Chàng trai Tây Nguyên "bỏ phố về quê" khởi nghiệp với măng tây

Hà Hiền

(Dân trí) - Cuối năm 2018, Hồ Thế Mỹ đã bỏ công việc với mức lương ổn định để khởi nghiệp với măng tây từ con số 0. Anh phá bỏ toàn bộ nương rẫy trồng cà phê, tiêu rộng hơn 5000m2 của gia đình để trồng măng tây.

Từ sự nỗ lực, đam mê, Hồ Thế Mỹ (sinh năm 1992) ở xã Ea Bar, Buôn Đôn, Đắk Lắk đã khẳng định được sức trẻ và nhiệt huyết của bản thân khi khởi nghiệp thành công với cây măng tây xanh trên chính mảnh đất quê hương.

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 1
Hồ Thế Mỹ bắt đầu khởi nghiệp với măng tây từ con số 0.

Tốt nghiệp trường ĐH Thể dục Thể thao TPHCM, Mỹ đã chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng chay và nhiều công việc khác. Trong một bữa ăn tại nhà hàng khi đi tiếp khách, Mỹ lần đầu tiên biết tới măng tây, là người ăn chay nên cậu rất tò mò và nếm thử thấy cây măng rất hương vị ngon, ngọt, hấp dẫn.

Khi vào hàng rau ở chợ đầu mối, cửa hàng và siêu thị, Mỹ thấy bất ngờ vì loại rau này có mức giá rất cao. Chàng trai Tây Nguyên mua liền 2 bó măng tây loại to nhất về tìm hiểu cách chế biến thành một số món ăn.

"Lần thứ 2 được ăn, mình thầm nghĩ "yêu nó mất rồi". Măng tây thuộc loài rau nhưng rất ít xơ, giòn ngọt lại có giá trị dinh dưỡng rất cao", Mỹ nhớ lại.

Mỹ cho biết thêm, ưu điểm của giống cây này là đầu tư 1 lần nhưng thu được nhiều năm, và có thể làm trà, bột từ gốc măng tây… nên 9X quyết định sẽ khởi nghiệp và đi đến cùng với loài cây này.

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 2

Măng tây thuộc loài rau nhưng rất ít xơ, giòn ngọt lại có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Thời gian đầu, chàng trai Tây Nguyên đến các vùng nguyên liệu lớn ở Ninh Thuận để học hỏi và ghi chép lại các kiến thức thu thập được. Măng tây có nhiều loại, riêng việc ươm giống từ hạt cũng rất khó khăn, phải kỹ lưỡng.

Không uổng bao công sức nghiên cứu, thử nghiệm, chàng trai Buôn Đôn đã tìm ra và nhập được giống măng tây chính hãng được sản xuất tại Mỹ và Hà Lan cho năng suất ổn định, cây khỏe, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai ở Tây Nguyên.

Đam mê làm nông, đặc biệt là nông nghiệp sạch nên vườn măng tây của Mỹ không sử dụng thuốc hóa học, phân bón hóa học trong khâu chăm sóc. Thay vào đó, anh sử dụng các chế phẩm sinh học, tận dụng nguồn phân bón hữu cơ ở địa phương (phân bò, phân dê, phân trùn quế).

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 3
Măng tây được trồng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học.

"Thật vui vì măng tây được chăm sóc theo cách tự nhiên này nên phát triển rất tốt, cho chất lượng măng non và ngọt đặc trưng", chàng trai Tây Nguyên nói.

Cuối cùng vườn cũng xanh tốt và đến ngày thu hoạch thì khó khăn tiếp theo anh phải đối mặt chính là đầu ra cho sản phẩm, giá thành cao nên rất khó tiếp cận.

Những bó măng tây đầu tiên, anh dành tặng cho những người thân, người quen ở địa phương ăn thử để cảm nhận và cho mình nhận xét về sản phẩm. Sau đó là tiếp thị trực tiếp đến các cửa hàng, tham gia các buổi triển lãm, hội chợ thương mại để tiếp cận các nhà tiêu thụ và các nhà đầu tư.

Khi nắm trong tay quy trình trồng, chăm bón, thị trường của loại cây này, Mỹ lên ý tưởng mở rộng diện tích và cùng một số cộng sự thành công ty Nông Nghiệp Hữu Cơ Việt Nguyên để liên kết với người dân mở rộng sản xuất, bao tiêu đầu ra.

Hiện tại tổng diện tích trồng măng tây của công ty Mỹ là 10ha, nằm rải rác ở các huyện Buôn Đôn, Krông Pắc, Buôn Ma Thuột, huyện Lắk. Trong đó,40% diện tích là công ty Mỹ tự sản xuất, 60% còn lại là đầu tư cùng bà con nông dân.

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 4
Mỹ mang sản phẩm măng tây của mình đến giới thiệu tại các hội chợ.

Măng tây khi bước vào giai đoạn trưởng thành sẽ được thu hoạch hàng ngày. Phải hái măng tây vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa tỏ để đảm bảo được độ tươi non của măng. Bởi khi có ánh sáng sẽ thúc đẩy quá trình quang hợp tổng hợp chất diệp lục làm cho cây măng chuyển màu xanh đậm, búp nở làm mẫu mã không đẹp, khó khăn vận chuyển.

1000m2 măng tây cho thu hoạch 8 - 10kg/ngày đỉnh điểm có thể lên đến 15kg. Giá bán thấp nhất là 40.000đ/kg (tùy theo từng loại và giá thị trường). Sau khi trừ chi phí, 1 sào măng tây cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông chủ 9X thường khởi động một ngày làm việc bằng ly cà phê, đặc sản của Tây Nguyên và những quyển sách khởi nghiệp, thay đổi tư duy để nạp năng lượng tràn. Sau đó, anh dạo ra vườn tỉ mẫn ngó nghiêng, kiểm tra măng, hái ngọn măng ăn tại vườn và ghi chép những dấu hiệu hay nội dung cần chú ý.

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 5
Măng tây cho thu hoạch từ 8-9 tháng/năm, thời gian còn lại để cho cây "dưỡng sức", tiếp tục đẻ nhánh.

Mỹ nói vui rằng "măng tây giống như cô gái kiêu kỳ, hay hờn dỗi", ông chủ 9X có thói quen ăn măng tươi tại vườn để kiểm tra độ ngọt và giòn của măng hoặc bới gốc măng để xem độ tơi xốp của đất, xem có sự phát triển của rầy rệp, nấm bệnh không.

Hiện nay, mô hình làm giàu từ măng này dần trở nên phổ biến ở địa phương nên có nhiều đơn vị muốn đến trực tiếp nông trại tham quan, học hỏi, Mỹ đều sắp xếp lịch để tiếp đón các đoàn tham quan. Các vùng nguyên liệu nằm rải ở các huyện, tháng nào Mỹ và đội ngũ nhân viên cũng đến kiểm tra tiến độ, cập nhật tình hình.

Mỹ còn xây dựng cả kênh Youtube với đội ngũ nhân viên hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây để chia sẻ đến mọi người.

Trong tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp như hiện tại cũng ảnh hưởng ít nhiều đến khâu sản xuất. Đặc biệt, măng tây là sản phẩm tươi bắt buộc phải chuyển đến tay nhà phân phối trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon. Hiện nay, khâu vận tải rất khó khăn, thời gian vận chuyển có thể kéo dài lên tới 2 ngày sẽ làm cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, các nhà vườn tạm dừng sản xuất và tập trung vào chăm sóc. Đây cũng là cơ hội để cây măng được nghỉ, phục hồi sau thời gian thu hái.

"Khởi nghiệp khiến tôi trở thành một người năng động hơn. Trong thời gian đầu, một mình phải tự lo liệu hết mọi việc, nhưng may mắn đã có các cộng sự luôn san sẻ, động viên nhau cùng cố gắng. Quan trọng nhất là tôi đã chiến thắng bản thân mình, nỗ lực đạt được mục tiêu trồng thành công măng tây trên mảnh đất Tây Nguyên", 9X chia sẻ.

Chàng trai Tây Nguyên bỏ phố về quê khởi nghiệp với măng tây - 6
Hiện này, đội ngũ của Mỹ vẫn tích cực mở rộng thêm vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Măng tây cần có một diện tích đủ lớn và tập trung để thuận lợi trong việc quản lý, chuẩn hóa quy trình, giảm chi phí đầu vào và đưa được sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

"Nông nghiệp sạch hiện là xu hướng, mọi người đều hướng tới giá trị về sức khỏe, hướng đến thiên nhiên nên tôi thấy hướng đi của mình sẽ rất bền vững và sẽ không bao giờ từ bỏ nó", chàng trai 9X quả quyết.