Bình Định:
Có một “trung tâm” sản xuất gốm Champa quy mô lớn ở Bình Định
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học của Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phát hiện khảo cổ mới ở phế tích Chà Rây và trung tâm gốm Champa Gò Cây Me (tỉnh Bình Định).
Chiều 27/6, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Chà Rây và di chỉ Gò Cây Me (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Sau tháp Mẫm, Lai Nghi và núi Cấm, phế tích Chà Rây (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) là phế tích Champa thứ 4 ở Bình Định được khai quật.
Theo đó, lần khai quật đầu tiên này, trong 3 hố thám sát (tổng diện tích 190m2), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết tháp chính (88,4m2); tường gạch cách tháp chính 2m, dài 6,9m, rộng 1,9m, vị trí cao nhất 30cm với 4 lớp gạch và đường gạch từ phía Đông lên tháp chính. Số lượng hiện vật thu được là 10.496 đơn vị, chủ yếu là gạch, ngói.
Theo PGS.TS Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu Kinh thành), phế tích Chà Rây mang phong cách kiến trúc Bình Định, niên đại thế kỷ 12 - 13, tương đương tháp Cánh Tiên, Bánh Ít, tháp Đôi, Dương Long, Thủ Thiệm, Phú Lốc.
Đây cũng là phế tích có mặt bằng đầy đủ nhất, không chỉ cung cấp nhiều tư liệu về quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng, phong cách kiến trúc, nghệ thuật mà còn giúp định hướng cho việc khai quật tiếp theo.
“Hiện vật tuy đơn điệu nhưng với 17 loại gạch khác nhau về độ nung, hình dáng, kích thước. Điều này cho thấy, phế tích Chà Rây là sản phẩm được thiết kế cẩn thận, tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết”, ông Tới cho hay.
Cũng trên địa bàn thị xã An Nhơn, đợt khai quật lần thứ 2 di chỉ sản xuất gốm Champa Gò Cây Me (Nhơn Mỹ, An Nhơn, khai quật lần đầu năm 2017) đã thu được 23.531 di vật, gồm 23.503 di vật gốm Việt; đặc biệt có 28 di vật gốm Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu nhận định, đồ gốm Gò Cây Me, niên đại cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 15, cho phép hình dung nơi đây từng là trung tâm sản xuất gốm Champa quy mô lớn, tính chất và chức năng đa dạng.
“Ngoài những dòng gốm cao cấp, ở Gò Cây Me còn có dòng gốm sành bình dân. Điều đó cho thấy ở đây đã hình thành những khu vực sản xuất chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát hiện khảo cổ Gò Cây Me giúp bổ sung hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị cũng như quan hệ bang giao của đất nước Champa trong lịch sử”, PGS Lại Văn Tới nhận định.
Doãn Công