Chung kết Sao Mai 2013: Có tìm được luồng gió mới?

(Dân trí) - Ba đêm chung kết 3 phong cách âm nhạc của Sao Mai 2013 đã diễn ra với chất lượng chuyên môn khá cao, thí sinh được đánh giá đồng đều, chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn phàn nàn rằng Sao Mai quá thiên về học thuật mà mất đi tính “nghệ sỹ”…

Trải qua 3 đêm thi 3 phong cách âm nhạc của Sao Mai năm nay: phong cách âm nhạc thính phòng, phong cách âm nhạc dân gian và phong cách nhạc nhẹ; Rõ ràng thấy một điều, các thí sinh dường như quá chú tâm vào kỹ thuật để hát cho “tròn” cho “chuẩn” mà mất đi tính “nghệ sỹ”, sự lãng mạn, bay bổng của âm nhạc.

Phong cách âm nhạc thính phòng: Nặng nề và cũ kỹ

Nhiều thí sinh nhầm lẫn khi đăng ký tham gia phong cách âm nhạc thính phòng là phải hát đúng kiểu thính phòng. Thực ra, đây chỉ là “phong cách” tức là các ca khúc đương đại được viết theo âm hưởng của dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Thế nên, kỹ thuật hát thính phòng cần được thể hiện, nhưng không được lạm dụng, vì đây là trình diễn ca khúc. Nhiều thí sinh quá thiên về trưng trổ kỹ thuật, trong khi đa số đều vẫn đang là sinh viên, kỹ thuật còn “non” cho nên thường bị quá sức, dẫn đến chênh phô, hụt hơi… Chưa nói, nhiều thí sinh tư duy cũ kỹ trong cả việc chọn bài hát lẫn cách hát. Có thí sinh dập khuôn y như cách hát của thày cô trực tiếp giảng dạy, điều này chứng tỏ sự thiếu sáng tạo, không có cá tính riêng và sẽ rất khó thành công.
 
Chung kết Sao Mai 2013: Có tìm được luồng gió mới?

Nếu như Võ Hồng Quân bớt trưng trổ kỹ thuật hơn thì ngôi vị quán quân dòng nhạc thính phòng gần như cầm chắc trong tay cô

Ngay cả Võ Hồng Quân, du học sinh Pháp - ứng viên sáng giá nhất phong cách âm nhạc thính phòng Sao Mai năm nay, cũng mắc “bệnh” này. Võ Hồng Quân hát “ra chất” opera nhất, tuy nhiên, điều này trở thành “khó nghe” đối với khán giả thông thường, cô hát khá căng cứng và nặng nề, phù hợp với việc hát trả bài trong trường nhạc hơn là biểu diễn một ca khúc, cần phải truyền tải tinh thần và cảm xúc đến với khán giả.

Nếu Võ Hồng Quân biết điều chỉnh những chi tiết này, cô sẽ chọn những bài hát phù hợp, vừa khoe chất giọng nữ cao trong sáng, vang và một nền tảng kỹ thuật tương đối khá, vừa thể hiện được cảm xúc của mình để truyền tải đến khán giả, tạo nên một phần thi vừa đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ban giám khảo, vừa hấp dẫn đối với công chúng.

Ở vòng thi này, đáng tiếc, một số thí sinh hát khá tình cảm, nhẹ nhàng nhưng vẫn không chinh phục được  ban giám khảo như Đào Văn Mác, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Tuấn Dương…

Phong cách dân gian: Đi tìm sự đột phá, sáng tạo

Xem đêm chung kết Sao Mai 2013 phong cách âm nhạc dân gian, người ta dễ dàng nhận thấy sự một màu, ngòn ngọt và na ná nhau của các thí sinh. 11 giọng hát trong đó có 9 cô gái với 9 bộ áo dài quen thuộc đến mức… nhàm chán, dù họ mặc đẹp. Âm nhạc thì đậm đặc “miền Trung” và “trù, chèo” khiến không gian đêm thi khá nặng nề và buồn tẻ. Hàng loạt các ca khúc quen thuộc với cuộc thi Sao Mai vẫn được các thí sinh chọn lựa mà các đàn anh đàn chị đã chọn trước đó. Đa số vẫn chỉ là dân gian Bắc Bộ và âm hưởng dân gian xứ Nghệ mà thiếu vắng hẳn những ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ…
 
Chung kết Sao Mai 2013: Có tìm được luồng gió mới?

Nếu như các thí sinh khác cũ kỹ với “trù, chèo, dân ca Nghệ Tĩnh” thì Thùy Dung lại chọn một ca khúc vui tươi, tiết tấu nhanh mang âm hưởng dân gian Tây Bắc – sẽ là điểm nhấn của dòng nhạc dân gian

Sự “bắt chước” lớp ca sỹ đi trước, dập khuôn từ cách chọn bài đến cách hát dễ dẫn đến nhàm chán. Nhiều ca sỹ hát như Thu Hiền, Anh Thơ mà không biết rằng, đã là bắt chước thì luôn là “bản lỗi”, bằng được “bản chính” đã là điều không tưởng chứ đừng nói là vượt qua. Vì thế, rất cần các thí sinh sẽ mạnh dạn lựa chọn ca khúc và hình thức biểu diễn mới mẻ.

Còn nhớ Sao Mai 2009, khi ấy Minh Chuyên - Quán quân Hội đồng nghệ thuật Sao Mai điểm hẹn 2012 còn sự thi ở dòng nhạc dân gian, chứ không thi nhạc nhẹ. Minh Chuyên thực sự đã tạo ấn tượng mạnh với ca khúc Son (Đức Nghĩa) và Độc thoại Thị Màu (Nguyễn Cường). Dù 2 bài hát này gây tranh cãi vì nó vừa “nhạc nhẹ” lại vừa “dân gian” nhưng rõ rang, nó đã tạo ra một luồng gió mới, cách nhìn mở cho dòng nhạc này. Đặc biệt, khán giả rất thích thú khi xem Minh Chuyên biểu diễn.

Hay như ở cuộc thi The Voice vòng Đo ván vừa phát sóng gần đây, có thí sinh chọn ca khúc Uống trà rất đương đại mà vẫn dân gian, rất được khán giả yêu thích, ngưỡng mộ phần trình diễn đầy biến ảo này.

Vì thế, trong hàng loạt những ca khúc mang đậm âm hưởng “trù, chèo, Nghệ Tĩnh…” với cách hát cũ kỹ và khá dập khuôn thì thí sinh nào chọn một ca khúc khác “chất” dân gian Tây Bắc hoặc âm hưởng Tây Nguyên… có thể sẽ gây ấn tượng và tạo được cảm tình của ban giám khảo và khán giả.

Nhạc nhẹ: Hy vọng vào lớp trẻ

Có thể hy vọng sự mới mẻ, trẻ trung nhiều nhất ở dòng nhạc nhẹ khi những ứng viên sáng giá đều ở độ tuổi rất trẻ như Thanh Huyền (sinh năm 1995), Ngọc Vũ (1992), Hồng Chinh (1991). Đây là những gương mặt tạo nên sức trẻ, hứa hẹn sẽ lôi cuốn khán giả trong đêm chung kết xếp hạng tới đây.
 
Thí sinh dòng nhạc nhẹ: Thanh Huyền - Ngọc Vũ

Thí sinh dòng nhạc nhẹ: Thanh Huyền - Ngọc Vũ

Thanh Huyền đến từ Thanh Hóa và Ngọc Vũ TP. Hồ Chí Minh được cho là “cứu cánh” của nhạc nhẹ Sao Mai năm nay, chính họ cũng là những người gây “bùng nổ” ở các đêm thi vòng khu vực miền Trung và miền Nam. Hai giọng hát cá tính và rất nghệ sỹ sẽ “đốt cháy” sân khấu để chinh phục khán giả.

Bên cạnh đó là Hồng Chinh - thí sinh “chủ nhà” Hải Phòng cũng là một gương mặt hấp dẫn cả giọng hát lẫn hình ảnh. Phần thi của các thí sinh nhạc nhẹ sẽ khép lại đêm thi chung kết xếp hạng.

Hy vọng với sức trẻ và niềm đam mê âm nhạc, Thanh Huyền, Ngọc Vũ, Hồng Chinh, Tịnh Uyên sẽ có một màn kết ấn tượng và để lại dư âm tốt đẹp cho khán giả về một mùa Sao Mai không ồn ào…

Hà Thanh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm