Chọi trâu Đồ Sơn có thể bị “tước” danh hiệu di sản văn hóa quốc gia?
(Dân trí) - Nếu Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn không thực hiện theo cam kết trong Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét khả năng đưa lễ hội này ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngày 7/7 vừa qua, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục phó Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) ký đã ký báo cáo số 467 trình Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện liên quan công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự việc trâu chọi số 18 húc chủ trâu tử vong (ngày 1/7), Cục Văn hoá cơ sở đã có công văn đề nghị Sở VHTT Hải Phòng tạm dừng Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn nếu chưa đảm bảo được công tác an ninh, an toàn trong lễ hội.
Ngày 1/7, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành công văn số 3850 báo cáo công tác quản lý và tổ chức vòng đấu loại hoạt động chọi trâu trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, trong đó có nội dung đề nghị UBND quận Đồ Sơn tạm dừng việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
Ngày 2/7, đoàn công tác của Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy làm trưởng đoàn đã làm việc trực tiếp với Sở VHTT, UBND quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng để tìm ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn.
Ngày 5/7, Cục Văn hóa cơ sở đã nhận được báo cáo của Sở VHTT TP. Hải Phòng về kết quả kiểm tra, rà soát công tác quản lý và tổ chức vòng đấu loại Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
Trên cơ sở các buổi làm việc và văn bản báo cáo, Cục Văn hóa cơ sở đề xuất với Bộ trưởng tổ chức buổi làm việc với UBND TP. Hải Phòng tại Hà Nội để xem xét cụ thể việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn trong thời gian tới.
Cục Văn hóa cơ sở cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo địa phương nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thông tư số 15/2015 của Bộ VHTT&DL về tổ chức lễ hội. Đối với các lễ hội, hội không có cơ sở để khẳng định là lễ hội dân gian truyền thống; có nội dung kích động bạo lực, phản cảm như “chọi trâu”… thì không cấp phép và tổ chức lễ hội. Đồng thời, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện.
Ngoài ra, Cục Văn hoá cơ sở cũng sẽ phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; cơ quan quản lý và người dân về Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn để tìm ra giải pháp tổ chức phù hợp.
Cục Di sản văn hóa sẽ ra soát lại toàn bộ quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Đồng thời, Cục Di sản cũng sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nếu các biện pháp không thực hiện theo cam kết, Cục Di sản văn hóa và Hội đồng thẩm định sẽ nghiên cứu, tham mưu Bộ trưởng xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Thanh tra Bộ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, tổ chức các lễ hội, đặc biệt các lễ hội không có cơ sở để khẳng định là lễ hội dân gian truyền thống; có nội dung kích động bạo lực, phản cảm như lễ hội chọi trâu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Đơn vị này sẽ phối hợp với Cục Di sản văn hóa kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; cơ quan quản lý và người dân về tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn để tìm ra giải pháp phù hợp.
Văn bản báo cáo của Cục Văn hoá cơ sở cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo Sở VHTT TP. Hải Phòng tạm dừng hoạt động chọi trâu trong tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 và tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu văn hóa, đối thoại xin ý kiến người dân và cộng đồng.
Trường hợp, nếu tiếp tục tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn phải dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là nội dung tổ chức các nghi lễ truyền thống tại địa phương đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị của di sản.
Hà Tùng Long