Chùa Tây Phương đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt
(Dân trí) - Sáng 23/4, tại chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội đã tưng bừng diễn ra Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận bảo vật quốc gia tượng Phật Chùa Tây Phương và khai hội truyền thống năm 2015.
Chùa Tây Phương được đặt trên đỉnh núi cao hơn 100m, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi. Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Chùa đã được trùng tu nhiều lần đến thời nhà Tây Sơn 1788-1802, được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh: Để phát huy những giá trị của di tích chùa Tây Phương một cách có hiệu quả mong muốn Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất cần làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy di tích lâu dài, kiện toàn ban quản lý di tích Chùa Tây Phương, bảo vệ kiến trúc các hiện vật của chùa tuyệt đối an toàn, Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đến đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài nước đặc biệt là lớp trẻ, tiếp tục xây dựng kế hoạch để hàng năm tu bổ tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp. Đồng thời mong muốn nhân dân Tp Hà Nội tiếp tục chung tay góp sức bảo vệ khai thác và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn Tp Hà Nội nói chung và di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương nói riêng.
Xây dựng những giá trị di tích lịch này trở thành những địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam và là niềm vinh dự tự hào và trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Đây chính là những giá trị di sản văn hóa truyền thống là điểm tựa động lực xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Kết thúc buổi lễ, lãnh đạo huyện Thạch Thất và Ban Trụ trì Chùa Tây Phương đã đánh trống khai hội Chùa Tây Phương. Lễ hội chùa Tây Phương sẽ được diễn ra từ ngày diễn ra đến ngày 28/4 (tức 10/3 Âm lịch).
Cùng ngày, tại Khu danh lam thắng cảnh chùa Thầy, huyện Quốc Oai cũng đã diễn ra lễ đón bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia và khai hội chùa Thầy.
Chùa Thầy được xây dựng từ thời Lý, là một tổ hợp nhiều công trình lớn, rất cổ kính, to đẹp về quy mô và tinh xảo trong trang trí điêu khắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, đặc biệt là bệ đá hoa sen hình hộp, nhị cấp, được các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào thời Lý Trần và bộ tượng Di Đà Tam Tôn niên đại đầu thế kỷ 17 được công nhận Bảo vật Quốc gia.
Không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, chùa Thầy còn là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến. Nơi đây thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây cũ, cũng là nơi được nhiều lần đón Bác Hồ về ở và làm việc trước khi Người lên chiến khu Việt Bắc chỉ đạo kháng chiến.
X. Thái