Cô gái "khoác áo mới" cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai

Hà Hiền

(Dân trí) - Từ những tấm vải lanh nhuộm chàm thô mộc, Lồ Thị Hạnh đã lên ý tưởng tạo ra những sản phẩm thời trang để đến được tay nhiều người hơn, giúp quảng bá văn hóa và tạo sinh kế cho những người phụ nữ.

Lồ Thị Hạnh (sinh năm 1993) hiện đang sinh sống tại xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai là người sáng lập ra thương hiệu Tày Indigo (vải chàm của người Tày), nhằm hỗ trợ người dân địa phương quảng bá văn hóa bản địa thông qua các sản phẩm từ vải lanh nhuộm chàm.

Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 1
Tày Indigo cho ra đời các sản phẩm thời trang được làm thủ công, thân thiện với môi trường.

Cuối năm 2019, trong một lần theo cha trở về quê nội (xã Mường Bo, thị xã Sa Pa), Hạnh bị lôi cuốn bởi khung cảnh các chị, các bà ngồi quay sợi, dệt vải, phơi những tấm vải ánh xanh từ chàm. Cô gái 28 tuổi say mê và muốn làm điều gì đó có ích cho người dân nơi đây.

"Nhìn khung cảnh đó mình cũng chưa hiểu các chị đang làm gì. Sau đó mình nghe và tìm hiểu qua lời kể của mẹ và các cô trong gia đình, được biết những người phụ nữ đó làm vải nhuộm chàm và tạo hoa văn bằng cách khâu chỉ đột buộc sỏi. Với những kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm, mình mong muốn sẽ là cánh tay nối dài để giúp bà con nơi đây tiêu thụ sản phẩm", Lồ Thị Hạnh chia sẻ.

Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 2
Hạnh trở về làng Tày ở xã Mường Bo sinh sống và thành lập thương hiệu Tày Indigo vào đầu năm 2020.
Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 3
Phụ nữ dân tộc Tày khâu chỉ đột, buộc sỏi để tạo hoa văn trên vải lanh.

Hạnh không muốn khách du lịch đến với Sa Pa là nghĩ đến những đồ lưu niệm dệt may sẵn, không có bản sắc, không phải thổ cẩm bản địa mà mong đến một ngày, người ta sẽ đến Sa Pa xem nhuộm chàm, được trải nghiệm nhuộm chàm, hiểu hơn một chút về giá trị của những món đồ thổ cẩm đã được bàn tay khéo léo của phụ nữ nơi đây chăm chút kỹ càng ra sao.

"Nghề nhuộm vải bằng chàm và tạo hoa văn bằng cách khâu chỉ đột buộc sỏi của người dân tộc Tày ở Sa Pa rất kỳ công và đã có từ bao thế hệ nay. Tuy nhiên nó không được nhiều người biết đến và đang có xu hướng mai một dần", Hạnh cho biết.

Ban đầu khi thành lập, Tày Indigo chỉ có 2 thành viên và gặp rất nhiều khó khăn, Hạnh lên ý tưởng thiết kế mẫu mã rồi đưa cho các chị, các mẹ làm, sau đó may thành những chiếc túi xách thời trang, chiếc ví… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Để làm ra một chiếc khăn nhuộm chàm khâu chỉ đột phải trải qua gần 20 công đoạn: Trồng đay, dệt vải, tạo họa tiết, khâu chỉ, nhuộm chàm, phơi khô, tháo chỉ, may thành các sản phẩm…

Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 4
Lanh sau khi đem dệt thành vải, họ sẽ vẽ họa tiết và khâu chỉ đột, buộc sỏi.
Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 5
Vải lanh sau khi tạo họa tiết, nhuộm chàm được phơi khô.

Hạnh yêu thương, trân trọng từng hoa văn, từng đường kim mũi chỉ được tạo ra bởi đôi bàn tay của phụ nữ người Tày trong những món đồ.

"Cái ngày mới lập, mình chưa có được sự tin tưởng từ các chị, các mẹ. Mình dùng phương pháp truyền miệng, làm tốt với 1 người, sau đó họ sẽ truyền đạt cho những người quen khác, dần dần các mẹ tin tưởng và cùng tham gia sản xuất các sản phẩm thủ công nhiều hơn", Hạnh chia sẻ.

Sau hơn một năm thành lập, đến nay Tày Indigo đã có 20 thành viên, ngoài mong muốn giới thiệu nét văn hóa truyền thống của người Tày thì mục đích cuối cùng Hạnh hướng tới là cải thiện sinh kế cho bà con, giúp mọi người có thêm thu nhập. Trung bình mỗi tháng, mỗi chị em phụ nữ có thu nhập ít nhất là 500 000 đồng đến vài triệu đồng từ việc làm các sản phẩm thủ công này.

Cô gái khoác áo mới cho vải chàm của người dân tộc Tày ở Lào Cai - 6
Các sản phẩm này được Hạnh bán chủ yếu trên các trang thương mại điện tử và cho khách du lịch khi đến Sa Pa.

"Mình thầm cảm ơn các bà các mẹ, những người phụ nữ tần tảo, giữ lửa cho nét truyền thống ấy không bị mai một theo thời gian. Để thế hệ trẻ chúng mình có cơ hội đưa những tinh hoa nguồn cội ấy đi đến muôn nơi", Cô gái 28 tuổi nói.

Trong thời gian tới, Hạnh mong ước có thể mua cho các mẹ chiếc máy khâu điện thay bằng máy đạp bằng chân thủ công như hiện nay, để may những sản phẩm với thiết kế khó hơn.

Đặc biệt, trong năm nay, cô gái 28 tuổi còn ấp ủ dự định sẽ xây dựng một nơi trưng bày sản phẩm thủ công của Tày Indigo để khách du lịch có thể tham quan, trải nghiệm và chị em phụ nữ có nơi để ngồi dệt vải, thêu thùa, nhuộm chàm.