Người phụ nữ "khoác áo mới" cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế

Hà Hiền

(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cố đô Huế, giữa năm 2020, chị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng gầy dựng sản phẩm hàng thủ công như nón, túi xách được làm từ cỏ bàng mang nét riêng, có giá trị thẩm mỹ cao.

Chị Hồ Thị Sương lan (Thừa Thiên Huế) có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Nhưng từ đầu năm 2020, ngành du lịch bị "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị tìm cách rẽ hướng sang kinh doanh các sản phẩm thủ công đặc trưng của xứ Huế.

Trong một lần công tác ở Indonesia, chị Lan đội nón được làm từ lá sen và được nhiều bạn bè quốc tế khen ngợi và tỏ ra bất ngờ với sản phẩm độc đáo này. Người phụ nữ xứ Huế liền đặt câu hỏi: "Tại sao mặt hàng đẹp như thế nhưng thị trường vẫn còn ít, mẫu mã lại chưa đa dạng?"

Sau đó chị bắt đầu tìm hiểu sâu về các nguyên liệu đặc trưng ở Huế như lá sen, cỏ bàng, xương lá bàng và tìm về các làng nghề truyền thống ở tỉnh để kết nối với nhiều nghệ nhân hơn.

Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 1
Chị Hồ Sương Lan, người phụ nữ với khao khát nâng tầm sản phẩm thủ công của xứ Huế.
Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 2
Túi xách, nón làm từ cỏ bàng được chị Lan và cộng sự "thổi hồn" để nâng tầm thành những sản phẩm thời trang được nhiều người ưa chuộng.

Tìm đến làng nghề đệm bàng Phò Trạch (xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên Huế), chị Lan nhận thấy những sản phẩm ở đây được làm thủ công tốn rất nhiều công sức nhưng giá thành bán ra vẫn thấp và mẫu mã chưa đa dạng, chưa phổ biến đến người dùng. Nhiều hộ gia đình không sống được với nghề truyền thống, phải làm công việc khác để mưu sinh.

Khác với cây cói ở miền Bắc, cây cỏ bàng xứ Huế có từng đốt nhỏ, rỗng ruột và không có phần xốp bên trong. Khác với cây cỏ bàng miền Tây bởi thân cây Cỏ Bàng Huế nhỏ, đường kính chỉ tầm 0,4cm trở lại.

Hai điểm khác biệt thú vị này đã giúp các sản phẩm làm từ cỏ bàng xứ Huế có nét độc đáo riêng.

Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 3

Người dân làng Phò Trạch thu hoạch cỏ bàng.

Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 4
Cỏ bàng ở Huế khó bị nấm mốc vì ít hút ẩm và đẹp mắt bởi nét đan thanh mảnh, mịn màng khi gia công các loại ví, túi xách và mũ nón.

Tuy mang trong mình một làng nghề thủ công có giá trị về lịch sử, văn hóa và truyền thống nhưng sự phát triển của làng nghề đan lát cỏ bàng xứ Huế cũng đang đối mặt với không ít thách thức: "Làng nghề hầu như chỉ còn người trung niên, người già bám nghề sống qua ngày", chị Lan cho biết.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cố đô lịch sử, mang sẵn trong mình tình yêu cộng đồng, chị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng gầy dựng sản phẩm hàng thủ công có thương hiệu, mang tính độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao với sứ mệnh nuôi dưỡng và nâng cao giá trị của nghề truyền thống Huế.

Đồng thời cùng cộng đồng xây dựng sinh kế bền vững hơn, họ vừa duy trì được công việc truyền thống ngay tại quê hương mình, vừa nâng cao thu nhập.

Chị Lan làm việc trực tiếp với những người nông dân yêu nghề, đa số là phụ nữ, thu mua các sản phẩm thô từ làng nghề sau đó thuê những họa sĩ ở địa phương để "thổi hồn" vào các sản phẩm.

"Tôi liền nhập thử về nhiều đơn hàng thô, hợp tác với các nghệ nhân để làm nhiều sản phẩm theo yêu cầu. Sau khi có hàng trong tay, tôi bắt đầu thương mại hóa, biến chúng thành sản phẩm thời trang và được rất nhiều người đón nhận" - người phụ nữ xứ Huế chia sẻ.

Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 5
Ban đầu, nhiều họa sĩ e ngại bởi họ chỉ vẽ quen trên vải, giấy, nhưng dần dần họ thấy rất hứng thú khi sáng tác trên chất liệu là cỏ bàng.
Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 6
Sản phẩm túi xách, nón lá, ví không chỉ là những sản phầm đơn thuần được đan tay từ cỏ bàng, mà còn là một tập hợp tinh túy từ yếu tố thiên nhiên và nhân tố con người, thuộc về nhiều ngành nghề truyền thống khác nhau.
Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 7

Nón lá được "khoác áo mới" thành những tác phẩm nghệ thuật.

Bố cục nón cỏ bàng cân đối, viền vải mảnh nhỏ, được may chắc tay, tăng thêm độ tinh tế vốn có cho chiếc nón. Để tạo ra một chiếc nón cỏ bàng đẹp thì khâu viền vải chân nón cũng không kém phần quan trọng, bởi vải viền phải thật sự mảnh, mịn, không bị dồn vải khi may.

Khác với những chiếc nón lá khác được phủ dầu để bảo vệ màu tự nhiên, nón cỏ bàng có thể giữ được màu sắc tươi sáng mà không cần sơn bóng. Nón có mùi cỏ tự nhiên, kèm thêm những họa tiết vẽ tay.

Gần một năm gây dựng, đội ngũ của chị Lan đã cho ra thị trường hơn 6000 sản phẩm nón lá, túi xách từ cỏ bàng, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 nhân viên với thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Chị Sương Lan bày tỏ mong muốn: "Tôi hy vọng thông qua những sản phẩm này sẽ truyền tải thông điệp sống xanh, giữ gìn các sản phẩm truyền thống đến mọi người. Ở xứ Huế cũng có những sản phẩm thời trang làm từ cỏ bàng thiên nhiên tinh xảo, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm truyền thống của các tỉnh khác và trên thế giới".

Người phụ nữ khoác áo mới cho túi xách, nón làm từ cỏ bàng xứ Huế - 8

Hiện nay sản phẩm đã được nhiều người trong nước đón nhận, chị Lan cũng bán được các sản phẩm cho một số người nước ngoài đang sinh sống ở Cannada, Nhật Bản, Mỹ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sức mua còn hạn chế, tuy nhiên người phụ nữ ngoài 40 tuổi vẫn tự tin vào sứ mệnh mà chị đang theo đuổi: Nâng tầm sản phẩm thủ công của xứ Huế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm