Chuyện đời của diễn viên chuyên đóng vai khắc khổ nhất màn ảnh Mai Ngọc Căn
(Dân trí) - Trong tâm thức của NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Vượng râu, NSƯT Quang Tèo... có một người thầy, người "bố" và một nghệ sĩ Mai Ngọc Căn sống một đời giản dị, điềm đạm và tận tậm với nghệ thuật.
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là gương mặt quen thuộc với khán giả xem phim truyền hình Việt, tên tuổi của ông gắn liền với những vai diễn hiền lành, khắc khổ. Ngoài diễn xuất, ông từng làm giảng viên, trực tiếp giảng dạy NSND Khải Hưng, NSƯT Bùi Thạc Chuyên, NSƯT Chiều Xuân...
Ngày 3/11, thông tin ông qua đời sau 5 năm chống chọi với bệnh ung thư thận đã để lại niềm tiếc thương trong lòng nhiều thế hệ nghệ sĩ, khán giả và người thân, bạn bè.
Hơn 60 năm làm nghề, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn đã tham gia hơn 80 bộ phim lớn, nhỏ. Gia tài ông để lại dù chỉ là những vai phụ nhưng mãi còn đó… trong tâm trí khán giả và biết bao thế hệ nghệ sĩ từng là học trò của ông là hình ảnh một nghệ sĩ Mai Ngọc Căn hiền lành, chân chất, giản dị như chính những nhân vật từng đi qua cuộc đời nghệ thuật của ông.
NSƯT Chiều Xuân từng là học trò của nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tại trường Sân khấu Điện ảnh không giấu được sự xúc động và hụt hẫng khi biết tin nghệ sĩ Mai Ngọc Căn qua đời. Chị chia sẻ với PV Dân trí về người thầy mà chị xem như người cha của mình.
Trong tâm thức của NSƯT Chiều Xuân, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là người thầy nghiêm khắc, chỉn chu trên giảng đường nhưng ngoài đời lại là người rất hiền lành, sống điềm đạm và hết mực yêu thương học trò. Chị bảo, dù dạy rất nhiều học trò nhưng ông chưa từng quên ai, mỗi lần gặp, ông hỏi thăm sức khỏe từng người. Điều đó khiến nữ nghệ sĩ cảm động.
NSƯT Chiều Xuân kể, thời mới là sinh viên năm thứ hai, chị kết hôn sau đó sinh con đầu lòng, chị lo lắng sẽ tụt hậu và thua kém bạn bè, lúc đó thầy Mai Ngọc Căn luôn bên cạnh động viên và tạo điều kiện cho chị học tập. Ông còn tin tưởng giao cho Chiều Xuân vai chính trong vở Trên mảnh đất đời người (Bùi Thạc Chuyên chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết Nga).
"Với tôi, thầy Mai Ngọc Căn vừa là đạo diễn giỏi cũng là người diễn viên giỏi. Thầy có thể hóa thân vào nhiều vai khác nhau: Từ ông già tóc bạc hiền hậu, đến bố già, tri thức hay thậm chí là mafia... đều rất đạt, rất hay. Thầy là người rất yêu và tận tâm với nghề. Cho dù khi tuổi cao, sức yếu rồi bệnh tật, thầy vẫn hết mình với những vai diễn. Tôi rất tự hào và hãnh diện vì trở thành học trò của một người thầy như thế", NSƯT Chiều Xuân nói.
NSƯT Chiều Xuân chia sẻ, chị còn khâm phục thầy của mình ở tinh thần lạc quan và nỗ lực trong cuộc sống. Chính niềm vui sống, cách cảm nhận và luôn sống tốt mỗi ngày của ông đã truyền cho chị cũng như những thế hệ nghệ sĩ như chị nguồn năng lượng tích cực. Là tấm gương để chị noi theo và học tập, cống hiến cho nghề.
Diễn viên Vượng Râu gọi nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là bố, anh chia sẻ với Dân trí về những tháng ngày được làm phim cùng ông với đầy ắp những kỷ niệm và cả nỗi xót thương cho một người nghệ sĩ luôn tận tụy, yêu nghề trong những năm tháng cuối của cuộc đời.
Anh kể, khi làm Cưới đi kẻo ế 1, anh mời nghệ sĩ Phạm Bằng đóng một vai, ông nhận lời rồi nhưng đến ngày quay không thấy ông đâu. Rồi đột nhiên nghe tin ông qua đời. Sau đó, anh mời nghệ sĩ Mai Ngọc Căn nhưng không hề biết ông đang bị ung thư di căn. Và khi biết bệnh tình của ông, cả đoàn làm phim hài lặng đi, không diễn nổi nữa.
Tuy vậy, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn vẫn giữ tinh thần rất lạc quan, vui vẻ. "Bố có tâm sự rằng, điều ông lo nhất là liệu còn được làm phim nữa hay không, liệu có được gặp mọi người nữa hay không? Chứ không phải lo lắng về bệnh tật, hay sự ra đi. Dù ai cũng khuyên bố nghỉ ngơi, dưỡng bệnh nhưng bố nói "không đi quay thì không chịu được, vì nhớ nghề lắm"! Thậm chí, bố còn giấu vợ con đi đóng phim vì sợ gia đình không cho đi", diễn viên Vượng Râu xúc động kể lại.
Anh cho biết, gần hai mươi năm anh được làm việc với các nghệ sĩ lão làng như: cố nghệ sĩ Phạm Bằng, Văn Hiệp, nghệ sĩ Văn Toản, nghệ sĩ Hồng Chương, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn... và anh cảm nhận được ở các cụ là sự chỉn chu và lòng yêu nghề vô bờ bến.
Diễn viên Vượng Râu cảm thấy may mắn khi được gặp gỡ và có nhiều cơ hội làm việc chung với nghệ sĩ Mai Ngọc Căn. Trong ấn tượng của anh, ông là một nghệ sĩ rất mộc mạc, giản dị và gần gũi. Ông không màng tới danh hiệu này kia mà chỉ muốn có thật nhiều sức khỏe để được diễn, được đóng phim.
Anh nói: "Đặc biệt, ở bố Ngọc Căn có một điều rất đáng trân trọng là ông không ngại tham gia cùng với các đạo diễn hay diễn viên trẻ. Ông luôn sẵn sàng cập nhật những điều mới mẻ và muốn học hỏi những cái mới, luôn muốn thật tốt, cố gắng sẽ theo được các bạn. Thậm chí, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, luôn nhiệt tình ủng hộ các thế hệ nghệ sĩ trẻ. Tính cách lạc quan và điềm đạm luôn toát lên từ cử chỉ, cách nói chuyện của bố".
Diễn viên Vượng Râu nói, anh luôn trân trọng phẩm chất của những nghệ sĩ như ông bởi họ giữ được cốt cách của người nghệ sĩ thế hệ đi trước: mộc mạc, chân thành và tận tâm với nghề, với đồng nghiệp và với học trò.
"Chỉ tiếc rằng, với tất cả những gì bố Mai Ngọc Căn cống hiến cho nghệ thuật, cho phim ảnh nhưng đến bây giờ bố vẫn chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT. Sự ra đi của bố để lại niềm tiếc thương với nghệ sĩ, với học trò và gia đình, bạn bè nhưng còn để lại thêm một khoảng trống, mất mát với khán giả và nền điện ảnh nước nhà", diễn viên Vượng Râu tâm sự.
NSƯT Quang Tèo ít có cơ hội làm việc và tiếp xúc với nghệ sĩ Mai Ngọc Căn, nhưng trong mắt anh cũng như rất nhiều nghệ sĩ, ông là người có phong cách chỉn chu, nói năng điềm đạm và sống vô cùng nhân hậu. Với nghệ sĩ Quang Tèo và nhiều nghệ sĩ khác, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là bậc thầy, là "cây đa, cây đề" của nghệ thuật để thế hệ như anh và nhiều diễn viên trẻ học tập, noi gương.
Nghệ sĩ Chiến Thắng chia sẻ: "Bác Mai Ngọc Căn là người sống điềm đạm hiền lành, gần gũi và rất quan tâm đời sống, chuyên môn của anh chị em đồng nghiệp. Bác là người rất tâm huyết, yêu nghề, tôi rất trân trọng những người nghệ sĩ mà cuối đời vẫn muốn cống hiến cho nghệ thuật như vậy".
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn (SN 1940), quê quán Bắc Ninh. Ông xuất thân là thợ mỏ, vì đam mê điện ảnh nên thi tuyển diễn viên. Ông tốt nghiệp khóa I, lớp diễn viên trường Ðiện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tham gia lớp học đầu tiên của trường với các nghệ sĩ như Trà Giang, Lâm Tới...
Năm 1968, nghệ sĩ Mai Ngọc Căn được cử đi học lớp trung cấp đạo diễn trong nước và khi có lớp tuyển đi Nga để học đạo diễn, ông đã thi và đỗ.
Năm 1980, Đại học Sân khấu Điện ảnh thành lập, ông chuyển từ quân sự sang dân sự và tiến hành giảng dạy tại đây.
Năm 1989, cố nghệ sĩ lên Cục Nghệ thuật biểu diễn được 3 tháng thì sang Nga để bảo vệ sau Đại học, sau đó ông trở về Cục công tác. Năm 2000, ông chính thức nghỉ hưu và trở lại với niềm đam mê của mình là đóng phim.
Ông từng được xem là gương mặt quen thuộc của phim truyền hình phía Bắc, chuyên đóng những vai diễn hiền lành khắc khổ. Những bộ phim từng ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả như: Đất và Người, Những ngọn nến trong đêm, Người chiếu bóng, Đường đời, Nếp nhà...
Cố Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn là một trong những diễn viên gạo cội nhận được sự yêu mến của đông đảo các khán giả màn ảnh nhỏ.