Chuyện chưa kể về bảo vật quốc gia hàng ngàn năm tuổi

Quốc Triều

(Dân trí) - 26 năm trước, tượng Tu sĩ Phú Hưng bị trộm ở Quảng Nam đưa vào TPHCM tiêu thụ. Thời điểm đó, giới chơi đồ cổ đã ra giá 50.000 USD cho bức tượng "độc nhất vô nhị" này.

Tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đang lưu giữ 3 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt nhất trong số đó là tượng Tu sĩ Phú Hưng.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết, tượng Tu sĩ Phú Hưng có nguồn gốc từ tháp Phú Hưng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm 1994, tượng bị trộm rồi đưa vào TPHCM tiêu thụ. Vụ việc được Công an Quảng Ngãi phát hiện, thu giữ hiện vật và chuyển giao cho Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi lưu giữ. Năm 2018, tượng Tu sĩ Phú Hưng được công nhận là bảo vật quốc gia.

"Tượng Tu sĩ Phú Hưng là một tác phẩm đỉnh cao của người Chăm nên được giới chơi đồ cổ săn lùng. Thời điểm bị công an bắt giữ, những kẻ buôn đồ cổ khai nhận có người ra giá 50.000 USD cho bức tượng này", Tiến sĩ Khôi thông tin.

Chuyện chưa kể về bảo vật quốc gia hàng ngàn năm tuổi - 1

Tượng Tu sĩ Phú Hưng được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018 (Ảnh: Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi)

Tượng Tu sĩ Phú Hưng có niên đại thế kỷ IX-X. Đây là pho tượng thần Shiva thể hiện dưới dạng một tu sĩ được đặc tả khá sống động  Hiện vật độc bản này cho thấy nghệ thuật tạo hình của dân tộc Chăm đã đạt đến đỉnh cao.

Tượng Tu sĩ Phú Hưng được tạo tác dưới dạng tượng tròn trong tư thế ngồi tĩnh tọa trên bệ đá, dựa lưng vào tấm tựa cách điệu đền tháp Champa. Phần đầu tu sĩ có hào quang hình búp sen, mô tả vị thầy thông thái của người Champa với khuôn mặt hiền từ, thanh tú, toát lên vẻ thần thái, đôn hậu. Tay phải của tượng cầm chuỗi hạt, tay trái cầm hoa sen. Toàn bộ thân tượng, tấm tựa phía trên và bệ đá phía dưới được tạc từ nguyên một khối đá. Tấm tựa được tạo tác giống hình dáng cửa vòm đền tháp Champa.

Chuyện chưa kể về bảo vật quốc gia hàng ngàn năm tuổi - 2

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, tượng Tu sĩ Phú Hưng là sự kết tinh tinh hoa nghệ thuật của truyền thống tạc tượng Champa nói chung và là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tu sĩ nói riêng (Ảnh: Phương Lý)

Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Tượng tu sĩ Phú Hưng đáp ứng được 3 tiêu chí độc bản, hiện vật có hình thức độc đáo và đại diện cho một phong cách nghệ thuật.

Đến thời điểm này, tượng Tu sĩ Phú Hưng là hiện vật độc bản tại Việt Nam. Tượng Tu sĩ Phú Hưng có kích thước lớn hơn hẳn các tượng cùng loại của Mỹ Sơn và Trà Kiệu. Pho tượng này cũng là tượng thần Shiva duy nhất thể hiện dưới dạng thầy tu có những nét đặc trưng riêng mà ở các tượng thần Shiva cùng loại không có.

Chuyện chưa kể về bảo vật quốc gia hàng ngàn năm tuổi - 3

Các chi tiết trên tượng được chế tác vô cùng tinh xảo, sống động

Tượng tu sĩ Phú Hưng có hình thức và phong cách độc đáo không giống và không lẫn với các tượng thần được tìm thấy ở các nhóm tháp Mỹ Sơn (nhóm B và nhóm A) có cùng niên đại khoảng cuối thế kỷ IX. Nét độc đáo nữa là, tượng còn được thể hiện chân thực hơn, chi tiết hơn, thanh tú hơn so với tượng các vị thần ở các nhóm tháp nói trên.

"Đây là pho tượng đại diện cho nghệ thuật chuyển tiếp từ phong cách Đồng Dương qua phong cách nghệ thuật Trà Kiệu muộn, là sự kết tinh tinh hoa nghệ thuật của truyền thống tạc tượng Champa nói chung và là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tu sĩ nói riêng", Tiến sĩ Khôi cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm