Chàng trai Thanh Hóa vẽ tranh cá sống động như đang bơi
(Dân trí) - Những bức tranh về cá nhiều màu sắc được anh Trọng vẽ trên nón, chậu và thậm chí là cả khúc gỗ sống động đến mức như đang bơi lội tung tăng khiến nhiều người trầm trồ.
Anh Lê Ngọc Trọng (SN 1992) hiện đang sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa. Cách đây 4 năm, khi vô tình xem trên báo mạng có bài viết về những tác phẩm tranh ES (Epoxy Resin - một dạng keo trong suốt), chàng trai trẻ thấy rất thích thú và bắt đầu tìm hiểu bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.
Thời điểm đó, anh Trọng gặp khó khăn trong việc tìm mua nguyên liệu để vẽ tranh ES ở Việt Nam vì ít nơi bán, giá cả đắt đỏ cũng như chưa có kinh nghiệm, nhất là với môn nghệ thuật đòi hỏi yêu cầu và kỹ năng cao này.
Bằng sự tò mò, ham học hỏi, 9X vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Khác với vẽ trên tường, giấy, toan hay vải, kiểu vẽ ES là kỹ thuật vẽ 3D có nguồn gốc từ Nhật Bản, sử dụng màu acrylic vẽ trên nền epoxy resin nên rất phức tạp và đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Vì phải xử lý trên bề mặt không có độ bám dính nên anh Trọng cần phải vẽ chồng nhiều lớp lên nhau mới có thể tạo ra một nét vẽ như trên giấy. Việc phối màu cũng như chuyển màu đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, tập trung, kiên trì.
Thông thường, muốn vẽ ES cần ít nhất 5-7 lớp để tạo hiệu ứng 3D, mỗi lớp phải vẽ cách nhau 14-20 tiếng. Với các chất liệu như phôi gỗ, giỏ tre, trước khi đổ keo, anh Trọng cần quét 1 lớp epoxy mỏng, xử lý trước để tránh tình trạng sinh bọt khí cho lần đổ tiếp theo. Nếu sử dụng những vật liệu nhỏ hoặc các vùng có tiết diện khiêm tốn thì vẽ sẽ khó hơn nhiều.
"Do bề mặt epoxy rất bóng, trơn, không bám màu nên mình cần vẽ chồng nhiều lớp màu với nhau mới được. Việc pha keo cũng phải khéo sao cho đúng tỷ lệ để keo khô trong 14 tiếng đồng hồ", anh Trọng chia sẻ.
Thời gian đầu chưa nắm chắc kỹ thuật vẽ, chưa biết cách dùng màu, pha keo,.. nên anh Trọng gặp thất bại. Mày mò khổ luyện trong 1 tháng trời, cuối cùng anh cũng hoàn thiện bức tranh cá 3D đầu tiên. Tuy tác phẩm chưa thực sự đẹp mắt nhưng đó là động lực để 9X tiếp tục theo đuổi đam mê.
Để thực hiện một bức tranh cá 3D, anh phải hoàn thành khoảng 5 lớp keo. "Sau khi đổ lớp keo đầu tiên vào khay chứa, chờ 14 giờ sau cho keo khô mới bắt đầu đặt nét cọ màu vẽ đầu tiên. Tiếp tục đổ lớp keo thứ 2, cứ mỗi lớp keo lại 1 lớp màu, đến khi vẽ thành hình con cá như nổi lên trên mặt nước là hoàn thiện.
Mỗi con cá như vậy mình cần đến 5 lớp keo. Lớp đầu vẽ phần vây dưới, lớp thứ 2 vẽ thân, tạo khối, vẽ mắt cá. Lớp thứ 3 là kỹ thuật đẩy sáng tối, tạo dáng cá, vẽ vẩy. Lớp thứ 4 tiếp tục tạo điểm nhấn và hoàn thiện vảy. Cuối cùng là lớp vẽ vây trên của cá", anh Trọng nói.
9X cũng tiết lộ, chỉ nên đổ mỗi lớp keo khoảng 2mm, tránh đổ dày quá, khi vẽ sẽ bị tách lớp keo. Để bức tranh thêm sinh động, anh thường vẽ kết hợp rong rêu, hoa súng hay vài con chuồn chuồn, con ếch.
Tùy vào độ phức tạp mà mỗi bức tranh nhỏ, anh Trọng hoàn thiện trong 1 tuần. Có những khi thực hiện vẽ trên chất liệu kích thước lớn như bàn uống nước, chàng trai trẻ phải tốn gần 1 tháng mới hoàn thành.
Từng công đoạn trong quá trình vẽ tranh đều đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo. Chỉ cần sai 1 bước hoặc 1 chi tiết nhỏ cũng khiến toàn bộ tác phẩm bị bỏ đi. Nhờ sự sáng tạo và tập trung mà mỗi bức tranh đều hiện lên sống động, đẹp chẳng kém gì thực tế.
Theo 9X, công đoạn khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất là vẽ vảy cá. Từng chiếc vẩy được vẽ tỉ mỉ, tạo độ sáng tối, độ bóng sao cho chân thực nhất, mang đến hiệu ứng thị giác thú vị cho người xem.
Sau 3 năm gắn bó, anh Trọng đã tự tin với tay nghề của mình. Ngoài tham khảo kiến thức trên mạng, anh cũng trau dồi thêm kỹ năng từ những người có kinh nghiệm để tạo nên các tác phẩm đẹp chân thực, "có hồn".
Ngoài cá vàng, chàng trai trẻ còn vẽ nhiều loại cá khác nhau như cá Koi. Không chỉ vẽ trên gỗ, anh còn trải nghiệm với các chất liệu như giỏ tre, nón, chậu,... Những chiếc bàn trà, cà phê, khúc gỗ tưởng "vô tri vô giác" nhưng khi kết hợp với tác phẩm tranh ES đã tạo thành những món đồ nội thất đẹp mắt, có giá trị cao.