lớn lên nó trở thành vĩ nhân, có tiếng tăm hoặc có quyền lực mới xác nhận hay sao?

Tại sao cứ phải làm đơn đề rằng: “Đơn xin cấp giấy Khai sinh”, chữ “Xin” có cần thiết không? Đúng là bố mẹ cháu phải khai thay vì nó chưa biết chữ, vả lại bố mẹ cháu cần lo tương lai con mình phải có khai sinh để sau này làm thủ tục đi học, vào đời, tìm việc làm, xuất ngoại…

Nhưng chính quyền địa phương với vai trò quản lý nhân khẩu, có quyền “Phớt lờ” sự có mặt của cháu trên đời này không? Nói thẳng là không, rõ ràng quan hệ bình đẳng hai bên đều có trách nhiệm thực thi.

Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, đơn từ nào cũng phải có chữ “Xin” đằng sau chữ “Đơn”. Phải chăng chữ “Xin” quá bị lạm dụng.

Nền Độc lập cách đây 70 năm, với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quốc gia ấy đã có bộ luật với những điều luật quy định chặt chẽ và đến nay vẫn tiếp tục sửa đổi để chặt chẽ, hoàn chỉnh và khoa học hơn, phù hợp với thiết chế dân chủ thực sự, để dân dựa vào đó thực thi và biết được quyền lợi, nghĩa vụ của mình đến đâu, như thế nào?

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nên chăng, không việc gì phải xin hoặc chạy chọt vượt ra ngoài quy định của luật pháp, đã là quy định mang tính nguyên tắc hai bên cùng thực thi. Người có đơn chỉ Đề nghị thay vì dùng chữ “Xin”, cùng với người đại diện cơ quan cấp, duyệt đơn đề nghị là hai chủ thể đối tác bình đẳng, như thế mới tạo nên môi trường trong sạch trong quan hệ dân sự chính quyền với nhân dân, chứ không phải quan hệ Xin và Cho, của hai tầng lớp người không bình đẳng.

Lẽ ra chữ “Xin” trong các đơn từ phải được loại bỏ từ lâu, cách ứng xử một bên cầu khẩn, một bên bố thí, cung cách quan hệ lạc hậu, thực dân phong kiến, đẻ ra kẻ hèn yếu nhún mình dẫn đến tiêu cực làm ô nhiễm môi trường văn hóa xã hội. Nếu ta dùng chữ “Đề nghị”, nghe bình đẳng hơn, đồng thời toát lên mong muốn cần thiết và tôn trọng lẫn nhau-Một nền tảng Văn hóa Công sở cần duy trì và phát huy.

Nếu ta dùng chữ “Đề nghị” sau chữ “Đơn", dài hơn chữ “Xin” có một từ thôi, nhưng nó nâng chủ thể xã hội là Nhân dân lên đúng tầm vị thế của một xã hội Dân chủ, Công bằng và Văn minh.

Bỏ chữ “Xin” là từ bỏ thói quen thâm căn cố đế không phải chuyện dễ, nhưng bỏ được là đoạn tuyệt một chế độ mà ở đó người nghèo càng nghèo hèn và nô lệ, người khá giả tham lam càng dễ bề thao túng quyền được “Cho” như ban phát ơn huệ, khác gì quay về 70 năm trước, ngày cả dân tộc đứng lên giành lại kiếp người.

Giờ đây những từ “Rắc thính” “Bôi trơn” “Lót tay” “Đấm miệng” là hành vi xin xỏ này nọ được trôi chảy, đang tạo cơ hội cho một số không ít người “Đục nước béo cò” ăn hối lộ ngày càng tinh vi.

Nếu bỏ chữ “Xin” sau chữ “Đơn”chắc chắn sẽ góp ích rất nhiều cho cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng đang gây thất thoát công quỹ, tài sản của nhân dân nhiều vô kể. Chia sẻ với tư cách một công dân, mong mọi người quan tâm hưởng ứng.

NSƯT Đức Trung