Chuyện “đầy nước mắt” của cậu bé bị thiểu năng, giàu nghị lực

(Dân trí) - Tập 14 của “Hát mãi ước mơ” sẽ mang đến câu chuyện “đầy nước mắt” của cậu bé bị thiểu năng nhưng giàu nghị lực vươn lên cuộc sống.

Câu chuyện đầu tiên là về cụ bà Huỳnh Thị Thanh (83 tuổi) dù đã “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ vẫn gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Công việc của cụ là dạy kèm các em học sinh tiểu học quanh xóm. Học phí cụ chỉ thu khoảng 60 nghìn đồng mỗi em, những em hoàn cảnh khó khăn, cụ không nỡ lấy tiền mà dạy miễn phí.

Cụ bà Huỳnh Thị Thanh (83 tuổi) vẫn làm nghề dạy học sinh tiểu học.
Cụ bà Huỳnh Thị Thanh (83 tuổi) vẫn làm nghề dạy học sinh tiểu học.

Ở tuổi gần đất xa trời, chồng đã qua đời, con gái duy nhất lấy chồng xa và cuộc sống cũng khó khăn nên không thể phụ giúp cho cụ. 14 năm trước, cụ không may bị té gãy chân phải phẫu thuật đóng đinh vào chân. Đến nay, do chưa có tiền nên vẫn chưa vẫn thể đi gắp đinh ra khỏi chân. Những lúc trái nắng trở trời, chân đau nhức nhưng vì điều kiện không cho phép nên cụ phải cắn răng chịu đựng.

Cụ Nguyễn Thúy Điệp hát để giúp đỡ người chị đồng nghiệp.
Cụ Nguyễn Thúy Điệp hát để giúp đỡ người chị đồng nghiệp.

Cụ Nguyễn Thúy Điệp, 72 tuổi hiện làm nội trợ ở quận 8, TP.HCM. Cụ Điệp từng là đồng nghiệp cũ nay biết được hoàn cảnh khó khăn của cụ Thanh nên đã đăng kí tham gia chương trình “Hát mãi ước mơ” để mong có được một khoản tiền giúp đồng nghiệp có cuộc sống đỡ vất vả hơn, có thể đi viện điều trị đôi chân và tiếp tục sự nghiệp “gõ đầu trẻ” của mình.

Câu chuyện thứ 2 xúc động không kém là người chơi Đào Thị Lệ Xuân, 32 tuổi hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh. Chị Xuân còn dạy thêm ngoại ngữ ở nhà và làm công việc dịch sách. Tuy bị khiếm thị nhưng chị Xuân là một vận động viên cờ vua cừ khôi với thành tích đáng nể.

Chị Đào Thị Lệ Xuân tham gia chương trình vì người bạn có hoàn cảnh bất hạnh.
Chị Đào Thị Lệ Xuân tham gia chương trình vì người bạn có hoàn cảnh bất hạnh.

Chị tham gia chương trình để hát giúp cho người bạn cũng bị khiếm thị như mình, đó là chị Mã Thị Hồng Phấn, 26 tuổi, quê ở Bình Thuận. Chị Phấn từng là sinh viên Đại học Sư phạm nhưng số phận trớ trêu, chị bị bệnh dẫn đến thị lực mất hẳn.

Trước khi biết mình mang thai, người chồng “đầu ấp tay gối” đã dứt áo ra đi, để chị nuôi con một mình với bao nỗi nhọc nhằn của người không thấy ánh sáng. Ước nguyện lớn nhất của chị là được nhìn thấy con trai lớn lên khỏe mạnh từng ngày và trau dồi thêm ngoại ngữ để có công việc ổn định hơn, cải thiện cuộc sống cho hai mẹ con sau này.

Chuyện “đầy nước mắt” của cậu bé bị thiểu năng, giàu nghị lực - 4
Chuyện “đầy nước mắt” của cậu bé bị thiểu năng, giàu nghị lực - 5
Chị Mai Huỳnh Bích Thơ và cậu học trò bị bệnh bại não Nguyễn Tấn Hoàng Nhật.
Chị Mai Huỳnh Bích Thơ và cậu học trò bị bệnh bại não Nguyễn Tấn Hoàng Nhật.

Câu chuyện kế tiếp là chị Mai Huỳnh Bích Thơ, 40 tuổi, hiện đang làm giáo viên dạy trẻ tàn tật ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè – TP.HCM. Chị Thơ cũng có đứa con chậm phát triển nên chị rất yêu quý trẻ em nơi đây.

Chị sẽ hát cho em Nguyễn Tấn Hoàng Nhật bị bại não nên dù đã 8 tuổi nhưng em vẫn học chương trình của lớp mầm. Dù khó khăn là thế nhưng em rất nghị lực và biết vươn lên trong cuộc sống. Em nhận thức được và luôn cố gắng mỗi ngày để có thể ngày nào đó phát triển bình thường như bao bạn cùng trang lứa khác.

Cuộc sống hiện tại của em và gia đình khá khó khăn khi ba mẹ em lao động vất vả, mẹ thì làm tạp vụ, cha làm phụ hồ. Em còn hai anh chị đang ở tuổi ăn tuổi học. Gia đình luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn trăm bề, học phí luôn đóng trễ so với các bạn. Đến nỗi, gia đình không mua nổi cho em chiếc xe lăn làm phương tiện đi lại.

Điểu Náp và cha là ông Y Thim trên sân khấu Hát mãi ước mơ.
Điểu Náp và cha là ông Y Thim trên sân khấu "Hát mãi ước mơ".

Câu chuyện cuối cùng là chàng trai người Tây Nguyên tên Điểu Náp. Cha của Điểu Náp là ông Y Thim, một người nông dân vốn có đam mê với âm nhạc truyền thống Tây Nguyên. Ông vừa làm ruộng nuôi gia đình, vừa đi sưu tầm cổ vật về âm nhạc Tây Nguyên.

Bản thân ông chơi được rất nhiều nhạc cụ Tây Nguyên. Dù không khá giả, đi làm nông làm rẫy nhưng ông vẫn giữ được căn nhà sàn truyền thống và ngày ngày truyền đam mê lại cho các con. Nhà ông có 5 người con trai cũng đều biết chơi nhạc cụ. Ở Tây Nguyên hiện tại, những người như ông và gia đình ông còn lại rất ít, có những buôn làng không còn đến một cây đàn T’rưng, một cây sáo.

4 người chơi đều mang 4 tấm lòng đáng kính.
4 người chơi đều mang 4 tấm lòng đáng kính.

Ước mơ của ông Y Thim là âm nhạc truyền thống Tây Nguyên nói riêng và truyền thống Tây Nguyên nói chung mãi được các thế hệ trẻ tiếp nối gìn giữ. Điểu Náp hiểu được ước mơ của cha nên đăng kí tham gia chương trình để hát và giới thiệu ước mơ của cha mình đến mọi người. Mong ước của Điểu Náp là mọi người cùng chung tay viết tiếp ước mơ gìn giữ âm nhạc truyền thống Tây Nguyên đang dần bị mai một.

Tập 14 “Hát mãi ước mơ” được phát sóng vào lúc 20h25 ngày 1/6.

Hà Tùng Long