Chuyện về người bạn tri kỷ của nhạc sỹ Phạm Duy
(Dân trí)- Năm 2011, người viết đã có dịp trò chuyện với nhạc sỹ Phạm Duy. Khi ấy, ông ở tuổi 90. Mái tóc ông bạc trắng nhưng vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, dáng người cao lớn, giọng nói trầm ấm và vẫn giữ được độ vang, rõ…
Buổi gặp mặt hôm ấy có nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nhà sử học như NS Phạm Tuyên, Phú Quang, nhà sử học Dương Trung Quốc… Có câu chuyện đã khiến người nghe rơi nước mắt, đặc biệt là câu chuyện về lần GS Trần Văn Khê thoát chết nhờ sách của Phạm Duy và sau hơn 60 năm, tình bạn ấy ngày càng gắn bó. Nhớ lại bài thơ mà GS Trần Văn Khê viết tặng bạn, mới thấy thật xúc động trong giờ phút chia ly này:
Quen nhau từ thưở đôi mươi
Mà nay đã ngoại chín mươi tuổi rồi
Mặc cho vật đổi sao dời
Đến khi trăm tuổi vẫn ngồi bên nhau
Quy luật của cuộc sống không thể tránh khỏi vòng quay nghiệt ngã: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Nhưng theo GS Trần Văn Khê, có một chuyện mà ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy không hề hay biết, đó là ông đã được cứu sống một cách tình cờ nhờ cuốn sách dạy nhạc Lavignac do nhạc sĩ Phạm Duy cho mượn. Đó cũng là lí do mà hai người bạn, dù đi theo hai con đường khác nhau trong âm nhạc, nhưng rất thân thiết.
Nhạc sĩ Phạm Duy có một cuốn sách Lavignac bằng tiếng Pháp mà ông coi như bảo vật, nhưng vẫn sẵn lòng cho người bạn của mình là Trần Văn Khê mượn, khi ấy là nhạc trưởng quân đội Nam Bộ. Năm 1947, GS Trần Văn Khê bị bắt ở ngã 7 Hậu Giang và bị đem đi xử bắn. Trong tay ông khư khư cuốn sách Lavignac của bạn, một sĩ quan quân đội của địch bất ngờ, nói: "nếu bắn chết người này thì phí quá", nhờ đó, ông được sống. Cuốn sách tiếp tục được GS Trần Văn Khê mang theo đi chiến khu, rồi sang hết nước này đến quốc gia khác. Sau hơn 30 năm, từ Paris, GS Trần Văn Khê gửi trả cho nhạc sĩ Phạm Duy cuốn sách đó vẫn vẹn nguyên.
Không chỉ có tình bạn với GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy còn dành nhiều tình cảm yêu mến đối với nhạc sĩ Văn Cao, mà sau này ông đã thừa nhận đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Văn Cao. Đó là lần đi lưu diễn ở Hải Phòng, ông đã may mắn được quen, rồi từ sự nể phục mà hai người có sự gặp nhau trong âm nhạc, đồng cảm về nghệ thuật. Họ đã tâm sự, thổ lộ với nhau nhiều điều trong cuộc sống và Phạm Duy đã có nhiều cảm hứng từ những sáng tác của Văn Cao.
Một mảng rất quan trọng trong âm nhạc của Phạm Duy, đó là phổ nhạc cho thơ. GS Trần Văn Khê nói: Phạm Duy rất giỏi phổ nhạc cho thơ, dù thơ 7 chữ hay lục bát đều rất tài tình, đặc biệt là dân ca, ca dao đã đi vào huyết quản khiến hồn nhạc quyện hồn thơ, phổ như giỡn chơi, nhưng lại rất đẹp, rất văn hóa. Chẳng hạn Trèo lên cây bưởi hái hoa theo Hò, Xề, Xang, Xê, Cống, Líu, Ầu ơ tiếng hát Nguyễn Du được chuyển hệ và chuyển hò.
Trước nay, hầu như ít người thành công trong việc phổ thơ thất ngôn của Hàn Mạc Tử, vậy mà nhạc sĩ Phạm Duy đã rất thành công. Ông nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp thi ca của Hàn Mạc Tử và quyết định không dùng nhạc ngũ cung thông thường, mà chuyển sang thất cung để có thêm nhiều âm giai.
Với Truyện Kiều, nhiều người cho rằng phổ nhạc là không tưởng, nhưng GS Trần Văn Khê cho rằng Phạm Duy làm “quá giỏi”.
Nói về những sáng tác của ông, nhạc sĩ Nguyễn Thế Hiển (Đài truyền hình KTS VTC) nhận xét: Ca khúc của Phạm Duy cứ như là hai tác phẩm trong một vậy. Nhạc độc lập, lời cũng như một bài thơ, rất hiếm nhạc sỹ nào có khả năng tuyệt kỹ như vậy. Ông là một trong những nhạc sĩ có khối lượng tác phẩm viết theo thể loại trường ca bậc nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Trong những lời tưởng nhớ đến nhạc sĩ Phạm Duy, Biên tập viên âm nhạc ở Nhà xuất bản Âm nhạc viết: Trong những lời Phật dạy có câu: “Cuộc đời là bể khổ”, có lẽ với Phạm Duy cuộc đời nhiều thăng trầm câu ấy càng thấm thía hơn. Bây giờ vị nhạc sĩ tài hoa đã thoát khỏi cõi trần, biết đâu ở nơi xa ông lại được hội tụ với những người bạn nhạc năm nào, hay lại đắm đuối thả hồn với cô hái mơ nơi núi rừng Hương Sơn xưa kia bất chợt gặp và để rồi gây mối tơ vương trong tâm hồn chàng nhạc sĩ đa cảm khiến ông phải giãi bày trong ca khúc của mình.Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Phạm Duy là một chàng trai phố cổ Hà Thành, nhưng ông lại là người hiểu và khai thác đậm chất dân gian Bắc bộ vốn vẫn bị gán mác "nhà quê" vào ca khúc của mình. Có những ca khúc chúng ta dễ dàng cảm nhận được chẳng hạn như “Áo anh sứt chỉ đường tà”. Song, cũng có những ca khúc phải nghe nhiều mới ngấm. Ngày nhỏ, ở thị xã nhỏ nơi gia đình tôi ở - nay là thành phố Bắc Giang - tôi thấy rất nhiều người hát mấy câu tôi không nhớ chính xác nữa nhưng đại loại là: “Một chiều anh bước đi trên quãng đường đê…” Mấy câu hát ấy cứ găm vào trí nhớ của tôi, ám ảnh tôi, cho đến tận bây giờ, dù đã không còn thuộc đầy đủ lời ca của bài ca ấy nữa, cũng không nhớ tên bài hát, nhưng nó vẫn là nét giai điệu chủ đề nằm trong tâm hồn âm nhạc của tôi. Và sau này, khi đã là một người yêu thích nghiên cứu âm nhạc dân gian, dốc thời gian với âm nhạc dân gian, tôi mới ngộ ra đó chính là những nét giai điệu đậm chất xẩm. Nhưng cái tài là nó là chất xẩm, phong cách xẩm nhưng hoàn toàn không chịu ảnh hưởng cụ thể của một làn điệu hay một giai điệu cụ thể nào. Vẫn ca khúc này, một góc độ khác, nếu chú ý, nó sẽ có những nét giai điệu rất giống với nét giai điệu mở đầu trong một nhạc phẩm rất nổi tiếng sau này của nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn: Lời người ra đi “Một chiều anh bước đi em tiễn chân anh tận cuối đồi, Nghe dặn lời rằng rằng chiến đấu đừng sờn lòng…” Tất nhiên hai ca khúc chỉ giống nhau ở mô-típ mở đầu, rất nhỏ, chỉ vài nốt nhạc nhưng điều đó cũng có thể thấy sự ảnh hưởng của Phạm Duy. Trên đây chỉ là ví dụ hai trong vô vàn những tác phẩm có khai thác chất liệu dân gian Việt Nam trong tác phẩm của Phạm Duy. Bên cạnh sáng tác ca khúc, Phạm Duy dịch và đặt lời tiếng Việt nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, ông còn có tài viết bình luận, phê bình và những bài viết thiên về khảo cứu, nghiên cứu nhưng với văn phong dễ đọc, dễ hiểu và có giá trị tham khảo cho các công trình nghiên cứu âm nhạc sau này. Ở góc độ công việc, tôi cùng cộng sự vừa mới biên tập xong một tập ca khúc Phạm Duy cho nhà sách Phương Nam, hiện đang trong giai đoạn sản xuất để xuất bản ra mắt bạn đọc cả nước ngay trong những ngày đầu xuân. Vậy mà vị nhạc sĩ tài ba đã không còn được nhìn tuyển tập ca khúc với hơn 100 ca khúc của mình” |