Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh

Ngọc Linh

(Dân trí) - Ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Quang Sáng (Phủ Lý, Hà Nam) trưng bày hàng chục tiểu cảnh do anh tự tay sáng tạo. Anh Sáng làm tiểu cảnh như một thú vui trong cuộc sống, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm.

Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh - 1

Góc sáng tạo nhỏ của anh Sáng trong căn nhà (Ảnh: NVCC). 

Trước khi tìm hiểu về bộ môn tiểu cảnh, anh Sáng cũng đã có 5 năm theo đuổi bộ môn thủy sinh. Anh Sáng tự mày mò tìm hiểu qua internet, ban đầu anh gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào thực hiện những tiểu cảnh đầu tiên. 

Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh - 2

Cận cảnh chi tiết trong tiểu cảnh do anh Sáng thực hiện (Ảnh: NVCC). 

"Tiểu cảnh mình làm theo phong cách Phật giáo. Mình muốn đưa sự bình yên vào trong không gian sống của gia đình. Mình hoàn toàn không có kiến thức, kỹ năng nào để làm tiểu cảnh, xong làm tiểu cảnh mang hơi hướng Phật giáo lại khá cầu kỳ trong chi tiết. 

Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh - 3

Đem sự yên bình vào ngôi nhà bằng tiểu cảnh hơi hướng Phật giáo (Ảnh: NVCC). 

Rất may là cộng đồng chơi tiểu cảnh ở Việt nam rất đông, nghệ thuật làm tiểu cảnh cũng phát triển mạnh mẽ như một phong trào, nhờ giao lưu học hỏi cùng anh em chung đam mê mà tay nghề của mình cũng khá lên rất nhiều", anh Sáng nói. 

Đối với anh Sáng, để đánh giá về độ khó khi làm tiểu cảnh thì điều quan trọng nhất chính là sức sáng tạo, niềm đam mê và độ tỉ mỉ, khéo léo.

Những chi tiết nhỏ được anh Sáng tỉ mỉ, trau chuốt. Ngoài giờ làm việc anh Sáng lại lên mạng xã hội sưu tầm những chi tiết đình, chùa, tượng Phật độc đáo để đưa vào tiểu cảnh. "Trước đây khi nói đến tiểu cảnh, vật liệu chủ yếu chỉ có xi măng. Nhưng giờ đã có nhiều sự thay đổi, các chi tiết có thể xây dựng từ chất liệu nhựa, silicon, nhẹ và dễ tạo hình. 

Có những chi tiết tiểu cảnh yêu cầu cao về mặt kỹ thuật mình lại cùng trao đổi và tìm kiếm từ những người có chung đam mê. Để nói là học làm tiểu cảnh có khó không thì mình nghĩ là không. Chỉ cần mình có đam mê và tìm được người chung sở thích thì sẽ có thể chinh phục được", Sáng chia sẻ. 

Làm tiểu cảnh giúp anh Sáng học cách nhẫn nại và kiên trì. Anh cho biết, bất kể bộ môn nghệ thuật nào cũng yêu cầu sự kiên trì theo đuổi chứ không chỉ riêng làm tiểu cảnh. Mỗi lần có một chi tiết trong tiểu cảnh không được ưng ý anh luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, luôn suy nghĩ và tìm bằng được cách khắc phục. 

Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh - 4

Một góc nhà của anh Sáng ở Hà Nam (Ảnh: NVCC). 

Sau giờ hành chính, trở về nhà, anh Sáng lại bắt tay vào làm tiểu cảnh. Đam mê ấy đã giúp anh thư giãn, cân bằng cuộc sống: "Hãy cứ tưởng tượng sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi trở về nhà bật một bản nhạc, được ngắm núi, ngắm chùa chiền, ngắm Phật thì lòng thanh tịnh biết bao nhiêu. Thường mình sẽ tranh thủ ngày chủ nhật được nghỉ để làm tiểu cảnh. Lúc nào mình cũng ước chủ nhật có 48 giờ để mình thỏa sức với đam mê", anh Sang cười nói. 

Chàng trai đem sự bình yên vào không gian sống bằng tiểu cảnh - 5

Từng chi tiết nhỏ đang được chuẩn bị để tạo nên tiểu cảnh (Ảnh: NVCC)