Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”?

(Dân trí) - Để thuyết phục được thầy Park nhận trả lời phỏng vấn riêng ngoài lề sân cỏ là rất khó, đơn giản bởi thầy có một quan niệm riêng rằng: “Trong đời sống, người ta chưa thể gọi là trưởng thành nếu chưa bước qua tuổi 60”, và thầy Park mới… 59 tuổi.

Có gì trong "Park Hang Seo - Người truyền lửa"?


Để thuyết phục được thầy Park nhận trả lời phỏng vấn riêng ngoài lề sân cỏ là rất khó, đơn giản bởi thầy có một quan niệm riêng rằng: "Trong đời sống, người ta chưa thể gọi là trưởng thành nếu chưa bước qua tuổi 60", và thầy Park mới… 59 tuổi.

Sắp diễn ra trận chung kết lượt về của AFF Cup 2018, biết bao xúc cảm rộn ràng, cùng sự chờ mong đầy háo hức, hồi hộp. Đã ngồi nghe đủ những bài hát nổi tiếng của lịch sử bóng đá, thấy vẫn chưa đủ, vẫn thiếu thiếu, nhàn nhạt… Và rồi rất may, kịp nghe về bộ phim tài liệu vừa ra rạp: "Park Hang Seo: Người truyền lửa".

Một bộ phim tài liệu không được quảng cáo "rộn ràng", dù ra mắt ở một thời điểm khá "đẹp". Nhất định phải đi xem ngay! Chỉ có một xuất chiếu duy nhất trong ngày ở rạp gần nhà vào khung giờ trưa. Cũng phải, nghe đến phim tài liệu, thường người ta cũng… ngại xem. Mà xem phim tài liệu bóng đá, hẳn phải là fan cuồng, fan đích thực, fan trung thành của túc cầu.

Tôi tự nhận luôn, mình là… "fan phong trào". Bước vào phòng chiếu, "choáng", vì thoạt tiên… mình tôi một phòng chiếu. Ngồi một lúc thì có thêm hai cô gái trẻ, ngồi lúc nữa có thêm hai bác phụ nữ luống tuổi.

Ngay trước khi phim bắt đầu chiếu thì có thêm nhóm bạn trẻ ba người. Vậy là cả phòng chiếu 8 người bắt đầu xem phim "Thầy Park".

PARK HANG SEO: NGƯỜI TRUYỀN LỬA (TRAILER)

Phải thành thực ngay rằng tôi vốn không am hiểu bóng đá, cũng không dành nhiều sự quan tâm cho bóng đá, chỉ tới năm nay, tôi mới bắt đầu say mê xem những trận cầu có đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu. Những người phụ nữ xung quanh tôi cũng vậy, sáng đi làm, chị em cơ quan hỏi nhau về bóng đá. Tối về nhà, chị em trong nhà bàn nhau chuyện bên lề sân cỏ.

Dù không phải những bàn luận chuyên nghiệp như anh em, nhưng rõ ràng đó là một thứ xúc cảm hưng phấn lạ thường, như thể người ta cứ gặp nhau là phải nói về Tết những ngày cuối năm. Thật lạ kỳ. Đó dường như không phải đơn thuần câu chuyện về trái bóng, về trận cầu, mà là một tinh thần, xúc cảm, nguồn sinh khí mới bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống thường nhật.

Bất ngờ với chính mình, tôi ra rạp xem phim ngay, mong có thể lý giải bản thân và những người xung quanh mình về sự hưng phấn lạ thường này. Với bộ phim, tôi đã bắt gặp một phần triết lý bóng đá của thầy Park, bắt gặp những bài học cuộc sống được thầy diễn đạt dung dị, có thể đem áp dụng từ sân bóng ra tới cuộc đời.


"Người chiến thắng là người tin vào chính mình"


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - Ảnh 2.

Đầu phim, nhà sản xuất đã "kể khổ" rằng, để thuyết phục được thầy Park nhận trả lời phỏng vấn sâu ngoài lề sân cỏ là rất khó, đơn giản bởi thầy có một quan niệm riêng rằng: "Trong đời sống, người ta chưa thể gọi là trưởng thành nếu chưa bước qua tuổi 60. Tôi cũng chỉ sắp bước sang tuổi 60 thôi…".

Khi mới đặt chân tới Việt Nam đảm nhận cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, thầy Park thậm chí cảm nhận rõ rằng: "Mọi người không thích tôi, họ không biết có thể mong đợi gì ở tôi…".

Thầy liền tự xác định cho mình những mục tiêu, đó là hiểu được cầu thủ, hiểu được lối chơi của họ, làm tâm lý tốt cho cầu thủ, giúp họ chuẩn bị thể lực tốt.

Một điều rất "quen tai" mà ngay cả dân "ngoại đạo" cũng thường được nghe khi giới chuyên môn bình luận về các cầu thủ Việt Nam, đó là cầu thủ của ta "không có thể lực tốt". Thầy Park bật cười nhớ lại rằng ông đã nghe thấy điều này từ "đời tám hoánh" và tới giờ, người ta vẫn nói lại với ông điều đó, như thể đó là rào cản lớn nhất của cầu thủ Việt. Vậy thì phải thay đổi…

Khi muốn thay đổi, quan trọng nhất là ở thói quen và suy nghĩ. Thói quen là những gì rất thực tế hàng ngày. Đó có thể chỉ là những thói quen nhỏ, thầy giúp các cầu thủ Việt Nam tập thói quen ăn uống tốt hơn, sử dụng thời gian hợp lý hơn, từ bỏ thói quen xấu. Nhưng chính suy nghĩ, tâm lý mới là yếu tố quyết định…

Khi các cầu thủ nói về thầy Park, họ luôn nhấn mạnh vào khả năng làm tâm lý của thầy. Thể chất có thể được cải thiện bằng phương pháp khoa học, nhưng tâm lý muốn cải thiện cần một bậc thầy tâm lý. Thầy Park luôn dặn các học trò của mình rằng: "Kết quả thế nào tôi chịu, cầu thủ chỉ cần tự tin ra sân và thực hiện hết sức phần nhiệm vụ của mình, hãy chơi bóng tự tin".

Nếu chúng ta nói rằng vóc dáng người Việt Nam nhỏ bé, thi đấu quốc tế nhiều khi gặp bất lợi, thì thầy Park khẳng định rằng "nhỏ con" sẽ di chuyển nhanh, khéo léo và dứt khoát.


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 2
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 3
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 4
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 5
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 6

Thầy Park trong cả bộ phim tài liệu khiến người xem cảm thấy thật gần gũi, đó không phải một vị huấn luyện viên với hàng loạt những chiến lược, chiến thuật cao siêu, hay với hàng loạt những phát ngôn chắc nịch, đanh thép. Không! Trên màn ảnh rộng kia, thầy Park giống như người ông, người cha trong mỗi gia đình, vừa kể chuyện, tâm sự, vừa cười… rất thân tình.

"Tôi tiếp nhận công việc ở Việt Nam và tâm niệm hai điều thôi. Thứ nhất, phải tôn trọng văn hóa Việt Nam, đơn giản thôi, chẳng hạn như phải tôn trọng văn hóa ẩm thực bản địa của các bạn trong lúc giúp các cầu thủ nâng cao thể lực.

"Và sau nữa, chúng ta phải khắc chế tốt nhất những thói quen xấu, những điểm yếu, để điểm mạnh và lợi thế được phát huy cao nhất", thầy Park giải thích giản dị và ngắn gọn về phương pháp làm việc của mình.


"Tại sao phải cúi đầu khi ta đã làm tốt nhất những gì có thể?"


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - Ảnh 4.

Hẳn nhiều người còn nhớ đoạn clip xúc động ghi lại hình ảnh thầy Park sốc tinh thần cho các cầu thủ sau khi kết thúc trận chung kết giải U23 Châu Á giữa Việt Nam và Uzbekistan hồi đầu năm nay.

"Tại sao phải cúi đầu? Không bao giờ được cúi đầu một khi ta đã làm tốt nhất những gì có thể"… Khi những hình ảnh ấy, câu nói ấy xuất hiện trở lại trên màn ảnh rộng, đó là khi tôi và những người xem ít ỏi khác trong rạp bắt đầu nghẹn ngào. Bộ phim tài liệu này quả thực sẽ khiến bạn phải tốn… nhiều đợt nước mắt.

Lúc bật cười vì sự hài hước dí dỏm đáng yêu của thầy Park, lúc bật khóc không thể kiềm chế vì sự vỡ òa của xúc cảm. Những tưởng khoảnh khắc đã qua rồi, đã thấy rồi, rung cảm sẽ bớt đi, nhưng không, mọi điều kỳ diệu mà bóng đá đưa lại trong năm 2018 vẫn còn nguyên vẹn ở đó, trong trái tim người hâm mộ.


"Lịch sử bóng đá chỉ ghi nhớ người chiến thắng. Sự thờ ơ, lạnh nhạt có thể đến rất nhanh"


"Ai chiến thắng mà không hề chiến bại", thầy Park chính là người đã nếm đủ mùi vị của thành bại trong cuộc đời mình: "Vợ tôi hẳn đã có nhiều lúc cảm thấy tội nghiệp cho tôi lắm!". Trong cả bộ phim tài liệu, những khi trầm lắng nhất, là khi thầy Park nhìn lại những nốt trầm trong sự nghiệp của mình; khi ông rơi nước mắt là khi ông nói về người mẹ, người vợ của mình…

Hơn ai hết, ông hiểu rằng lịch sử bóng đá sẽ luôn ghi nhớ về những người giành chiến thắng, về những chiếc cúp vô địch. Sự thờ ơ, lạnh nhạt có thể đến rất nhanh, đến vào bất cứ lúc nào. Sự khắc nghiệt và cay đắng ấy của cuộc chơi túc cầu, ông Park hiểu rõ vì chính ông trong sự nghiệp từ cầu thủ cho tới huấn luyện viên đều đã từng trải qua.

"Nhưng thất bại trong đời là điều nên có trước khi bạn trở thành một huấn luyện viên, bởi người chỉ có chiến thắng sẽ không thể hiểu nội tâm của người đã từng nếm mùi thất bại. Trong các cầu thủ, có những người đã từng nếm trải sự thất bại, huấn luyện viên phải hiểu được họ", đó chính là cách ông Park tiếp cận tâm lý cầu thủ.


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - Ảnh 5.

Trong vai trò huấn luyện viên, ông Park không phải người thầy của những đội mạnh nhất nhưng ông nổi tiếng là người thầy chuyên dẫn dắt các học trò của mình đi lên, trở thành một đội mạnh.

Và thật thú vị khi thông tin được tiết lộ trong phim rằng, thầy Park không phải một người đàn ông của sự mạnh mẽ đanh thép, sự mạnh mẽ cao nhất ở thầy nằm ở chính nguyên tắc chơi bóng mà vị huấn luyện viên này đặt ra.

Thầy có những nguyên tắc rõ ràng mạch lạc để truyền đạt tới các học trò của mình, chẳng hạn, trong một clip ghi hình trong phòng thay đồ trước khi tuyển Việt Nam ra sân thi đấu trong một trận cầu quan trọng, thầy dặn các học trò rất ngắn: "Hãy chơi bóng đơn giản!" .

Quả thực "bóng đá rất đơn giản, nhưng rất khó để có thể chơi bóng một cách đơn giản, đó là cả một nghệ thuật". Chính cựu danh thủ và HLV bóng đá người Hà Lan Johan Cruyff cũng đã từng thốt lên như vậy.

Xuyên suốt cả bộ phim tài liệu, sự xuất hiện của thầy Park luôn rất giản dị, thân tình, đúng như cầu thủ "lão tướng" Anh Đức nhận xét về thầy ngoài đời: "Thầy lãnh đạo đội bóng bằng sự chân tình, gọi thầy cũng đúng, mà coi thầy như bạn cũng đúng".


Người thầy dạy học trò đặt "Chúng ta" lên trên cái "Tôi"


Rất nhiều người am hiểu về bóng đá đã thán phục trước cách thầy Park giúp tuyển quốc gia Việt Nam lột xác, đặc biệt là cách dùng người và lựa chọn cầu thủ của thầy. Thầy Park tiết lộ rằng mọi cầu thủ thầy đều đích thân lựa chọn và chỉ có hai tiêu chí thôi: "Trách nhiệm và cống hiến".

Thầy Park rất quan trọng yếu tố "chúng ta" trong lối chơi. Một cầu thủ phải có trách nhiệm với cuộc chơi của chính mình và phải có sự cống hiến cho đồng đội của mình.

"Một mình ta không làm được kỳ tích, nhưng có đồng đội đồng lòng, mọi chuyện đều có thể. Đừng chỉ chơi vì mỗi mình mình, hãy chơi vì cả đồng đội, vì những người hâm mộ đã ra sân cổ vũ chúng ta", thầy Park dạy học trò như thế.


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - Ảnh 6.

Thầy rất giỏi làm tâm lý, luôn biết cách tiếp sức và gỡ bỏ áp lực tâm lý cho cầu thủ, để họ "dám chơi" dù đối phương là đội mạnh nào. Vậy còn khi cầu thủ phạm sai lầm thì sao?

"Lão tướng" Anh Đức tiết lộ: "Khi một cầu thủ phạm sai lầm, thầy Park có cách ứng xử rất tích cực, thầy giúp cầu thủ vượt qua sai lầm của họ để hướng tới những tình huống tiếp theo, những thử thách tiếp theo, hãy thể hiện mình tốt hơn. Đối với thầy Park, điều đáng trách nhất là khi một cầu thủ chơi buông xuôi".


"Ai không sợ thất bại?!"


Thầy Park đã hỏi ngược lại ê-kíp làm phim như vậy trước câu hỏi về… sự thất bại: "Ai không sợ thất bại?! Nhưng khi chiến thắng và thất bại đều đang còn bỏ ngỏ, bạn suy nghĩ và cảm thấy mình đang lo sợ, vậy thì tốt hơn là hãy bước đi mà không chùn chân vì sợ hãi. Hãy tự tin, nhưng đừng để tự tin thành tự kiêu. Tôi sẽ luôn cố gắng khi đi bên các cầu thủ của mình!".


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 10
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 11
Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - 12

Và giờ, tôi đã hiểu chính mình, hiểu những người xung quanh mình, tại sao chúng ta bỗng "phát cuồng" vì bóng đá đến vậy…

Khi nhìn các cầu thủ của chúng ta chơi trong tuyết trắng, khi thấy họ gặp những đội "cửa trên", khi thấy cầu thủ của ta bị chơi xấu, phải nằm sân, thấy họ đổ mồ hôi, thấy họ rơi nước mắt, thấy họ quật cường đứng lên, chơi cống hiến vì cái Tôi, vì Chúng ta, vì người hâm mộ, vì màu cờ sắc áo…, tất cả chúng ta đã được truyền cảm hứng.

Bóng đá Đông Nam Á vẫn bị xem là vùng trũng, bóng đá Việt Nam đã có lúc "lẹt đẹt", nhưng chúng ta giờ đây đang có những khởi sắc đầy hứa hẹn.

Và người dân xuống đường, "phát cuồng" vì bóng đá, bởi chúng ta đã tìm thấy hình ảnh của chính mình trong hình ảnh đội tuyển, ai ai cũng đều mong muốn trong cuộc sống này, ta có một ngọn lửa rực cháy trong tim, để cố gắng, nỗ lực, phấn đấu, trỗi dậy và khởi sắc.


Có gì trong “Park Hang Seo - Người truyền lửa”? - Ảnh 8.

Thầy Park - "người truyền lửa"! Đây không chỉ là một bộ phim tài liệu thể thao kể về một huấn luyện viên bóng đá, đây còn là câu chuyện cuộc đời có thể truyền lửa, truyền cảm hứng cho bạn, mọi thứ bắt đầu từ một người thầy dung dị: Thầy Park.

Thực hiện:
Bích Ngọc