Chuyện chưa kể về “trận đánh” để Hoàng Thành Thăng Long trở thành Di Sản
(Dân trí) - Với Đại sứ Phạm Sanh Châu, vị tư lệnh” trên mặt trận văn hóa đối ngoại, việc tham gia vận động Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (HTTL) trở thành Di sản Văn hóa Thế giới là một kỷ niệm đáng nhớ với sự nghiệp ngoại giao của mình. Ông coi đó là “trận đánh” đầy vinh quang nhưng cũng rất đỗi gian truân.
Trong suốt 34 năm trong ngành ngoại giao, ông đã làm việc tại một số đơn vị như Vụ các vấn đề chung (nay là Vụ Các Tổ chức quốc tế); Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Đại sứ tại Bỉ và Luxembourg kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu. (EU). Hiện nay, ông đang giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ với phóng viên Dân trí câu chuyện về việc HTTL dành danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO.
Con đường tới danh hiệu: gần như "bất khả thi"
Được Lãnh đạo Bộ Ngoại giao phân công về nhận nhiệm vụ tại Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (năm 2007), với cương vị là “tư lệnh” trên mặt trận đối ngoại, trong những ngày đầu tiên trên cương vị mới, ông cũng chưa hình dung sẽ có dịp được tham gia một “trận đánh” đầy vinh quang nhưng cũng rất đỗi gian truân, đó là việc vận động để Hồ sơ HTTL được UNESCO, một món quà quý giá cho Đại lễ 1.000 năm của Thăng Long – Hà Nội.
Khi xây dựng và bảo vệ Hồ sơ HTTL, chúng ta vấp phải rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc lựa chọn các tiêu chí để xây dựng hồ sơ. Các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đều công nhận HTTL có giá trị nổi bật toàn cầu, nhưng cần chọn những tiêu chí thật “đắt”, tiêu biểu, độc đáo để chứng minh.
Thật may mắn, cuối cùng nhóm viết Hồ sơ cũng lựa chọn được những nét độc đáo của HTTL về kiến trúc, khảo cổ và nhất là ý nghĩa lịch sử như một trung tâm quyền lực liên tục của Việt Nam trong vòng 13 thế kỷ.
Khó khăn thứ hai, và đây là thách thức thật sự, xuất hiện sau khi Việt Nam xây dựng, đệ trình hồ sơ lên Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO và chỉnh sửa theo yêu cầu. Việt Nam đã đón đoàn chuyên gia vào thẩm định trên thực địa đối với HTTL. Các ý kiến thăm dò ban đầu cho thấy hồ sơ viết khá tốt và có vẻ như đoàn chuyên gia cũng đánh giá tương đối khả quan. Tuy nhiên sau đó, Phái đoàn ta tại UNESCO cho biết hồ sơ bị đánh giá loại “D” vì Icomos, cơ quan tư vấn độc lập của UNESCO về di sản văn hóa, đã cử chuyên gia kiến trúc đến khảo sát trong khi Hoàng thành mạnh về khảo cổ.
UNESCO quy định các mức độ đánh giá hồ sơ, trong đó “I” là ghi danh hồ sơ vào Danh sách di sản; “R” là gửi trả lại hồ sơ để các quốc gia đệ trình bổ sung thông tin và trình lại vào năm sau; “D” là gửi trả lại hồ sơ, cần bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ, tiếp tục các công tác nghiên cứu đối với hồ sơ và trình lại sau 3 năm; “N” là loại hồ sơ và không bao giờ xem xét lại.
Theo thông lệ, một hồ sơ khi bị ICOMOS đánh giá loại “D”, nếu vận động ráo riết thì cũng chỉ có thể đưa lên loại “R”. Khả năng lên được loại “I” là rất khó khăn, một nhiệm vụ gần như “bất khả thi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cùng nhiều lãnh đạo khác lúc đó chỉ đạo bằng mọi giá phải vận động thành công cho Hồ sơ HTTL vì nếu không Đại lễ 1000 năm sẽ kém phần ý nghĩa.
Nỗ lực chuyển bại thành thắng
Một chiến dịch vận động được đề ra, trong đó tập trung vào hai “mặt trận”: chuyên môn và ngoại giao. Một mặt, ta chuẩn bị lập luận thật kỹ, giải trình các vấn đề mà ICOMOS còn băn khoăn hoặc có cách hiểu chưa đúng với giá trị của HTTL; đồng thời chuẩn bị nội dung Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới (Ủy ban).
Mặt khác, Việt Nam tiến hành vận động từ Lãnh đạo Cấp cao đến các cấp khác; vận động ráo riết tại Hà Nội, tại Thủ đô 21 nước thành viên Ủy ban và tại các Phái đoàn của các nước ở UNESCO, Paris.
Bước vào giai đoạn vận động nước rút cho Hồ sơ HTTL tại Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban ở Braxin (tháng 6/2010), hành trang đoàn Việt Nam mang sang đất nước của vũ điệu Samba cuồng nhiệt là cam kết ít ỏi của một số nước ủng hộ Hồ sơ, một vài lời hứa sẽ xem xét hồ sơ nhưng đoàn vẫn quyết tâm hoàn thành “sứ mệnh” được giao phó.
Cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Tp. Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao ráo riết, bài bản từ trước khi Hội nghị của Ủy ban diễn ra. Tuy nhiên, tình hình thực tế tại Hội nghị không thuận lợi như ta vẫn mong đợi. Không khí chung của Hội nghị trở nên căng thẳng và bị chi phối bởi Hồ sơ Đền Preah Vihear của Campuchia được Ủy ban ghi danh là Di sản văn hóa thế giới và phản ứng mạnh mẽ của Thái Lan (cả Thái Lan và Campuchia khi đó đều là thành viên Ủy ban).
Bên cạnh đó, xu thế “lật ngược” quyết định của ICOMOS đối với một hồ sơ là rất khó khăn vì nhiều nước lớn, có ảnh hưởng khác đã gây sức ép để “lật ngược” hồ sơ của họ. Nếu Việt Nam cũng gây sức ép đòi thay đổi dự thảo quyết định sẽ tạo nên một “làn sóng” đòi lật ngược các hồ sơ, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tư vấn ICOMOS. Đây là điều Ủy ban và Trung tâm Di sản thế giới rất muốn tránh.
Trước khó khăn chồng chất, các thành viên trong đoàn Việt Nam đã chuẩn bị thật tốt hồ sơ, lập luận…tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất để tiếp xúc và vận động tất cả các đoàn, giải thích giá trị của HTTL, nêu bật quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước.
Đoàn cũng khẳng định cam kết của Thủ tướng Chính phủ đối với các yêu cầu của UNESCO. Và với lập luận cuối cùng: “Đây là cơ hội nghìn năm chỉ xuất hiện một lần, chúng tôi không thể đợi thêm 1000 năm nữa”. Với sự chỉ đạo sát sao từ trong nước, và cả sự ủng hộ từ các bậc tiền nhân, Hồ sơ HTTL đã được Ủy ban ghi nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thời khắc Chủ tịch Ủy ban gõ búa thông qua Nghị quyết công nhận hồ sơ HTTL, cảm xúc của các thành viên trong đoàn Việt Nam như muốn vỡ òa với niềm tự hào to lớn vì đã đóng góp công sức cho HTTL, món quà tri ân với người dân Việt Nam.
Không chỉ có HTTL, ông Phạm Sanh Châu còn đóng góp sức vận động thành công nhiều di sản quan trọng như: Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (2005), Ca Trù (2009), Quan họ Bắc Ninh (2009) và Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn - Hà Nội (2010). Đặc biệt, khi ở vị trí Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Unesco, ông đã "lật ngược" dự thảo quyết định của Uỷ ban Di sản Thế giới để bảo vệ thành công Vườn Quốc gia Phong nha Kẻ bàng năm 2003.
Khi đảm nhiệm cương vị Đại sứ tại Bỉ và Luxembourg kiêm Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU, ông cũng tham gia vận động thành công Di sản còn Thành nhà Hồ (2011), Bia Văn miếu Quốc tử giám (2010) và Tín ngưỡng Vua Hùng năm (2012).
Chính vì thế, ông được nhiều người biết đến với cái tên quen thuộc “Nhà Ngoại giao di sản”.
Nam Hằng
(Thực hiện)