“Cô Đẩu” Công Lý vào vai người chồng gia trưởng, độc đoán và vũ phu
(Dân trí) - “Mảnh đất lắm người nhiều ma” – tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Trường ra đời năm 1990, tái hiện bức tranh nông thôn trong thời kỳ đổi mới được dựng thành kịch trên sân khấu Kịch Hà Nội. Trong vở này, NSƯT Công Lý đã rất xuất sắc khi hoá thân thành người chồng gia trưởng, độc đoán và vũ phu.
Vào 20h ngày 27/12 Nhà hát Kịch Hà Nội đã công diễn vở “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Tác giả: Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng, đạo diễn: NSND Lê Hùng) đã được công diễn trước Hội đồng Nghệ thuật TP. Hà Nội. Vở diễn dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường ra đời năm 1990. Tiểu thuyết được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về chủ đề nông thôn của tác giả.
Vở diễn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” mở ra một không gian và bối cảnh nông thôn miền Bắc trong thời kỳ đổi mới. Câu chuyện xoay quanh mối thù hận, tranh chấp, đấu đá kéo dài từ nhiều đời giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá ở làng Giếng chùa, mà đại diện chính là ông Vũ Đình Phúc (Trưởng họ Vũ) và anh em nhà Trịnh Bá Hàm (Trưởng họ Trịnh), Trịnh Bá Thủ (em ông Hàm, Bí thư Đảng uỷ xã). Sự đấu đá cá nhân đó còn được đẩy lên thành việc kéo bè kéo cánh, xây dựng bè phái trong bộ máy chính quyền xã.
Vì mối thù dòng họ, vì nỗi hận cá nhân mà họ sẵn sàng không từ thủ đoạn để hãm hại nhau, hạ bệ nhau bất chấp lợi ích chung và xu thế phát triển chung của xã hội. Những con người ấy vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân, vừa đáng thương, vừa đáng trách. Những hệ luỵ từ mối thù truyền kiếp này khiến cho số phận những con người như bà Son, Đào, Tùng, ông Hàm, ông Thủ, ông Phúc ... bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt tưởng chừng như không có hồi kết. Vở diễn thể hiện sâu sắc những vấn đề chìm và nổi, bề mặt và chiều sâu của các vấn đề gia tộc và dòng họ, hôn nhân và gia đình, các mối quan hệ công và tư, quan hệ làng xóm và lề thói nông xã ...
Tuy vậy, bên cạnh những thế lực đen tối vẫn có những người Đảng viên tốt dám vượt lên định kiến của dòng tộc, muốn xoá bỏ những bóng đen hắc ám trong chi bộ Đảng, muốn làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quê hương vững mạnh như Tùng, ông Chỉnh (cựu quân nhân).
Đồng thời, mối tình của Tùng (họ Vũ Đình) và Đào (con gái ông Hàm - họ Trịnh Bá) - những con người của thế hệ mới như một tia hy vọng, mối lối thoát cho bế tắc này. Tình yêu và hôn nhân của họ chắc chắn sẽ đủ sức mạnh để xoá tan mọi thù hằn, mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai dòng họ.
Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Công Lý, NSƯT Linh Huệ, NS Hoàng Sơn, NS Tiến Minh, NS Tuấn Quang, NS Thanh Tùng, NS Tiến Huy, NS Thuỳ Linh, NS Trần Tuấn, NS Diệu Linh ... và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội trình diễn.
Trong vở kịch, NSƯT Công Lý vào vai Trịnh Bá Hàm, một người bị thọt chân, gia trưởng, bảo thủ và vũ phu. Chính ông Hàm là người đã châm lại “ngòi lửa” giữa hai dòng họ Trịnh - Vũ. Và cũng chính ông Hàm là người đã khiến bà Son phải sống một cuộc đời như phận tôi - tớ trong nhà dù mang tiếng là vợ. Ông Hàm còn là người đã đẩy em trai mình là Bí thư Trịnh Bá Thủ ngày càng lún sâu vào những toan tính và tội ác.
Ông Hàm chỉ thực sự thức tỉnh khi bà Son - vợ ông nhảy xuống sông để tự giải thoát cho cuộc đời khổ ải của mình và người em trai Bí thư xã bị bắt về những việc làm sai trái. Chi tiết cuối vở kịch, khi ông Hàm cho phép Tùng chít khăn tang để chịu tang cho bà Son đã khiến rất nhiều người xúc động. Đó không đơn thuần là một thông điệp về việc xoá bỏ thù hận mà còn là thông điệp lớn lao về quy luật "nhân quả" trong cuộc đời.
Hà Tùng Long