Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh

Bích Ngọc

(Dân trí) - Cơ duyên đưa tới những bức ảnh làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia Harry Whittier Frees bắt đầu từ một sự việc nhỏ xảy ra trong gia đình ông.

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 1

Mèo đón sinh nhật (Ảnh: NPR).

Từ đầu thế kỷ 20 cho tới thập niên 1950, nhiếp ảnh gia người Mỹ Harry Whittier Frees được biết tới với phong cách và đề tài chụp ảnh riêng biệt. Nhiếp ảnh gia Harry thường chụp những vật nuôi bé nhỏ thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày của con người, những con vật này được ông cho mặc trang phục xinh xắn và sắp đặt để chúng xuất hiện trong những bối cảnh ngộ nghĩnh.

Cơ duyên đưa tới những bức ảnh làm nên tên tuổi của nhiếp ảnh gia Harry Whittier Frees bắt đầu từ một sự việc nhỏ xảy ra trong gia đình ông. Có lần trong một bữa tiệc sinh nhật, mọi người chuyền tay nhau một chiếc mũ giấy nhỏ xung quanh bàn tiệc, ai đó đã đội chiếc mũ lên đầu chú mèo được nuôi trong gia đình.

Nhiếp ảnh gia Harry liền chụp lại hình ảnh chú mèo đội mũ. Bức ảnh ngay lập tức được một nhà sản xuất bưu ảnh mua lại, họ còn đặt hàng với Harry nhiều bức ảnh được thực hiện theo phong cách tương tự, vì nhu cầu khách hàng dành cho những tấm bưu ảnh như thế này tăng vọt.

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 2

Mèo phơi quần áo (Ảnh: NPR).

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 3

Mèo làm nông nghiệp (Ảnh: NPR).

Kể từ đây, Harry bắt đầu đi mượn những chú chó, chú mèo từ các gia đình hàng xóm, bạn bè và các cửa hiệu bán vật nuôi, rồi chuẩn bị trang phục cho chúng. Những bộ trang phục nhỏ nhắn, xinh xắn được may bằng tay bởi chính mẹ và bà giúp việc cho gia đình của nhiếp ảnh gia. Sau đó, những thú cưng này sẽ được đặt vào những hoạt cảnh sinh động, hài hước.

Công việc của Harry không quá khó khăn nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn, bởi để có được một bức ảnh đẹp đem bán cho nhà sản xuất bưu ảnh, Harry phải chụp đi chụp lại hàng chục lần. Nhưng ông cũng không thể nổi cáu, bởi những chú chó, chú mèo này không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Những thú cưng này thường nghịch ngợm luôn, không chịu ở yên để nhiếp ảnh gia bấm máy.

Sau khi thành công ở mảng bưu ảnh với những bức hình ngộ nghĩnh xoay quanh các thú cưng, ông Harry cho phép mình chỉ phải chụp ảnh trong 3 tháng mỗi năm để kiếm sống. Thời gian còn lại trong năm, ông dành để nghỉ ngơi, lấy lại cảm hứng chụp ảnh và nghĩ ra những ý tưởng mới.

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 4

Mèo nấu ăn (Ảnh: NPR).

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 5

Đám cưới mèo (Ảnh: NPR).

Những bức ảnh do Harry thực hiện trở thành những tấm bưu ảnh đắt hàng, dần dần, ông còn được cả những công ty quảng cáo, những tờ tạp chí và nhà xuất bản sách thiếu nhi đặt hàng chụp ảnh.

Dù là một nhiếp ảnh gia thành công với một mảng đề tài nhiếp ảnh riêng khá ăn khách, nhưng Harry Whittier Frees không bao giờ đạt tới sự giàu có, dư dả. Thực tế, giới nhiếp ảnh đương thời thậm chí không nhìn nhận những bức ảnh mà ông thực hiện là tác phẩm nhiếp ảnh.

Ông Harry cũng không tham gia vào các hiệp hội nhiếp ảnh, ông không có những giao tiếp với giới nhiếp ảnh gia, mà lặng lẽ một mình theo đuổi một mảng đề tài riêng. Trong cả cuộc đời, ông Harry sống độc thân một cách lặng lẽ. Ông ra đi ở tuổi 74 hồi năm 1953.

Những bức ảnh mà ông Harry thực hiện cho tới hôm nay vẫn được hậu thế yêu thích và nhắc nhớ đến, người xem nhìn thấy trong các bức ảnh sự hài hước và sức hấp dẫn vượt thời gian.

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 6

Mèo chơi nhảy dây (Ảnh: NPR).

Chuyện đời của người đầu tiên đưa mèo vào trong... nhiếp ảnh - 7

Mèo chơi xích đu (Ảnh: NPR).

Nhiều người cho rằng nhiếp ảnh gia Harry Whittier Frees chính là nhiếp ảnh gia đầu tiên đưa mèo vào trong nhiếp ảnh. Ảnh của ông khiến người xem bật cười thích thú và xuýt xoa trước khả năng nắm bắt khoảnh khắc của ông.

Những bức ảnh mà ông Harry thực hiện không hề sử dụng tiểu xảo hay các phương pháp chỉnh sửa ảnh. Đã có thời những bức ảnh của ông Harry rất được ưa chuộng để dùng làm bưu thiếp, in lên bìa sổ sách, in thành lịch... Bản thân ông Harry cũng từng xuất bản nhiều sách ảnh tổng hợp các tác phẩm nhiếp ảnh của mình.

Theo NPR