Chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 41 năm mới mua nổi chiếc nhẫn cưới cho vợ

(Dân trí) - Nhạc sĩ “Buồn ơi chào mi” vừa bước vào cõi thiên thu nhưng những ca khúc ông để lại cho đời và những câu chuyện đầy kỷ niệm của ông thì vẫn sống trong lòng người thân, đồng nghiệp và công chúng mến mộ ông.

41 năm mới mua nổi chiếc nhẫn cưới tặng vợ

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ rằng, ông có một mối tình say đắm từ thời niên thiếu. Tuy nhiên, vì thời đó ông rất ham mê âm nhạc mà cả bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ của người yêu đều không vui vì điều đó. Khi ông chọn trái lời bố mẹ đẻ để “sống chết” với đam mê thì cũng là lúc ông mất người yêu. Gia đình người yêu đã gửi người yêu của ông sang Pháp học và từ đó ông mất liên lạc. Mối tình này sau đó đã khiến ông chếnh choáng mất một thời gian dài trước khi đến với người vợ hiện tại. Nỗi lòng đó được ông giãi bày trong ca khúc “Tình khúc chiều mưa” với những ca từ khắc khoải, đớn đau: “Tình chết không đợi chờ. Tình xa ai nào ngờ. Người hỡi xin trọn đời, lẻ loi…”


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bà Ngọc Hân trong ngày cưới. (Ảnh: GĐ)

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bà Ngọc Hân trong ngày cưới. (Ảnh: GĐ)

Tạm chôn vùi được nỗi đau của mối tình đầu, nhạc sĩ “Buồn ơi chào mi” đến với mối tình thứ hai và kết hôn năm 1965. Lúc bấy giờ ông tròn 25 còn bà Ngọc Hân, vợ ông mới 20 tuổi. Ông từng kể rằng, hai người quen nhau trong thời gian biểu diễn tại một vũ trường. Nguyễn Ánh 9 chơi đàn piano còn vợ ông là vũ công thiết hài. Người nhạc sĩ cảm phục những bước nhảy điêu luyện cùng vẻ xinh xắn của cô vũ công nên lân la tới trước cổng nhà tìm cớ gặp gỡ. Tuy nhiên, phải mất hai năm, sau nhiều lần bị người đẹp cho “leo cây” trước cổng nhà thì họ mới thực sự đến được với nhau.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể, lúc hai người đến với nhau họ rất nghèo. Vì quá nghèo nên họ không có điều kiện tổ chức đám cưới ở nhà hàng mà tự làm đám cưới lấy.

“Hồi đó tôi không đủ tiền mua một chiếc nhẫn cưới như những đám cưới khác. Sau 41 năm “cày”, “bừa”, làm thuê làm mướn…. cuối cùng tôi cũng ráng cố gắng tặng cho vợ mình một chiếc nhẫn gọi là trong dịp kỷ niệm 41 năm ngày cưới. Tôi mong đó là kỷ vật tình yêu chứng tỏ tình yêu muôn đời thủy chung, bền chặt như kim cương của chúng tôi dành cho nhau”, nhạc sĩ “Buồn ơi chào mi” nghẹn ngào kể.

MC Kỳ Duyên, người được chứng kiến câu chuyện này cũng kể lại rằng, hôm đó cô đưa vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đi uống cà phê, trong lúc trò chuyện cô được chính nhạc sĩ kể lại cho nghe câu chuyện của họ. Kỳ Duyên cho biết, khi kể câu chuyện này, không chỉ nhạc sĩ khóc, vợ ông khóc mà cô cũng rơm rớm nước mắt.


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới. (Ảnh: GĐ)

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới. (Ảnh: GĐ)

“Hôm đó, nhạc sĩ có kể rằng, bình thường, đi làm được bao nhiêu tiền lương là ông đưa về cho vợ. Và hôm đó, đúng 41 năm kỷ niệm ngày cưới nên ông đã dốc hết toàn bộ tiền tác quyền dành dụm được, rồi lại gặp được ông bạn có tiệm bán hột xoàn nên ông quyết định mua một chiếc nhẫn tặng vợ. Khi đến tiệm của bạn, ông đưa tiền ra và bảo: “Đây, tôi chỉ có bấy nhiêu tiền thôi, ông cứ kiếm cho tôi cái nhẫn nào 2 li hoặc 3 li cũng được, tôi mang về tặng cho bà ấy cho trọn nghĩa vợ chồng”. Thật sự là trước đó, khi nghe đến chỗ “đi làm về được bao nhiêu tiền tôi đều đem hết cho bà ấy” là tôi đã bật khóc rồi nhưng khi chứng kiến cảnh này thì tôi cũng không kìm được nước mắt nữa”, MC Kỳ Duyên chia sẻ.

Bất ngờ phát hiện Đặng Lệ Quân hát “Không” bằng tiếng Nhật

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác không nhiều, gia tài âm nhạc của ông chỉ khoảng hơn 20 bài nhưng các ca khúc của ông đều gắn liền với khán giả trong và ngoài nước. Trong đó, ca khúc mà mỗi khi nhắc đến ông không thể không nhắc đến đó là bài “Không”. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long thì ông có tới hai bài hát đặt tựa đề là “Không”.

“Năm 2011, trong một lần tôi và bố 9 trò chuyện cùng khán giả về câu chuyện này, ông kể, lúc “Không” đang rất nổi gắn với Elvis Phương thì ở phòng trà ông làm còn có Carol Kim, cả hai cứ tranh nhau hát “Không”, người nào đến trước hát bài “Không” thì người đến sau hết hát.


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ những chuyện chưa bao giờ kể trong một đêm nhạc. (Ảnh: TL)

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ những chuyện chưa bao giờ kể trong một đêm nhạc. (Ảnh: TL)

Thấy hai người cứ giành nhau hát, ông nói: “Thôi tụi bay đừng giành nhau, anh viết cho tụi bay thêm một bài nữa. Mỗi đứa một bài chia nhau hát, đứa nào đến sớm hát bài “Không 1”, đứa nào đến trễ hát bài “Không 2”. Nhưng chưa hết, bữa đó ông bảo còn một bài nữa bài “Không 3”. Rồi ông lý giải, bài “Không 1” là “Không, không, tôi không còn yêu em nữa, thực tế là còn yêu nhiều lắm. Vì nếu không yêu nữa thì làm gì có cái kết là “Em ơi”. Đến bài “Không 2” “Không đến với tôi đến với tôi nữa làm gì”. Tức là cô ấy bỏ mình rồi cô trở về thì mình mới nói là thôi đừng đến nữa mà làm gì. Cho nên bài thứ 3 mới nói thật lòng mình là tôi vẫn còn yêu em”, nhà nghiên cứu Quang Long cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể trong một chương trình tôn vinh những tác phẩm âm nhạc của ông ở hải ngoại rằng, một lần, khi ông đang chơi nhạc ở một khách sạn thì có một vị khách người Nhật bước lại chỗ ông ngồi đề nghị ông chơi bài “Ni” (Không). Ông lấy làm lạ liền bảo với người khách: “Thưa ông, bài này hơi lạ với tôi, ông có thể hát cho tôi nghe bài này được không?”. Ông khách người Nhật liền hát mấy câu, khi ông khách Nhật mới cất lời ông đã chột dạ tự hỏi: “Ủa, sao bài này nghe quen quá vậy?”. Đến khi người khách ấy hát xong mấy câu, ông nhủ thầm trong bụng: “Thôi, đúng rồi, đúng nó rồi. Đây là bài “Không” chứ không phải “Ni” niếc gì hết”. Ông liền cặm cụi vào cây đàn Piano đánh liền một mạch.

Khi ông đàn xong, người khách mắt tròn xoe, đến vỗ vai ông bảo: “Anh đàn hay quá. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên là tại sao tôi mới hát bài này có mấy câu mà anh đã đàn luôn cả một bài được vậy?”. Ông đáp lại: “Dạ thưa ông, ông mới ngạc nhiên một nửa thôi, một nửa còn lại là tôi xin giới thiệu, tôi là tác giả của bài hát đó”. Người khách Nhật khi nghe ông nói xong liền cúi gập người xuống tỏ vẻ đầy thán phục.

Clip Đặng Lệ Quân hát bài Không của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Sau này, ông mới biết, ca khúc này đã được giọng ca nổi tiếng Đặng Lệ Quân dịch thành lời Nhật và hát ở Nhật, rất được khán giả ưa chuộng. MC Nguyễn Ngọc Ngạn từng trêu ông rằng: “Anh gặp cô Đặng Lệ Quân hồi nào mà anh đưa bản “Không” cho cô ấy hát?”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trả lời: “Tôi chưa gặp cô này lần nào hết. Tôi không hiểu vì sao cô Đặng Lệ Quân lại biết bài hát “Không”. Sau này tôi có tìm hiểu thì biết cô Đặng Lệ Quân, là ca sĩ người Trung Hoa, hát ở Nhật Bản.


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng, nhờ học đàn bằng bìa carton mà ông sáng tác dễ dàng hơn người khác. (Ảnh: TL)

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho rằng, nhờ học đàn bằng bìa carton mà ông sáng tác dễ dàng hơn người khác. (Ảnh: TL)

Có một thời, bài “Không” khá nổi tiếng ở Sài Gòn, người nước ngoài đến Sài Gòn muốn hát một bài hát nào đó của Việt Nam đều chọn bài “Không” để hát. Tôi từng thấy nhiều ca sĩ từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc qua Việt Nam chơi đã hát bài “Không” rồi mang về bên đó hát. Tôi nghĩ, chắc bài hát này bên đó họ hát nhiều quá nên cô Đặng Lệ Quân đem dịch sang tiếng Nhật để hát. Có thể cô ấy nghĩ đây là bài hát tiếng Trung chứ không nghĩ hát có có nguồn gốc từ Việt Nam”, ông kể.

Có người cũng từng hỏi ông rằng, ca sĩ Đặng Lê Quân lấy bài hát bài của ông đi hát khắp nơi để kiếm tiền, vậy ông có ý định kiện cô ấy không, nhạc sĩ trả lời rằng, ông quan niệm, khi người nhạc sĩ sáng tác ra một ca khúc mà được người nghe thích, các ca sĩ chuyền tay nhau hát, các nhà xuất bản in ra đĩa… thì đó là niềm hạnh phúc của rồi vì người nhạc sĩ đã góp phần mang đến cho khán giả một niềm vui mới. Vì thế, ông không có ý định kiện ca sĩ Đặng Lệ Quân và là gửi lời cám ơn cô ấy.

Tự học Piano bằng bìa carton

Chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với Piano, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể rằng, ông biết đàn Piano là toàn tự học. Thời còn đi học, ông là một học sinh giỏi, ba mẹ ông muốn ông trở thành kỹ sư, bác sĩ… chứ không ưa nghệ sĩ. Thấy con mình quá mê nhạc nên ba ông đã gửi ông lên một ngôi trường nội trú trên Đà Lạt hòng “cai” thói “ghiền” đàn của ông.

Rất may, đến học ở ngôi trường này, trên gác hai của trường lại có một cây đàn cũ. Hàng ngày ông cứ đến đây học đàn, đến giờ lại về. Về nhà, vì không có đàn ông ông đành vẽ lại những nốt nhạc trên một tấm bìa carton rồi mày mò học đàn. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì nhờ sự cần mẫn đó mà sau này khi sáng tác ông luôn có cây đàn Piano sẵn trong đầu và ông viết nhạc rất dễ dàng.


Cả một đời gắn bó với cây đàn Piano, đến phút giây cuối cùng của cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn ước mơ tổ chức đêm nhạc của riêng mình để tri ân khán giả Hà Nội. (Ảnh: TL)

Cả một đời gắn bó với cây đàn Piano, đến phút giây cuối cùng của cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn ước mơ tổ chức đêm nhạc của riêng mình để tri ân khán giả Hà Nội. (Ảnh: TL)

Có lần, MC Kỳ Duyên hỏi ông: “Anh đàn trong khách sạn, trong nhà hàng rồi người ta ăn uống, nói chuyện, không để ý đến tiếng đàn của anh thì anh có buồn không?”, ông trả lời không. Vì theo ông, việc đàn trước hết là để cho chính mình nghe còn khán giả bên cạnh là phụ nên nhiều khi không có khách ông cũng đàn. Nhiều lần ông quản lý khách sạn bảo ông nghỉ nhưng ông vẫn cứ đàn, kể cả khi không có khách nào. Có lẽ nhờ thế mà mấy chục năm trời, ông vẫn cần mẫn và cặm cụi đàn ở một khách sạn có tiếng của Sài Gòn không nghỉ ngày nào.

NSƯT Ánh Tuyết có kể rằng, sở dĩ ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn đều đặn đi làm, không chỉ vì ông yêu âm nhạc mà còn vì ông muốn kiếm tiền để đỡ đần các con nuôi cháu. Vì lẽ đó mà khi nhạc sĩ vừa qua đời, con trai thứ 2 của ông là nhạc sĩ Quang Anh đã ôm chầm lấy thi thể ông mà khóc rằng: “Ba ơi, gánh nặng này quá nặng với con, chắc con không gánh nổi đâu ba ơi!”. Trước khi mất, bản thân người nhạc sĩ này vẫn đang mong muốn tổ chức được một đêm nhạc nữa ở Hà Nội và chính ông sẽ là người đệm đàn cho ca sĩ hát. Tuy nhiên, khi ước mơ còn chưa kịp thực hiện thì ông đã về thế giới bên kia.

Hà Tùng Long