Chúng ta vừa trải qua ngày “đen đủi” nhất trong năm
(Dân trí)- Năm 2014 chỉ có duy nhất một ngày thứ 6 ngày 13. Thứ 6- ngày 13/6 vừa qua được ví là ngày “đen đủi” nhất trong năm theo quan niệm của người phương Tây. Vì sao?
Thứ 6 ngày 13 của bất kỳ tháng nào trong bất kỳ năm nào cũng đều bị xem như một ngày kém may mắn ở nhiều nước phương Tây, điển hình là tại Anh, Đức, Bồ Đào Nha… Điều tương tự còn bắt gặp cả ở những khu vực khác trên thế giới.
Tại phương Đông, những quan niệm “mê tín” về thứ 6 ngày 13 cũng dần trở nên phổ biến khi giao lưu văn hóa Đông - Tây ngày càng sâu rộng.
Nỗi sợ mơ hồ này bắt nguồn từ thời cổ đại, khi đó, người ta bắt đầu tin rằng thứ 6 và ngày 13 nếu kết hợp với nhau sẽ tạo nên một ngày đen đủi, bất hạnh.
Hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 là một hội chứng tâm lý phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phương Tây. Hội chứng này có một cái tên khoa học khá dài và rắc rối là “friggatriskaidekaphobia”. Đây là từ ghép của từ “Frigg” - một vị nữ thần của người Na Uy, đồng thời là tên gọi của ngày thứ 6 cùng với từ “triskaidekaphobia” - từ chỉ nỗi sợ con số 13.
Mỗi năm, thế giới thiệt hại khoảng 700-800 triệu đô la vì mỗi thứ 6 ngày 13. Vào những ngày này. nhiều người “mê tín” sẽ hạn chế ra ngoài, hạn chế những công việc làm ăn, vì vậy hoạt động giao dịch, luân chuyển tiền tệ trong thứ 6 ngày 13 giảm hẳn. Thậm chí, nhiều hãng bay còn ghi nhận hiện tượng nhiều khách hủy chuyến bay trong ngày này.
Hơn hết thảy, minh chứng rõ ràng nhất cho nỗi sợ con số 13 chính là hơn 80% các tòa nhà cao tầng ở phương Tây không có tầng thứ 13, nhiều sân bay không có cửa số 13 và bệnh viện cũng không có phòng số 13.
Vậy ý niệm về thứ 6 ngày 13 bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời là bắt nguồn từ tôn giáo xa xưa.
Trước hết, trong bữa tối cuối cùng của Chúa có 13 người. Tông đồ Judas đã phản bội Chúa sau bữa tối này. Bên cạnh đó, Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự vào một ngày thứ 6. Ngoài ra, nhiều học giả cũng tin rằng Eva đã khiến Adam ăn trái cấm vào một ngày thứ 6.
Bộ luật Hammurabi cổ xưa của thành quốc Babylon cổ đại cũng không có điều luật số 13. Người Ai Cập cổ đại thì coi giai đoạn thứ 13 trong cuộc đời chính là giai đoạn sống sau khi con người… đã chết.
Ngoài ra, con số 13 còn hay xuất hiện trong những câu chuyện không may. Chẳng hạn như trong thần thoại Na Uy, 11 người bạn thân của thần Odin - người sinh ra tất cả các vị thần khác - một hôm quyết định cùng nhau mở tiệc.
Vị thần Loki là nhân vật thứ 13 xuất hiện tại bữa tiệc. Loki là thần tội ác và hỗn loạn, vì không được mời tham gia dự tiệc nên đã đến phá tan buổi tiệc. Một trong các vị thần là thần Balder - vị thần của niềm vui và hạnh phúc - đã chết dưới tay Loki. Balder chết, cả Trái Đất chìm trong bóng tối tang tóc.
Hay như chuyện vua Philip IV của nước Pháp từng ra lệnh tử hình nhóm Hiệp sĩ dòng Đền - những nhân vật quyền thế nắm quyền điều khiển dòng tiền lưu thông tại Pháp thời bấy giờ, đơn giản bởi nhà vua đã nợ nhóm này quá nhiều tiền.
Muốn rũ nợ, nhà vua liền tìm cách xử tử họ. Vào thứ 6, ngày 13/10/1307, nhóm Hiệp sĩ dòng Đền bị đem xử tử một cách oan ức. Sự kiện này đã trở thành sự khởi đầu cho những chuyện xui xẻo, tai họa giáng xuống triều đại của vua Philip IV.
Ngoài ra, đời sống xã hội từ Đông sang Tây dường như cũng không ủng hộ con số 13, thay vào đó, người ta ưa chuộng con số 12, một con số dường như đem lại cảm giác về sự hoàn hảo, toàn vẹn. Ví dụ: 12 tháng trong năm, 12 giờ trên mặt đồng hồ, 12 con giáp, 12 tông đồ của Chúa…
Ngoài ra, con số này còn là con số “độ lượng”, “hài hòa”, khi nó có thể có thể chia hết cho nhiều số khác, như 1, 2, 3, 4, 6, 12.
Cuối cùng, thứ 6 ngày 13 duy nhất của năm 2014 đã đi qua. Dù đỏ đắn hay đen đủi, nó cũng đã trôi qua. Người dân trên khắp thế giới có thể an tâm rằng, cho đến hết năm nay, sẽ không có thêm một thứ 6 ngày 13 nào nữa. Tuy vậy, sang năm 2015, họ sẽ phải chuẩn bị tâm lý để đón tới 3 ngày “định mệnh”, lần lượt vào 13/2, 13/3 và 13/11.
Bích Ngọc
Theo Business Insider