8X lên núi mang vải gai dầu về Thủ đô, "may" thành đồ chơi cho trẻ em
(Dân trí) - Đang có một công việc ổn định, Bùi Hạnh Nguyên quyết định nghỉ việc, lên các tỉnh miền núi tìm nguồn vải tự nhiên để mang về Thủ đô, làm ra các món đồ chơi cho trẻ em thân thiện với môi trường.
Bùi Hạnh Nguyên (33 tuổi), yêu thích thời trang từ khi còn bé, cô luôn bị cuốn hút bởi những mảnh vải có họa tiết thổ cẩm. Tuy nhiên, cô được bố mẹ định hướng học kinh tế đối ngoại của đại học Ngoại Thương. Năm 2010, cô ra trường và có một công việc ổn định ở một công ty nước ngoài.
"Trong suốt 2 năm đi làm, tôi không cảm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Trong một lần tình cờ xem được video hướng dẫn vẽ diễn họa thời trang, tôi liền lấy giấy bút vẽ theo, kể từ đó, tôi yêu vẽ và thời trang đến lạ".
Hạnh Nguyên quyết định nghỉ việc và rẽ hướng theo học thời trang từ con số 0. Cô muốn theo đuổi ngành thời trang thân thiện với môi trường.
Lần đầu tiên chạm tay vào vải gai dầu
Quyết định của cô liền bị người thân, bạn bè phản đối kịch liệt, áp lực tứ phía, chỗ dựa tinh thần không còn, cô chỉ biết động viên bản thân.
Năm 2016, cô trúng tuyển một chương trình thực tập ngắn về thời trang ở Pháp: "Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng tôi may mắn được làm việc ở một hãng thời trang chậm. Tôi đúc rút được rất nhiều bài học quý giá về việc giữ gìn các sản phẩm thời trang địa phương, thân thiện với môi trường".
Trở về nước, Nguyên bắt đầu tìm tòi về sợi, vải tự nhiên. Cô lên các tỉnh vùng núi như Hà Giang, Lào Cai, rồi vào Nghệ An, Huế… để tìm hiểu về loại vải gai dầu (người dân quen gọi là vải lanh).
"Lần đầu tiên được sờ vào mảnh vải gai dầu, tôi hạnh phúc vỡ òa. Nó lôi cuốn tôi bởi mùi thơm nhẹ vì nhuộm từ rau củ tự nhiên. Vải có màu trung tính, sờ rất mát nhưng hơi thô", Nguyên nhớ lại.
Qua quá trình tìm hiểu, cô gái trẻ phát hiện một mẫu vải gai dầu mềm, các sợi vải được dệt dày khít nhau và rất đẹp, đáp ứng các tiêu chuẩn của cô. Tuy nhiên, để làm ra được mảnh vải này phải mất tới 5 giai đoạn, 15 công đoạn và 200-300 bước như ngâm vào tro bếp, ủ, phơi, lặp đi lặp lại các bước này nhiều lần, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào thời tiết.
Khi được tận mắt thấy sự kỳ công và giá trị của loại vải này, Hạnh Nguyên đã nảy luôn suy nghĩ: "Nếu mà mình tạo ra được các sản phẩm từ những mảnh vải này thì tuyệt biết bao, nó vừa giúp lưu giữ nghề dệt vải truyền thống, vừa giúp bà con dân tộc có thêm thu nhập và các sản phẩm thì hoàn toàn thân thiện với môi trường".
Tìm hướng đi cho vải
Trở về sau những chuyến đi thực tế, Nguyên bắt tay vào thiết kế các trang phục cho phụ nữ. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm quá cao và không tiện lợi cho người sử dụng vì mỗi lần mặc xong phải giặt bằng tay, không được dùng hóa chất. Trước khi mặc lại phải vò cho vải mềm. Vì vậy, cô quyết định dừng may quần áo từ nguyên liệu này.
Cô gái trẻ lại say mê tìm tòi, thử nghiệm làm các sản phẩm khác, cuối cùng cô quyết định làm các món đồ chơi handmade, chủ yếu là những con búp bê bằng vải gai dầu và nhồi bông hữu cơ.
Hạnh Nguyên hào hứng nói: "Con búp bê của mình được làm từ những mảnh vải gai dầu của người Mông dệt, người Thái nhuộm màu cho vải và bông nhồi bên trong của người Giáy trồng".
Mặc dù loại bông đó đắt gấp 3 lần bông thường và vận chuyển rất khó khăn, tuy nhiên Nguyên làm bằng mọi cách để có được nguồn nguyên liệu, tạo ra sản phẩm "sạch" 100%.
Tháng 10/2020, Nguyên cho ra mắt sản phẩm gồm 5 con búp bê với 5 tính cách khác nhau và đặt cho chúng những cái tên riêng: Lạc, Mắm, Lá, Sữa và Mật.
Bên cạnh đó, cô còn làm ra những bộ quần áo để mặc cho búp bê từ những miếng vải vụn: "Tôi vào các nhóm trên mạng xã hội, đến các cửa hàng may đo để xin vải vụn, vải thừa. Vải vụn nghe có vẻ tiết kiệm nhưng làm rất vất vả, sau khi mang vải về xưởng, tôi mất rất nhiều thời gian để phân loại", Nguyên chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm búp bê vải của xưởng chủ yếu bán cho khách nước ngoài (chiếm đến 80%). Trong nước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại, Nguyên thường xuyên tổ chức các workshop, lớp học hướng dẫn các em nhỏ tự làm ra các món đồ chơi yêu thích từ vải gai dầu.
Ý tưởng làm đồ thủ công từ vải gai dầu của Hạnh Nguyên đã được nhận chứng nhận của Hội đồng Anh tại Cuộc thi Thủ công và Thiết kế năm 2017-2018 vì góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề sinh kế của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh từ ý thức bảo vệ môi trường.
Hạnh Nguyên trích 5% doanh thu bán các sản phẩm của xưởng để mở lớp học dành cho trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn được tự tay thiết kế và làm đồ chơi từ chính loại vải truyền thống của dân tộc mình.
Dù đã bước đầu gặt hái được thành quả, nhưng đôi lúc, cô gái trẻ vẫn tự hoài nghi về con đường mình đang đi. Nhưng chỉ cần nhớ lại hành trình được gặp các bà, các chị dân tộc thiểu số, được lắng nghe họ nói về nghề dệt vải thủ công, Hạnh Nguyên lại có thêm động lực, niềm tin để bước tiếp.
Sắp tới, cô dành thời gian nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mang nét văn hóa, gắn liền với những nhân vật trong truyền thuyết của Việt Nam và tiếp tục tổ chức các lớp học hướng dẫn trẻ em tự làm đồ chơi từ vải khi dịch Covid-19 được kiểm soát.