Cơ hội thường thức hội họa cho người khiếm thị với công nghệ tranh 3D
(Dân trí) - Đã nhiều thế kỉ trôi qua nhưng những người khiếm thị vẫn chưa thể được cảm nhận được sự tuyệt vời của nghệ thuật. Tuy nhiên, giờ đây điều đó đã không còn là một thứ xa xỉ đối với họ nhờ sự xuất hiện của tranh 3D.
Xã hội ngày càng phát triển, sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng dành cho người khuyết tật cũng từ đó được nâng cao thông qua những phát minh giúp cho cuộc sống của họ dần cải thiện. Và một dự án gần đây đã hiện thực hóa giấc mơ "chiêm ngưỡng" các tác phẩm nghệ thuật của người khiếm thị.
Dự án này có tên là Unseen Art với trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) và được điều hành bởi nhà thiết kế Marc Dillon. Được biết, Unseen Art đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo cơ hội cho những người mất thị giác yêu nghệ thuật được khám phá và thưởng thức các bức tranh cổ điển nổi tiếng thế giới.
Được biết, quy trình tạo ra một bức tranh 3D cũng không phải là một công việc dễ dàng. Người họa sĩ sẽ bắt đầu bằng việc quét các chi tiết của bức hình, tiếp theo, họ sẽ sử dụng phần mềm vẽ 3D để tạo ra một mô hình mô phỏng lại hình ảnh như trong bản gốc. Kế đó, các nghệ sĩ sẽ dùng cát hoặc thạch cao để "tái tạo" các tác phẩm nghệ thuật này với kích cỡ và chất lượng giống với bản gốc nhất.
Mặc dù cách tiếp cận của Unseen Art khá mới lạ nhưng họ không phải là những người tiên phong về ý tưởng tranh 3D. Bởi lẽ, trước đây phương thức này đã được dùng để biến các bức ảnh thành những “Hồi ức chạm được” , thậm chí, nó còn hỗ trợ cho các bà bầu khiếm thị có thể cảm nhận được đứa con của mình trước khi sinh.
Được biết, hiện nay, Unseen Art đang thực hiện một chiến dịch gây quỹ mang tên IndieGoGo, với hy vọng sẽ tạo ra một trang web, nơi các nghệ sĩ có thể tự do chia sẻ những bức tranh của mình. Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc đưa người khiếm thị đến gần hơn với nghệ thuật thế giới.
Phương Anh
Theo BI