Cô gái bé nhỏ gửi tình yêu lính đảo vào thơ

(Dân trí) - Tình yêu của cô gái bé nhỏ dành cho những hòn đảo chưa một lần được đặt chân đến, những người lính chưa một lần gặp mặt, lắng lại qua những vần thơ đầy cảm xúc.

Làm thơ về nơi chưa một lần tới

Buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” với các chiến sỹ đảo Đá Nam đang sôi động bỗng lắng lại. Những vần thơ như những lời chia sẻ, động viên lính đảo chìm của một cô gái bé nhỏ trong đoàn hành trình khiến mọi người xúc động.

“Em đến thăm lính đảo chìm không em?

Nơi anh ở là một hòn đảo nhỏ

Biển quanh năm rì rào con sóng vỗ

Cánh hải âu liệng trong gió hát ca”

Những lời thơ này được in trong tập thơ gồm 60 bài thơ về quần đảo Trường Sa và những người lính đang ngày đêm canh gác biển đảo quê hương. Tập thơ như bức thư từ đất liền, chứa đựng tình cảm của cô gái bé nhỏ dành cho lính đảo. Nghe những vần thơ này, ít ai biết được, tác giả của nó chưa một lần đặt chân tới Trường Sa.

Cô gái bé nhỏ gửi tình yêu lính đảo vào thơ

Ngọc xúc động đến rơi nước mắt khi đọc tặng những người lính đảo chìm Đá Nam bài thơ do mình sáng tác.

Đang học năm thứ 3 trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đoàn Thị Ngọc đã viết hơn 150 bài thơ về Trường Sa và những người lính đảo chỉ trong hơn 1 năm qua. Trước đó, Ngọc chưa bao giờ làm thơ và Trường Sa trong Ngọc chỉ là một cái gì đó mơ hồ. Trong trí tưởng tương của Ngọc, đó chỉ là những hòn đảo trên biển mênh mông.

Ngọc kể, cuối năm thứ nhất đại học, Ngọc mới biết rõ hơn về Trường Sa qua những câu chuyện của người thầy giáo dạy môn Giáo dục quốc phòng. Người thầy ấy từng làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa).

Những câu chuyện về cuộc sống trên đảo, về những người lính đảo dù vất vả những luôn yêu đời có sức hút kỳ lạ đối với cô nữ sinh trường Mỹ thuật. “Nghe những câu chuyện thầy kể, em thấy mình có lỗi rất nhiều với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Họ đã hy sinh thầm lặng bao lâu nay mà em không biết tới.” - Ngọc tâm sự.

Từ đó, Ngọc dành nhiều thời gian tìm hiểu về Trường Sa, về những người lính. Những vần thơ đầu tiên của cô gái chưa một lần làm thơ, chưa một lần tới Trường Sa ra đời như những lời tri ân, lời hỏi thăm tới những người lính đảo.

“Gửi cho em, chút giông tố Trường Sa

Để thấy thương các anh mùa biển động

Sóng ngút ngàn gầm gào không ngừng nghỉ

Anh âm thầm đứng gác giữa trời khuya.”

Gửi tình yêu lính đảo vào thơ

Ngọc tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Đội và các buổi giao lưu với những người lính từng làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Trong một buổi giao lưu như thế, Ngọc đã gặp và được một người lính Trường Sa nhận làm con nuôi.

“Bố nuôi em từng công tác ở quần đảo Trường Sa 14 năm, đã làm nhiệm vụ ở tất cả các đảo. Bố kể với em rất nhiều về Trường Sa, từ nhừng ngày đầu bố ra làm nhiệm vụ còn rất nhiều khó khăn. Một lá thư từ đất liền đến tay các chiến sỹ cũng đủ làm họ mừng phát khóc.” - Ngọc chia sẻ.

Tập thơ như những cánh thư từ đất liền tới các
chiến sỹ nơi đảo xa.

Tập thơ như những cánh thư từ đất liền tới các chiến sỹ nơi đảo xa.

Tình yêu của cô gái bé nhỏ với Trường Sa và những người lính đảo dần được hun đúc qua những câu chuyện của người thầy, người bố nuôi. Chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, Ngọc gửi gắm những tình cảm ấy qua những vần thơ.

“Em chưa bao giờ làm thơ. Những bài này em nghĩ cũng không phải là thơ mà là những tình cảm, những lời chia sẻ, động viên của em với những người lính không quen biết.” - Ngọc nói.

Ngọc đã chép tay những bài thơ mình làm, in thành nhiều bản, gửi tặng những người lính Trường Sa. Những món quà ấy, Ngọc chỉ ghi tên mình, không để lại thông tin nào. Vậy mà, những bất ngờ vẫn xảy ra. Có những người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, trở về đất liền, bằng cách nào đó đã tìm ra Ngọc.

“Em rất vui và bất ngờ khi thơ của mình được các anh đón nhận.” - Ngọc cười.

Được cùng đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra thăm Trường Sa lần này, Ngọc đã in 60 cuốn, mỗi cuốn có 60 bài thơ, để gửi tặng những người lính đảo. Trong những bài thơ ấy, Ngọc tâm đắc nhất với bài “Ai đã đặt tên cho Trường Sa”.

“Ai đặt tên cho quần đảo Trường Sa?

Dải cát dài vươn mình qua bão tố

Đảo hiên ngang giữa sóng tự bao giờ?

Mặc sóng gầm xanh thẳm phía trùng khơi.”

“Được lên thăm các đảo, em thấy Trường Sa không khác nhiều với những lời kể của thầy giáo và bố nuôi em. Nhưng sự vất vả của các anh đang canh giữ biển đảo thì giờ em mới thấu hiểu. Nắng rát mặt, cát bỏng cháy, em biết là nắng gió, khí hậu khắc nghiệt nhưng không nghĩ nó như thế. Vậy mà các chiến sỹ trên đảo vẫn tươi cười, nói rằng như vậy là bình thường.” - Ngọc kể.

Những hòn đảo Ngọc được tới thăm, các chiến sỹ đều rất vui mừng đón nhận món quà tinh thần ý nghĩa từ cô sinh viên bé nhỏ này.

“Em ấn tượng nhất với câu nói của một anh lính sau khi nhận tập thơ của em: “Một lần em được đến đây không phải để thấy sự khó khăn của người lính mà để thấy tình cảm, thấy sự yêu đời của người lính trong gian khó.”. Qua những hòn đảo đã đến thăm, em thực sự thấm thía được điều này.” - Ngọc cho biết.

“Em chưa được đi hết các đảo, chưa thăm hết những người lính. Em mong các anh luôn bình an, luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. Em muốn nói với các anh rằng, đất liền luôn dành tình cảm cho các anh, luôn hướng về các anh.” - Ngọc chia sẻ.

Khánh Linh