"Chú Phú Quang gắng sức lắm rồi, thương lắm"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Đợt chú Phú Quang nhập viện điều trị, hôn mê sâu mà tôi không vào thăm được, người bạn gửi cho ảnh chú trên giường bệnh điều trị thực vật mà mấy chị em đều khóc", ca sĩ Minh Chuyên nghẹn giọng nói.

Minh Chuyên là ca sĩ gắn bó với âm nhạc Phú Quang, từng được ví von là "nàng thơ mới" của vị nhạc sĩ sau Ngọc Anh 3A. Khi PV Dân trí liên lạc với Minh Chuyên vào buổi trưa 8/12, nữ ca sĩ vẫn trong trạng thái xúc động, nghẹn giọng khi nghe tin nhạc sĩ Phú Quang đã qua đời :

"Đến lúc này, tôi vẫn chưa bình tĩnh được. Tôi đang nấu ăn sáng cho con, nhận tin báo từ anh Tú "trọc" nhạc công là nhạc sĩ Phú Quang vừa mất mà lòng rối bời suốt từ sáng đến giờ. Tôi điện cho anh Long, trợ lý trước đây của chú Quang. Hai anh em bật khóc nức nở.

Tôi thương chú quá! Chú mất mà chưa được nhìn thấy chú. Tôi ngồi lỳ trong phòng, nghe nhạc của chú mà buồn đau quá, muốn ra chơi với con mà bước ra đến cửa, nước mắt lại trào ra. Tôi không muốn con trai nhìn thấy mẹ trong tình cảnh ấy.

Thực sự, có nhiều cuộc điện thoại báo chí gọi đến nhưng tôi không bắt máy, lúc này tôi không biết nói gì, bắt đầu từ đâu.

Chú Phú Quang gắng sức lắm rồi, thương lắm - 1

Ca sĩ Minh Chuyên và nhạc sĩ Phú Quang trong một đêm nhạc (Ảnh: NVCC).

Có một thời gian, người ta cứ ví von Minh Chuyên là "nàng thơ mới" của Phú Quang. Tôi cũng không có suy nghĩ ấy, chỉ đơn giản là tôi đến với nhạc Phú Quang một cách tự nhiên, là nhân duyên. Tôi cũng không bao giờ phủ nhận những điều chú mang lại cho mình, sự thành công. Ai cũng biết đến Minh Chuyên từng gắn bó với âm nhạc Phú Quang, và hiện tại tôi vẫn hát âm nhạc của chú.

Tôi dừng lại một thời gian vì bận rộn với con cái nhưng lúc nào tôi cũng biết ơn chú đã đem đến cho mình rất nhiều thành công trong quãng thời gian vừa qua.

Trước đây, vì ở xa tôi không thể đến thăm chú thường xuyên nhưng mỗi khi tập chương trình với chú, tôi thường đến sớm và nán ở lại lâu nhất để trò chuyện với chú.

Thời gian vừa rồi, tôi ra Hà Nội cũng không vào viện thăm chú được bởi dịch Covid-19. Đợt chú nhập viện điều trị, hôn mê sâu mà tôi không vào thăm được, tôi được người bạn gửi cho ảnh chú trên giường bệnh, điều trị thực vật mà mấy chị em đều khóc.

Chú nằm vậy cũng hơn một năm, cứ ống nọ dây kia truyền vào. Có thời gian ngắn chú về nhà, sau đó lại nhập viện tiếp. Nhìn chú Phú Quang nhìn vậy thôi, thương lắm!

Chú Phú Quang gắng sức lắm rồi, thương lắm - 2

Cố nhạc sĩ không ít lần đệm đàn cho "nàng thơ mới" hát (Ảnh: NSCC).

Những lần làm chương trình của chú, tôi thường hỏi han: "Chú ăn gì chưa?", rồi đi mua đồ ăn kiêng cho chú. Chú bị bệnh tiểu đường, phải ăn kiêng.

Vốn là người nhạy cảm, để ý từ cái nhỏ, tôi cảm nhận con người chú cũng như âm nhạc của chú. Tôi thương chú như bậc cha chú của mình. Chú nằm viện đúng thời gian dịch bệnh, cũng không nhiều người có thể vào thăm. Giờ dịch dã thế này, không biết tang lễ của chú tổ chức như thế nào...

Tôi nhớ, khi làm việc cùng, đối với tôi, chú rất là nhẹ nhàng. Không có sự ưu ái nào cả, chỉ là chú nói rất thật và tôi cũng tiến bộ, trưởng thành nhiều. Nhiều người biết đến Minh Chuyên ở sân khấu lớn là nhờ Phú Quang. Tôi vô cùng biết ơn chú vì điều đó!

Trong công việc chú là người khắt khe nhưng tôi nghe lời nên không có gì ấm ức cả. Tôi thấy những gì chú chỉ bảo đều đúng, và tôi làm theo hết. Tôi không thấy áp lực, mà thấy trân quý. Chú là cha đẻ của những ca khúc ấy nên chú hiểu được từng hơi thở, nhấn nhá, ca từ. Tôi yêu âm nhạc của chú nữa, nên nghĩ mình cần nghe theo.

Những buổi tập của các ca sĩ, lúc nào chú cũng có mặt từ đầu đến cuối, dù nhiều lúc trông chú rất mệt. Đa số khi các chương trình diễn ra chú đều ốm, đều phải gắng sức. Có lúc đuối sức quá, chú phải đi truyền nước, tiêm thuốc. Chú bị tiểu đường nhưng nhiều khi vẫn phải ăn kẹo ngọt trong cánh gà để không tụt huyết áp, để có sức ra sân khấu.

Tôi đã chứng kiến những lần chú gắng sức. Khi chú hát trên sân khấu, tôi với anh Long đứng trong cánh gà dõi theo từng hơi thở của chú, cứ "cầu Trời lạy Phật để chú diễn cho xong".

Không hiểu sao, tôi lại cứ mường tượng rằng chú đang biểu diễn tự nhiên… đứt quãng, rồi nước mắt tôi cứ muốn trào ra…

Chú Phú Quang gắng sức lắm rồi, thương lắm - 3

Cố nhạc sĩ vừa đệm đàn vừa hát trong một đêm nhạc của mình (Ảnh: TL).

Một lần đi diễn cho chương trình chú Phú Quang ở Hạ Long. Trên đường đi bộ ra phà Hạ Long, chú đi chậm từng bước, một mình, lững thững như thế. Tôi cứ đi chầm chậm đằng sau, không dám đi trước cùng mọi người… Tôi nhìn dáng chú đi yếu gầy, cảm giác gió biển thổi bay đi mất.

Lúc đó tôi lại nhớ đến hình ảnh ngọn nến. Chú từng nhiều lần bệnh nặng, có lần từng… chết hụt và vì thế bài Ngọn nến ra đời:

Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa

Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã

Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu

Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu

Sao tình yêu còn dâng trong mắt em

Cho ta nhớ một thời trai trẻ

Sao mùa thu còn vương trong mắt em

Cho ta tiếc một thời xa đến thế

Dẫu một mai tình xa trong đắng cay

Sẽ còn mãi những phút giây này

Bài thánh ca cho ta cho em

Và ngọn nến mong manh trong đêm.

Tôi thực sự thích nghe chú Phú Quang nói về âm nhạc. Chú đưa những câu chuyện có thật của chính mình, của bạn bè vào âm nhạc. Tôi thuộc nhiều bài hát của Phú Quang, dù có bài chưa từng hát bao giờ.

Tôi yêu nhạc Phú Quang. Khi nghe chú kể, mình hiểu sâu sắc về hoàn cảnh ra đời ca khúc, mình hát sẽ thấm hơn. Như câu hát trong Romance 2:

Em chết trong nỗi buồn.

Chết như từng giọt sương.

Rơi không thành tiếng.

Trái tim em còn trẻ dại trắng trong.

Ai cất giùm em cái nhìn già nua.

Ai cất giùm em bàn tay cằn cõi.

Trong xứ sở của anh hiếm hoi niềm vui.

Nỗi cô đơn khao khát đến nặng lòng.

Ai đã đánh mất em.

Hay tự em đánh mất.

Phải chi em xấu xa.

Phải chi em xấu xa.

Không, không, không.

Trái tim trong trắng của em.

Sao không ai nhận ra.

Sao không ai nhận ra.

Đi bên anh em còn lạc lối về.

Có đôi khi muốn ngã như chiếc bóng.

Ta lẫn vào đêm không ai nhận ra mình.

Về cái tích của bài hát này, chú Quang kể cho tôi nghe rằng, nhân vật trong bài này là nữ nhà thơ. Cô ấy rất đẹp. Khi cô đồng ý kết hôn với người đàn ông Huế, rất gia trưởng thì trong đêm tân hôn, ông này trải khăn trắng dưới giường. Khi cô đi tắm ra, thấy ông bật điện và gào lên: "Ôi em còn trinh trắng, em đúng là người phụ nữ của anh rồi. Anh yêu em!" Lúc ấy, nữ nhà thơ sững sờ, chết đứng!

Và dù sống cùng người chồng nhưng mãi về sau, cô vẫn luôn ám ảnh về đêm tân hôn ấy và luôn cảm giác lạc lõng, chai sạn trong cuộc hôn nhân này…".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm