Chuyện hy hữu: NXB… xin lỗi vì sách in sai

“Đến hôm 22/3/2013, bạn đọc phát hiện sai tên dịch giả trên bìa sách của bộ Kiến văn tiểu lục. Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này..”, trích thư Ban Giám đốc NXB Trẻ gửi đến các cơ quan truyền thông - báo chí.


Chuyện hy hữu: NXB… xin lỗi vì sách in sai

Bộ Kiến văn tiểu lục in nhầm ảnh Lê Quý Đôn thành Nguyễn Trãi và sai tên dịch giả Phạm Trọng Điềm thành Nguyễn Trọng Điềm đã được NXB Trẻ thu hồi
 
Như TT&VH đưa tin, bộ sách Kiến văn tiểu lục (2 tập) của Lê Quý Đôn được NXB Trẻ liên kết với NXB Hồng Bàng đã tái bản từ bản in năm 1961 của Viện Sử học. Đây là một bộ sách quý, cung cấp nhiều kiến thức lịch sử cho độc giả hôm nay. Nhưng rất tiếc, có hai lỗi sai khiến những người xuất bản bộ sách này cảm thấy “xấu hổ” phải xin lỗi bạn đọc.

 

Lâu nay, việc bạn đọc “nhặt sạn” trong các cuốn sách và phát hiện ra những lỗi sai là điều bình thường bởi không có gì hoàn mỹ trong cuộc sống. Thậm chí gần đây, có những lỗi nghiêm trọng như việc in cả cờ Trung Quốc lên sách dành cho bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam.

 

“Sự xấu hổ của nghề nghiệp”

 

Lỗi sai trong bộ Kiến văn tiểu lục khi ảnh tác giả Lê Quý Đôn bị in ở lá cánh trang bìa một nhầm thành ảnh… Nguyễn Trãi. Tìm hiểu được biết, khi tìm ảnh trên Google, biên tập viên NXB Trẻ đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc này. Lỗi này theo nhiều người thuộc về kiến thức của người chọn ảnh. Và cũng vì ảnh của Lê Quý Đôn hay Nguyễn Trãi, những vị sống cách xa với thời chúng ta quá lâu, hình ảnh về họ rất ít, nên nếu không có kiến thức sẽ rất dễ nhầm lẫn.

 

Lỗi sai thứ hai nằm ngay ở trang bìa một, khi tên dịch giả bộ sách là Phạm Trọng Điềm in thành Nguyễn Trọng Điềm. Ngay sau khi sách vừa phát hành, NXB Trẻ đã phát hiện ra những lỗi sai này và lập tức thu hồi sách về để chỉnh sửa.

 

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho biết: “Chúng tôi lập tức thu hồi nhưng không kịp thu về tất cả vì đã có những cuốn sách được bạn đọc mua rồi”. Với những cuốn trong bộ Kiến văn tiểu lục có lỗi, các độc giả đã mua có thể liên hệ với NXB Trẻ cho biết địa chỉ để đơn vị này gửi sách mới đổi sách cũ hoặc hoàn trả lại tiền.

 

Trong thư xin lỗi bạn đọc của Ban Giám đốc NXB Trẻ gửi đến các cơ quan truyền thông - báo chí, có đoạn: “Ngày 22/2/2013, sau khi nộp lưu chiểu, NXB Trẻ đã phát hiện lỗi sai ở ảnh bìa cánh quyển sách. Chúng tôi đã thu hồi gần như toàn bộ sách để chỉnh sửa. Thật đáng tiếc, có một số ít ấn phẩm đã lọt ra thị trường (khoảng 40 cuốn). Sau khi chỉnh sửa, chúng tôi xin nộp lưu chiểu lại và tiếp tục phát hành. Đến hôm 22/3/2013, bạn đọc phát hiện sai tên dịch giả trên bìa sách của bộ Kiến văn tiểu lục. Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng đối với chúng tôi, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban Giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc… Cuối cùng, trong sự xấu hổ của nghề nghiệp, NXB Trẻ chân thành xin lỗi bạn đọc và mong bạn đọc lượng thứ”.
 
Thư xin lỗi của Ban Giám đốc NXB Trẻ.

Thư xin lỗi của Ban Giám đốc NXB Trẻ.

 

Và đằng sau lời xin lỗi

 

Trong thời gian qua, rất nhiều cuốn sách khi tung ra thị trường đã được bạn đọc hoặc các cơ quan báo chí phát hiện nhiều lỗi sai. Thường thì, các đơn vị xuất bản những cuốn sách bị lỗi đa phần “thanh minh thanh nga” về các “lý do, lý trấu” khiến sách bị sai. Câu hỏi đặt ra là: Bạn đọc, người bỏ tiền mua những cuốn sách bị lỗi sai ấy cũng chính là những người chịu thiệt thòi trực tiếp lại chẳng mấy khi nhận được những lời xin lỗi?

 

Không chỉ sách bị lỗi sai về kiến thức, hiện nay trên thị trường tồn tại rất nhiều sách in lậu, sách “xào luộc” hoặc “tổng hợp” từ những cuốn sách khác… Vậy mà chưa có ai xin lỗi bạn đọc?

 

Ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết: “Với chúng tôi, bạn đọc là tất cả. Nên chúng tôi luôn cố gắng để các ấn phẩm của mình tốt nhất khi đến tay bạn đọc. Nếu có bất kỳ lỗi nào trên sách của NXB Trẻ đều khiến chúng tôi xấu hổ”.

 

Về lỗi sai tên dịch giả Phạm Trọng Điềm trong bộ Kiến văn tiểu lục, ông Nhựt cho biết: “Dịch giả Phạm Trọng Điềm đã qua đời, nên NXB Trẻ muốn gửi lời xin lỗi trực tiếp đến dịch giả cũng không thể được. Đây là điều khiến chúng tôi vô cùng áy náy khi in sai tên dịch giả trên trang bìa bộ sách”.

 

Không chỉ là thái độ biết xấu xổ, đưa ra lời xin lỗi rất cầu thị đến độc giả, hành động đó của NXB Trẻ còn khiến chúng ta suy nghĩ về văn hóa ứng xử hiện nay trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

 

Theo Thanh Kiều

Thể thao & Văn hóa